Thứ Bảy, 27/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ Mỹ có thể đóng cửa trong vài giờ tới

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu Quốc hội không thể thông qua một dự luật chi tiêu ngắn hạn cung cấp ngân sách cho các cơ quan liên bang trước nửa đêm ngày 30-9.

Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua được dự luật chi tiêu ngắn hạn trước thời hạn nửa đêm 30-9, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa. Ảnh: CNBC TV18

Hôm 29-9, với tỷ lệ 232 phiếu chống và 198 phiếu ủng hộ, Hạ viện Mỹ đã không thể thông qua một dự luật dư tiêu ngắn hạn để cung cấp ngân sách hoạt động cho các cơ quan liên bang trong 30 ngày tới nhằm tránh nguy cơ đóng cửa. Dự luật này, do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất, sẽ cắt giảm chi tiêu cho các chương trình liên bang lên đến 30% và áp đặt các biện pháp kiểm soát nhập cư và an ninh biên giới nghiêm ngặt. Đảng Dân chủ chỉ trích dự luật của đảng Cộng hòa vì sẽ cắt giảm phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em nghèo cũng như các nguồn lực để chống cháy rừng. Cuối cùng, 21 thành viên đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã đứng về phía đảng Dân chủ để bỏ phiếu chống dự luật. Hạ viện sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho dự luật trong hôm nay. Nhưng ngay cả khi được Hạ viện thông qua, dự luật ít có cơ hội vượt qua vòng bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ, nơi đảng Dân chủ kiểm soát.

Trong khi đó, Thượng viện cũng đang thúc đẩy một dự luật chi tiêu ngắn hạn khác để cung cấp ngân sách cho các cơ quan chính phủ đến ngày 11-17. Dự luật này bao gồm 6,15 tỉ đô la viện trợ cho Ukaine, điều mà các thành viên đảng Cộng hòa phản đối.

“Vẫn chưa kết thúc, tôi còn có ý tưởng khác”, ông Kevin McCarthy nói với các phóng viên sau khi dự luật mà ông ủng hộ không được Hạ viện nhất trí. Ông từ chối cho biết những ý tưởng đó là gì.

Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói chi tiêu có thể được Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước 12 giờ 1 phút sáng 1-10, theo giờ miền Đông của Mỹ, các công viên quốc gia sẽ đóng cửa, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ sẽ dừng hầu hết các hoạt động quản lý và việc trả lương cho 4 triệu nhân viên liên bang sẽ bị gián đoạn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, việc chính phủ đóng cửa sẽ “làm suy yếu” tiến bộ kinh tế của Mỹ do các chương trình dành cho doanh nghiệp nhỏ và trẻ em bị đình trệ, đồng thời có thể trì hoãn những cải thiện lớn về cơ sở hạ tầng.

Đây sẽ là lần đóng cửa thứ tư của chính phủ Mỹ  trong vòng một thập niên. Bốn tháng trước,  Quốc hội Mỹ cũng trải qua tình trạng bế tắc tương tự với thỏa thuận nâng nợ trần công, khiến chính phủ liên bang cận kề nguy cơ vỡ nợ. Cuộc đấu cân não đến tận phút chót của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về các vấn đề tài chính đang gây lo ngại ở Phố Wall.

Tổng thống Joe Biden cũng cảnh báo việc chính chủ đóng cửa có thể gây thiệt hại nặng nề cho các lực lượng vũ trang.

“Chúng ta không thể chơi trò chính trị trong khi quân đội của chúng ta đối mặt với sự tấn công. Đó rõ ràng là sự lơ là nghĩa vụ”, ông Biden, một thành đảng viên Đảng Dân chủ, nói

Quốc hội Mỹ cần phải thông qua tổng cộng 12 dự luật để trang trải chi tiêu cho tất cả cơ quan liên bang trong 12 tháng tới.

Ông McCarthy đã giành được một chiến thắng nhỏ vào tối thứ 28-9 khi đảng Cộng hòa thành công trong việc thúc đẩy Hạ viện thông qua 3 trong số  4 dự luật cung cấp ngân  sách cho 4 cơ quan liên bang trong toàn bộ năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-10. Tuy nhiên, các dự luật này không có cơ hội vượt qua Thượng viện, vì vậy, sẽ không giúp ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa.

Hakeem Jeffries, thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ, nói với các phóng viên rằng đảng Cộng hòa đang chứng kiến “cuộc nội chiến” gay gắt về các dự luật chi tiêu trong nhiều tháng và điều này đe dọa đóng cửa chính phủ. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bày tỏ sự thất vọng với những đồng nghiệp có quan điểm cứng rắn của họ.

Trước đó, trong một cuộc họp kín, ông McCarthy nói rằng đảng Cộng hòa sẽ phải lựa chọn dự luật chi tiêu ngắn hạn của Hạ viện hoặc phiên bản của Thượng viện, nếu không sẽ có nguy cơ bị đổ lỗi cho việc chính phủ  đóng cửa.

Hồi tháng 6, ông McCarthy và Tổng thống Biden đã đồng ý một thỏa thuận đặt mức chi tiêu của các cơ quan liên bang ở mức 1,59 nghìn tỉ đô la trong năm tài chính 2024. Nhưng những thành viên cứng rắn của đảng Cộng hòa cho rằng con số đó cần giảm 120 tỉ đô la.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump, người có khả năng sẽ là đối thủ chính thức của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, chỉ trích việc các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện hợp tác với đảng Dân chủ để xây dựng thỏa thuận chi tiêu.

Theo Reuters

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới