Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ yêu cầu giám sát chặt thị trường tài chính, tiền tệ, đấu giá đất

L.N

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hai vụ án lớn liên quan đến việc lũng đoạn trên thị trường chứng khoán (TTCK) và lừa đảo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khiến  Chính phủ ban hành nhanh Công điện chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN và đấu giá quyền sử dụng đất đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và toàn bộ hệ thống tài chính.

Trong Công điện số 304 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 7-4, có 6 vấn đề lớn được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương thực hiện để thiết lập lại ổn định trên thị trường TPDN và vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương.

Bộ Tài chính, NHNN và SSC phải rà soát tất cả các nguồn tín dụng, trái phiếu của doanh nghiệp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Kreston Vietnam

Sáu vấn đề này bao gồm:

(1) Bộ Công an khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả. Bộ Công an cũng phải tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

(2) Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN ) chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn TPDN, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; chủ động rà soát khung khổ pháp luật, xây dựng các kịch bản ứng phó gắn với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ổn định, phát triển thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư; tăng cường kiểm tra, , giám sát, công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

(3) Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng... theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng , báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 15/4 2022.

Mặt khác, các cơ quan giám sát tài chính phải nhanh chóng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN: phát hành, đầu tư trái phiếu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn, quản lý rủi ro mạnh mẽ hơn. Việc này phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-4-2022.

Bộ Tài chính và SSC  cần chủ động công bố thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Các cơ quan này cần chủ động phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu theo quy định cho các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ việc.

(4) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bất động sản ở các địa phương. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, gây mất ổn định thị trường, kịp thời xác minh, làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để xảy ra trục lợi. Rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập, thiếu sót, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi lợi dụng, hành vi vi phạm để trục lợi.

(5) Thống đốc Ngân hàng nhà nước phải chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư TPDN, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… TPDN, đặc biệt là các trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… Ngân hàng nhà nước khẩn trương rà soát hoạt động cho vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng để nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.

(6) Thủ tướng yêu cầu  Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây mất ổn định thị trường.

Sau vụ lừa đảo của Tập đoàn Bất động sản Tân Hoàng Minh trên thị trường TPDN trị giá 10 ngàn tỉ đồng và trước đó bỏ cọc lô đất đã trúng đấu giá tại Thủ Thiêm, đến lượt hai doanh nghiệp khác trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm là Dream Republic và Sheen Mega có văn bản xin trả dần và kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan. Những vấn đề này gây tâm lý bất ổn trên thị trường đấu giá đất và mất niềm tin của người dân vào các cuộc đấu giá đất công khai. Trong khi đó, quy định của pháp luật phải hoàn tất việc nộp tiền vào ngày 6-4 vừa qua (sau 90 ngày đấu giá).

2 BÌNH LUẬN

  1. Tại sao hầu hết các “đại gia” ở ta đều dính dáng phần nhiều đến đất đai/ tiền tệ/ tài chính ? Câu hỏi này không khó trả lời. Đất đai/ tiền tệ/ tài chính là hàng hóa đặc biệt, có giá cả đặc thù, do vậy luôn gắn liền với mục tiêu siêu lợi ích. Những dự án hoặc phi vụ kinh doanh liên quan đến đất đai, đồng hành với nó là tiền tệ và tài chính, tất nhiên đều phải thông qua sự giám sát và chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó hình thành nên một chuỗi lợi ích liên hoàn, vừa công khai vừa ngấm ngầm, khó có thể kiểm tra kiểm soát… đến nơi đến chốn. Muốn cải thiện hiệu quả nền kinh tế, rõ ràng trước hết phải cải thiện hiệu năng quản lý nhà nước/ uy tín và chuyên nghiệp của hệ thống tiền tệ tài chính/ chất lượng đội ngũ doanh nghiệp.

  2. Nhiều địa phương miền Bắc, đang có tình trạng thu hồi đất mà chính quyền đã giao cho nông dân sử dụng sản xuất ổn định lầu dài, đền bù khoảng 86 tr/sào bắc bộ.Sau đó có hiện tượng chuyển đấu giá đất theo loại ‘đất ở’, thu khoảng 4,5 tỷ/sào.
    Vậy Người nông dân sẽ sinh sống lâu dài bằng gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới