(KTSG Online) - Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng nay 17-2. Sau khi thảo luận với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng cho biết Chính phủ dự kiến sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
- Ảnh hưởng của chính sách tín dụng bất động sản đến hoạt động ngân hàng
- Doanh nghiệp bất động sản và những giải pháp tình thế để phục hồi
- Giải cứu bất động sản bằng ‘tiền mặt’: chọn giải pháp dài hạn hay giải quyết tình huống?
Theo TTXVN, Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra sáng nay 17-2 tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách pháp luật, nguồn vốn tín dụng và các giải pháp cấp bách gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Trong đó vướng mắc chính liên quan đến pháp luật về đất đai, điển hình là xác định giá đất theo giá thị trường, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá… Bên cạnh đó là bất cập trong các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng.
Với khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Bộ Xây dựng nhận định nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng, có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Trong báo cáo kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm khơi dòng vốn tín dụng cho bất động sản. Đó là: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường.
Nới trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tập trung cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội; đặc biệt là có biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ thị trường bất động sản.
Đại diện các doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, hiện có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được… Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động.
Các doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm điều chỉnh, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất, nhà ở; xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế. Cụ thể Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.
Theo Baochinhphu.vn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi nghe kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản, đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp phải đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Với chính sách tín dụng, Thủ tướng lưu ý không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Phải điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chỉ tính từ tháng 11-2022 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn về mọi mặt cho lĩnh vực này.