Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ đốc thúc khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong chương trình công tác tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều giải pháp được nêu ra để khắc phục, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển như đề xuất xây dựng đề án tổng về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; bố trí kinh phí khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kiểm soát công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển…

Khai thác cát cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Theo TTXVN, hôm nay (12-8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tiếp tục khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai Nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang và kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp.

Trước đó, hôm 11-8, đoàn công tác cũng có buổi khảo sát thực địa về tình hình sạt lở bờ biển khu vực thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; khảo sát sạt lở tại khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào, ven biển tỉnh Bạc Liêu; khảo sát tại các khu vực Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), khu vực Hổ Mồi (huyện Đầm Dơi) và khu vực đất mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận phân tích tình hình, dự báo nguy cơ, nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển của các địa phương; đề xuất, kiến nghị về giải pháp khắc phục hậu quả, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong khu vực; bố trí kinh phí khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kiểm soát các hoạt động kinh tế-xã hội hiệu quả, tránh tác động tới môi trường, tự nhiên…

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở; chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xây dựng dự án để xử lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn lực cả nguồn dự phòng ngân sách trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương.

Về lâu dài, các đơn vị cần đánh giá nguyên nhân sạt lở; cùng với đó là kiểm soát công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn; rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở; chú trọng trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển.

Báo cáo của các địa phương cho biết, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Chẳng hạn tỉnh Cà Mau đến nay đã có 187km bờ biển bị sạt lở, hư hại hơn 5.000 héc-ta đất và rừng phòng hộ và hơn 400km bờ sông đã bị và có nguy cơ bị sạt lở. Tại tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, hơn 80 đoạn sạt lở bờ sông đã xảy ra, ảnh hưởng đến tài sản người dân và hạ tầng công cộng và 7km bờ biển bị sạt lở khiến đai rừng phòng hộ bị phá. Tại tỉnh Bạc Liêu, 7 tháng đầu năm nay, địa phương xảy ra 8 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển  làm hơn 100 căn nhà bị sụp và bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng ngàn héc-ta nuôi trồng thủy sản và nhiều công trình, tài sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới