(KTSG Online) - Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) cùng các tổng chưởng lý của 15 bang và đặc khu Washington D.C kiện cáo buộc Apple sử dụng quyền lực chi phối trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone) ở Mỹ để bóp nghẹt sự cạnh tranh của các đối thủ và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
- Chính phủ Mỹ kiện Amazon vì lạm dụng quyền lực độc quyền bán lẻ trực tuyến
- Sẽ chia nhỏ Apple, Google, Amazon, Facebook?
Hệ sinh thái của iPhone tạo ra tình trạng độc quyền
Nội dung đơn kiện được nộp ra một tòa án liên bang ở New Jersey hôm 21-3 cho rằng, hệ sinh thái của iPhone tạo ra tình trạng độc quyền, giúp cho Apple có quyền định giá “trên trời” cho các dịch vụ, gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhà phát triển ứng dụng và các đối thủ sản xuất smartphone.
Đơn kiện cáo buộc, các thực hành phản cạnh tranh của Apple không chỉ diễn ra ở mảng kinh doanh iPhone và Apple Watch mà còn liên quan đến các dịch vụ quảng cáo, trình duyệt, ứng dụng gọi điện thoại video FaceTime và dịch vụ tin tức.
“Mỗi bước trong quá trình ứng xử của Apple đều xây dựng và củng cố con hào xung quanh sự độc quyền về smartphone của hãng”, đơn kiện nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, DoJ cho rằng, để thúc ép người tiêu dùng tiếp tục mua iPhone, Apple đã chặn các ứng dụng đa nền tảng, hạn chế sử dụng ví di động của bên thứ ba và làm gián đoạn các chương trình và dịch vụ phát sóng trực tiếp trên đám mây (cloud streaming) không thuộc cửa hàng ứng dụng Apple Store.
“Các hành vi phản cạnh tranh này được thiết kế để duy trì sức mạnh độc quyền của Apple trong khi giúp hãng kiếm được càng nhiều doanh thu càng tốt”, đơn kiện lập luận.
Hiện nay, ứng dụng nhắn tin iMessage của iPhone chỉ hỗ trợ các thiết bị của Apple. Một số người dùng đã yêu cầu Apple cải thiện dịch vụ nhắn tin giữa iPhone và các smarphone chạy hệ điều hành Android.
Đơn kiện nhắc lại những phát biểu gây tranh cãi liên quan đến vấn đề này của Tim Cook, CEO Apple. Tại một sự kiện vào 2022, một người dùng iPhone phàn nàn với Tim Cook: “Tôi không thể gửi cho mẹ tôi một số video nhất định”.
“Hãy mua cho mẹ bạn một chiếc iPhone”, người đứng đầu Apple trả lời.
DoJ cũng cáo buộc, Apple thiết kế đồng hồ thông minh Apple Watch để sản phẩm này chỉ hoạt động với iPhone, chứ không thể kết nối với các thiết bị Android. Hành vi này của Apple khiến người dùng Apple Watch chịu phí tổn lớn nếu họ không tiếp tục mua iPhone. Apple đã hạn chế các dịch vụ phát trực tuyến trên nền tảng đám mây ở nền tảng App Store, ngăn chặn người dùng truy cập vào các trò chơi điện tử chất lượng cao trên iPhone.
Tại cuộc họp báo về vụ kiện ở Washington D.C, Bộ trưởng DoJ, Merrick Garland, cho biết, tòa án tối cao Mỹ định nghĩa quyền lực độc quyền là “quyền kiểm soát giá cả hoặc loại trừ cạnh tranh”.
“Như đã nêu trong đơn kiện, Apple có quyền lực đó trên thị trường smartphone. Nếu không bị phản đối, Apple sẽ tiếp tục củng cố sự độc quyền về smarphone”, ông nói.
DoJ tính đến phương án chẻ nhỏ Apple
Vụ kiện trên gây rủi ro đáng kể đối với mô hình kinh doanh được “bao bọc” cẩn thận của Apple. Vụ kiện có thể buộc Apple phải thực hiện những thay đổi lớn ở một số mảng kinh doanh béo bở nhất. Apple ghi nhận doanh số iPhone đạt hơn 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023. Trong khi đó, mảng kinh doanh thiết bị đeo bao gồm Apple Watch tạo ra doanh số 40 tỉ đô la và mảng dịch vụ đạt doanh thu 85 tỉ đô la.
Theo một quan chức của DoJ, nếu thắng trong vụ kiện này, DoJ không loại trừ khả năng chẻ nhỏ Apple thành nhiều công ty riêng biệt như là một giải pháp để loại bỏ sự độc quyền của Apple.
Trong khi đó, Bộ trưởng DoJ, Merrick Garland cho biết, DoJ đang xem xét buộc Apple thay đổi các chính sách xung quanh Apple Wallet, ứng dụng lưu trữ quản lý các loại thẻ trên iPhone. Hiện tại, người dùng phải sử dụng dịch vụ thanh toán Apple Pay mới có thể tích hợp thẻ tín dụng vào Apple Wallet.
“Khi người dùng iPhone kết nối thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ với Apple Wallet, Apple sẽ tham gia vào một quy trình mà lẽ ra sẽ xảy ra trực tiếp giữa người dùng và nhà phát hành thẻ”, ông nói.
Về phần mình, Apple cho biết, hãng không đồng ý và sẽ chống lại lập luận trong đơn kiện. “Vụ kiện này đe dọa bản sắc của chúng tôi và những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trên các thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nếu thành công, vụ kiện sẽ cản trở khả năng của chúng tôi trong việc tạo ra loại công nghệ mà mọi người mong đợi từ Apple, nơi phần cứng, phần mềm và dịch vụ giao nhau”, người phát ngôn của Apple nói với hãng tin CNBC.
Người phát ngôn cũng cảnh báo, vụ kiện sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào “việc thiết kế công nghệ của con người”.
Theo Counterpoint Research, Apple chiếm 64% thị phần smartphone ở Mỹ trong quí cuối năm 2023, so với 18% của Samsung. Theo DoJ, thị phần smartphone của Apple ở Mỹ hiện đã vượt 70%.
Trước đây, DoJ đã tiến hành hai vụ kiện chống lại Apple, bao gồm một vụ cáo buộc hãng thông đồng với 5 nhà phát hành khác để tăng giá sách điện tử. Apple đã buộc phải trả 450 triệu đô la Mỹ cho khách hàng mua sách điện tử để dàn xếp vụ kiện này.
Vụ thứ hai cáo buộc rằng hãng thông đồng với các công ty công nghệ khác để không trực tiếp chiêu mộ nhân viên của mỗi bên nhằm tránh cuộc chiến tiền lương. Các bên liên quan cũng đã nộp một số tiền không tiết lộ để gác lại vụ kiện này.
Thông tin về vụ kiện mới nhất của DoJ khiến cổ phiếu của Apple bị bán tháo trong phiên giao dịch hôm 21-3, với mức giảm 4,1%, tương đương mức suy giảm vốn hóa 113 tỉ đô la.
Theo CNBC, Reuters, Financial Times
Hồi đầu tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), ra quyết định xử phạt Apple 1,8 tỉ euro vì ngăn cản Spotify và các dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác cung cấp cho người dùng các phương thức thanh toán khác nằm ngoài Apple Store. Hiện tại, các ứng dụng cài đặt trong Apple Store sẽ phải trả phí hoa hồng lên đến 30% cho mỗi giao dịch tài chính.
Hôm 21-3, hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, EC sẽ tiến hành điều tra Apple, Meta Platforms và Google về các vi phạm tiềm tàng đối với Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU.
Nếu bị kết luận vi phạm, các công ty này có thể đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Đạo luật DMA yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp cho người dùng và đối thủ nhiều lựa chọn hơn để đảm bảo một sân chơi bình đẳng.
Chẳng hạn, DMA yêu cầu doanh nghiệp cho phép người dùng xóa mọi phần mềm hoặc ứng dụng được cài đặt sẵn nếu muốn. Nhà cung cấp dịch vụ cũng cần được sự đồng ý của người dùng để sử dụng dữ liệu của khách hàng dtrên các dịch vụ khác nhau hoặc cho quảng cáo được cá nhân hóa.