(KTSG Online) – Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai chính phủ điện tử (CPĐT) tại nước ta đã có những “bước tiến” mạnh mẽ trong thời gian vừa qua tạo nhiều thuận lợi cho người dân và tiết kiệm ngân sách nhà nước. Song nếu đích đến của CPĐT là các cơ quan chính phủ, bộ ngành, tỉnh thành cung cấp toàn bộ các dịch vụ công hoàn toàn qua mạng cho người dân thì xem ra cái “đích” đó còn xa.
- Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số vào năm 2025
- Cải thiện chỉ số Chính phủ điện tử để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia
Dân tiết kiệm thời gian, chính quyền tiết kiệm ngân sách
Thời gian gần đây chị Hoàng Nhung ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chọn khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Thay vì phải đến bệnh viện sớm để lấy số khám bệnh rồi ngồi chờ đến lượt khám (có khi mất vài tiếng chờ) như nhiều bệnh viện đang làm thì chị chọn vào website của bệnh viện, đăng kí lịch khám bệnh qua kênh nhắn tin zalo được tích hợp trên website của bệnh viện này. Đúng giờ hẹn, chị đến khám mà không phải xếp hàng chờ đợi tại bệnh viện.
Với những khách hàng lớn tuổi, không dùng được điện thoại thông minh hoặc nhắn tin zalo, có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng của bệnh viện trên để đặt lịch khám bệnh. Sở dĩ bệnh nhân có thể hẹn lịch khám bệnh như trên cho Bệnh viện Bạch Mai đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh qua nhiều kênh khác nhau. Thông tin từ bệnh biện này cho biết hiện mỗi ngày trung bình có 2.000 - 2.500 người đăng ký khám qua các hình thức mới này.
Việc chủ động đăng ký khám bệnh giúp giãn thời gian khám trong ngày, tránh ùn tắc, quá tải cùng một khung giờ, người bệnh không phải chờ đợi lâu, chất lượng khám bệnh, tư vấn sẽ nâng cao.
Trong tháng 8 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử để triển khai toàn bệnh viện trong năm 2024. Việc triển khai bệnh án điện tử giúp liên thông thông tin của người bệnh đến tất cả các bộ phận liên quan trong các khoa, phòng. Bác sĩ dễ dàng theo dõi được diễn biến, quá trình điều trị của người bệnh, từ đó đưa ra được các dự báo và có kế hoạch điều trị tiếp theo. Về phía người bệnh cũng không cần phải lo giữ và bảo quản bệnh án giấy...
Không chỉ trong lĩnh vực khám chữa bệnh, việc các cơ quan, bộ ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ công gần đây đã tạo thuận lợi cho người dân. Như Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đưa dịch vụ công đặt xe buýt lên Zalo. Chỉ trong một tháng, dịch vụ này đã có 250.000 người sử dụng, cao hơn cả 4 năm trước đó cộng lại.
Còn từ 1-8 tới, các chủ xe có đăng kí xe trực tuyến, không cần phải đến cơ quan công an. Theo đó, người dân khi thực hiện đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước trên cổng dịch vụ công hoặc VneID (phần mềm định danh điện tử cài trên điện thoại thông minh) có thể được thực hiện bấm biển số qua mạng (không phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe như trước). Sau đó chủ xe sẽ được hướng dẫn nộp tiền lệ phí đăng ký xe qua tiện ích thanh toán được tích hợp sẵn.
Khi nhận chứng nhận đăng ký xe, biển số xe từ dịch vụ bưu chính, chủ xe gửi cho cơ quan đăng ký xe phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (có dán bản chà số máy, số khung của xe, đóng dấu giáp lai của cơ sở sản xuất) qua dịch vụ bưu chính công ích. Sở dĩ người dân có thể triển khai đăng kí xe qua mạng do ngành công an đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành, cung cấp dịch vụ công.
Trên đây là những ví dụ điển hình về tiện ích mà người dân được hưởng khi CPĐT được triển khai rộng hơn. Ngoài tạo sự thuận tiện cho người dân, CPĐT còn giúp tiết kiệm cho ngân sách.
Nhằm thúc đẩy CPĐT, hướng tới nền tư pháp văn minh trong thời đại số, Tòa án Nhân dân tối cao đã đề xuất và được Quốc hội chấp thuận cho tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, từ năm 2022 đến nay, các tòa án đã phối hợp với các cơ quan tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án. Việc triển khai các phiên tòa xét xử trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội như: hạn chế tập trung đông người, tiết kiệm chi phí đi lại... Ngoài ra, việc xét xử trực tuyến cũng giúp tiết kiệm chi phí dẫn giải, bảo vệ.
Theo Tòa án Nhân dân Tối cao, với 20.000 vụ án đã xét xử bằng hình thức trực tuyến, ước tính Ngân sách Nhà nước tiết kiệm được hơn 96 tỉ đồng.
Các thông tin trên được Tòa án Nhân dân Tối cao cung cấp tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Chuyển đổi số ngành tòa án được Ủy ban này chọn là mô hình thành công để nhân rộng ra cả nước.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính còn thấp
Đầu tháng 7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố đánh giá chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh. Theo đó, không có hệ thống của bộ, ngành, địa phương nào đạt được mức cao trong thang đánh giá. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được chia thành 5 mức độ có tổng điểm từ cao xuống thấp gồm: A (từ 90 - 100 điểm); B (từ 80 - 89 điểm); C (từ 65 - 79 điểm); D (từ 50 - 64 điểm) và E (dưới 50 điểm).
Kết quả đánh giá cho thấy, điểm trung bình của khối bộ, ngành là 43. Trong 21 bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, không bộ ngành nào có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đạt mức A và B; 5 bộ đạt mức C gồm Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt mức D; 15 bộ, ngành còn lại đạt mức E.
Với 63 địa phương, điểm trung bình của khối này là 63 điểm, cao hơn so với khối các bộ, ngành. Tuy nhiên, cũng không có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nào của địa phương đạt mức A và B; 39 địa phương đạt mức C; 24 địa phương đạt mức D; 9 tỉnh bị đánh giá mức E gồm: Gia Lai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hậu Giang và Phú Yên.
Kết quả trên sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương nhìn rõ hiện trạng, thấy được những tồn tại, hạn chế để từ đó xác định và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.
Qua kết quả đánh giá, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận xét, việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung tại cấp bộ đang đối mặt với nhiều thách thức hơn so với cấp tỉnh. Nhất là các bộ, ngành có nhiều hệ thống đã hoạt động trong thời gian dài, việc chuyển đổi và hợp nhất trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn.
Các hệ thống cũ thường có sự khác biệt về cấu trúc và tính năng khiến việc tích hợp các hệ thống này không chỉ cần thời gian nâng cấp, mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai.
Theo báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam xếp vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 6 Đông Nam Á - thứ hạng không thay đổi so với năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam đã duy trì việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.
Các chuyên gia cho rằng, với thứ hạng như trên và thực tế dịch vụ công trực tuyến được cung cấp, các cơ quan bộ ngành, tỉnh thành tại Việt Nam còn phải đầu tư chuyển đổi số hơn rất nhiều trong thời gian tới để cải thiện thứ hạng so với tốc độ phát triển CPĐT của các nước.