Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ Mỹ lại đứng trước nguy cơ đóng cửa trong khủng hoảng trần nợ công

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cuộc khủng hoảng lần này cần có giải pháp cho hai vấn đề lớn. Thứ nhất, liệu các bên có đạt đến một thỏa thuận giờ chót khi ngân sách quốc gia bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng và chính phủ có thể đóng cửa như vào năm 2017 dưới thời Cộng hòa của ông Donald Trump và năm 2011 dưới phong trào Dân chủ của ông Barack Obama? Thứ hai, liệu người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ sẽ được tiếp sức trong chính sách tài chính toàn diện mới của Tổng thống Joe Biden?

Ngân sách quốc gia lâm vào ngõ cụt

Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen viết rằng kho bạc có khả năng cạn kiệt nếu Quốc hội trì hoãn quyết định, không có động thái nhằm tăng mức trần nợ công trước ngày 18-10 tới. Bà Yallen cảnh báo “tại thời điểm đó, ngân khố nước Mỹ sẽ chỉ còn lại nguồn lực rất hạn chế và sẽ nhanh chóng cạn”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói chuyện với các nhà hoạt động môi trường ngày 28-9 về đạo luật xây dựng. Đảng Dân chủ đang tìm cách nâng mức trần nợ công trên mức 28.400 tỉ đô la trước khi ngân sách quốc gia cạn kiệt trong ba tuần nữa. Ảnh: Bloomberg

Trong phiên điều trần trực tiếp trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, bà Yellen nói rằng việc trì hoãn, không nâng giới hạn nợ sẽ dẫn đến vụ vỡ nợ lần đầu tiên của Mỹ và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế số một thế giới. Bà nhấn mạnh, điều cấp thiết là Quốc hội Mỹ phải nhanh chóng giải quyết giới hạn nợ. Nếu không, sự tin tưởng tuyệt đối sẽ mất và tín nhiệm của Mỹ sẽ bị suy giảm. “Nước Mỹ có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế”, bà nhấn mạnh.

Đảng Dân chủ đang bị dồn đến chân tường trong nỗ lực tránh khả năng đóng cửa chính phủ, nguy cơ vỡ nợ và thông qua gói kích thích kinh tế mới hơn 4.000 tỉ đô la của Tổng thống Joe Biden.

Mọi người đang trông chờ là ngày mai Chủ tịch Hạ viện Pelosi sẽ có món quà bất ngờ nào đó. Ngày mai 30-9 là ngày cuối cùng của năm tài khóa hiện tại. Tài khóa mới chưa được thông qua và các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ hiện vẫn chưa rõ ràng. Suốt tuần qua, các cuộc vận động và thuyết phục đang diễn ra ráo riết giữa các phe ủng hộ và chống đối nâng trần nợ trong đảng Dân chủ. Một ngân sách 550 tỉ đô la dành cho cơ sở hạ tầng và các trợ cấp xã hội đến 3.500 tỉ đô la đang được dàn xếp.

Một nhóm các nghị sĩ cấp tiến trong đảng Dân chủ hôm qua tuyên bố sẽ phản đối dự luật về cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ biểu quyết ngày mai tại Quốc hội.

Hôm 27-9, Tổng thống Biden đã triệu tập hai nghị sĩ có xu hướng ôn hòa là Joe Manchin của bang West Virginia và Kyrsten Sinema của Arizona để có được sự hậu thuẫn cho các gói ngân sách của ông. Tuy nhiên, sau cuộc gặp 90 phút, ông Munchin tuyên bố rằng: “ Không có bất cứ cam kết nào. Chỉ có việc thảo luận thân thiện đề cập đến những nhu cầu của quốc gia”.

Nhưng quá trình bàn luận càng kéo dài, Dân chủ sẽ càng chia bè rẽ cánh. Nhân vật số hai của Dân chủ tại Thượng viện, Dick Durbin của bang Illinois, hy vọng rằng ông Biden sẽ “có phép màu nào đó” về gói an sinh xã hội trong ngày mai hoặc trễ lắm là tuần này.

Trong khi đó, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa lần thứ hai khẳng định sẽ cản trở bất cứ nỗ lực để ngăn Dân chủ nâng mức trần nợ, mặc cho nguy cơ vỡ nợ đang cận kề trong ba tuần nữa.

Ngân sách quốc gia lâm vào ngõ cụt đã khiến nhà đầu tư bán tháo, cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 5. Lợi suất trái phiếu kho bạc đến hạn ngày 18-10 , thời điểm mà ngân khố nước Mỹ có nguy cơ mất khả năng trả nợ,  đã tăng cao hơn lãi suất của các loại chứng khoán.

Chiến thuật “vực thẳm tài khóa”

JPMorgan Chase & Co từ lâu đã chuẩn bị cho khả năng nước Mỹ chạm trần mức nợ, CEO Jamie Dimon nói với hãng tin Reuters. Nhưng ông kỳ vọng rằng các nhà lập pháp sẽ tìm được giải pháp tránh kết cuộc thảm họa cho ngân sách và nền kinh tế Mỹ.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã vạch ra các kịch bản về khả năng vỡ nợ của Mỹ có thể ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và mua bán nợ, hợp đồng với khách hàng hiện tại, tỷ lệ tài chính và phản ứng của các hãng cho điểm tín dụng. “Đây là lần thứ ba chúng tôi làm việc này. Đây là sự kiện đầy rủi ro. Trước đây, mỗi lần khả năng này xuất hiện, giờ chót mọi chuyện được dàn xếp. Nhưng lần này chúng ta đang tiến gần hơn chuyện đổ vỡ. Tôi cho rằng người ta đã ngộ nhận và một ngày nào đó, chúng ta chỉ cần một dự luật được cả hai đảng thông qua và quẳng chuyện mức trần nợ vào sọt rác. Tất cả đều là chính trị”, Dimon nói.

Phe Dân chủ đang xoay xở tìm cách nâng trần nợ trên mức 28.400 tỉ đô la trước khi ngân sách cạn. Nhưng chắc chắc khả năng này không thể khi Cộng hòa bền bỉ phản đối. Chiến thuật đẩy tài khóa quốc gia đến bên bờ vực thảm họa luôn là nét đặc trưng của chính trị nước Mỹ trong suốt thập kỷ qua bởi sự phân cực hai đảng và cả sự chia rẽ nội bộ của từng đảng. Điển hình nhất là các thỏa thuận về trần nợ công đã dàn xếp vào phút chót trong năm 2011 và 2017.

Bloomberg nói rằng tuần trước Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã kêu gọi các công ty tài chính lớn nhất ở Wall Street ủng hộ bà trong chiến dịch gây sức ép với Cộng hòa. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã từ chối bình luận về vụ việc này.

JPMorgan đang xem lại các hợp đồng đã ký với khách hàng – một quá trình cực nhọc và tốn kém. “Bạn phải xem xét lại các hợp đồng để đưa ra dự báo. Nếu tôi nhớ không lầm, lần cuối khi chúng tôi thực hiện công việc rà soát, chúng tôi phải chi 100 triệu đô la”, Dimon nói với Reuters.

Tài chính cho người yếu thế

Chính sách tài chính toàn diện của Tổng thống Joe Biden nhằm tạo điều kiện cho các sắc dân và doanh nghiệp nhỏ có thể bình đẳng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. Đã có ý kiến thành lập ngân hàng dành cho người da đen và do người da đen quản lý. Ảnh: USA Today

Cuộc trò chuyện giữa Dimon và Reuters diễn ra trước lễ khai trương chi nhánh mới ngày 28-9 của JPMorgan ở khu vực đông bắc Washington. Đây là một phần trong nỗ lực của JPMorgan nhằm thúc đẩy chính sách tài chính toàn diện (từ thuật ngữ racial equity hay financial inclusion), phục vụ những cộng đồng ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.

Đây là chi nhánh thứ 11 của JPMorgan mở tại các thành phố gồm New York, Detroit, Los Angeles và Chicago kể từ năm 2019. Ngoài các dịch vụ thông thường, các chi nhánh còn làm việc với các nhóm địa phương nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ hay doanh chủ.

“Đây không là chi nhánh ngân hàng thông thường. Chúng tôi muốn chi nhánh này trở nên hấp dẫn và chào đón mọi tầng lớp”, Dimon nói.

Tiếp sau các cuộc biểu tình “Black Lives Matter” diễn ra trên toàn liên bang trong năm ngoái, ngân hàng đã cam kết dành 30 tỉ đô la trong vòng 5 năm để tạo điều kiện tiếp cận toàn diện cho cộng đồng. Đã có 40.000 hợp đồng cho vay tiền mua nhà và 15.000 khoản vay làm ăn cho cộng đồng người da đen và người Mỹ Latinh.

Các khoản tài chính này cho thấy làm cách nào các tập đoàn lớn có thể thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường và quản trị (ESG) giữa áp lực từ nhà đầu tư luôn muốn có lợi nhuận. Điều này càng là thách thức trước đòi hỏi khoản lợi nhuận đó luôn được bảo đảm, trong bối cảnh dịch vẫn hoành hành.

Giải quyết bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính là một ưu tiên của chính phủ Mỹ. Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố: “Tình trạng các chi nhánh ngân hàng vắng vẻ càng kéo dài thêm tình trạng bất bình đẳng bởi nó hạn chế tiếp cận tín dụng của người dân”.

Michael Hsu hiện là quyền đại diện trưởng Văn phòng Kiểm toán Tiền tệ vốn giữ chức năng điều tiết hoạt động của ngân hàng trung ương (Fed) đã được ông Biden bổ nhiệm và đang chờ Thượng viện phê chuẩn. Việc bổ nhiệm một người gốc Á đã nói lên quyết tâm kiến tạo chính sách tài chính bình đẳng của Tổng thống Biden. Trong tháng 9 này, ông Hsu tuyên bố sẽ loại bỏ các quy định ngăn cản tiếp cận tài chính bình đẳng do người tiền nhiệm của nội các cựu Tổng thống Donald Trump soạn thảo. Ông Hsu sẽ xe lại các quy định này với các nhà lập chính sách mới của Fed.

Các quy định của Đạo luật tái đầu tư cho cộng đồng (CRA), trong đó nhà lập chính sách cho điểm các ngân hàng về chất lượng dịch vụ của họ dành cho người nghèo, cần được cập nhật để theo kịp các thay đổi công nghệ trong ngành tài chính ngân hàng. “Về tổng quan, đạo luật này tạo ảnh hưởng tốt đến nền kinh tế”, Dimon nói.

Nhưng Dimon cũng thừa nhận: “Đó là quá trình rất phức tạp, rất chậm, rất trễ và rất khó để đo lường”. Ông cũng nói thêm việc đánh giá CRA phải được thực hiện vào thời điểm thực, không theo kiểu vài năm mới rà soát lại.

“Điều này thật sự có ý nghĩa như thế nào? Không. Nó có theo thời điểm thực không, tức đáp ứng đúng nhu cầu hiện tại Không. Nó có động cơ chính trị không? Tôi chắc chắn rằng nhất định có”, Dimon khẳng định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới