Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chính sách của Nhà nước cũng phải ‘thích nghi’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách của Nhà nước cũng phải 'thích nghi'

Hữu Đạo (*)

(TBKTSG) - Dịch Covid-19 đã buộc doanh nghiệp phải thay đổi, thích nghi để tiếp tục tồn tại và phát triển. Để nỗ lực của doanh nghiệp được thành công, không thể thiếu vai trò trợ giúp của Chính phủ và các chính sách cũng phải thay đổi để “thích nghi” với tình hình mới.

Chính sách của Nhà nước cũng phải 'thích nghi'
Chính phủ đã linh hoạt chuyển từ giãn cách xã hội trên diện rộng sang khoanh vùng giãn cách xã hội theo từng ổ dịch. Ảnh: THÀNH HOA

Đại dịch Covid-19, sẽ còn kéo dài, đã và đang tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động các nước, trong đó có Việt Nam. Các biện pháp khống chế dịch như giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới, mặc dù đã đạt được những thành công về mặt kiểm soát dịch bệnh, song cũng khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành du lịch đóng băng, hoạt động sản xuất trong nước bị gián đoạn hoặc tê liệt dưới tác động của các biện pháp kiểm soát dịch trong nước cũng như ảnh hưởng của việc kinh tế thế giới bị suy giảm do dịch bệnh kéo dài.

Hệ lụy đối với nền kinh tế nội địa là nhiều cơ sở dịch vụ bị đóng cửa và nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tám tháng đầu năm 2020, chỉ có 88.700 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi có tới 34.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 24.200 doanh nghiệp chờ giải thể và 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Thực trạng này đã gây áp lực trực tiếp lên thị trường việc làm cũng như khả năng hấp thụ lao động bị mất việc. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 8, cả nước có 17,6 triệu người bị giảm thu nhập; 7,8 triệu lao động bị mất việc hoặc phải nghỉ luân phiên hoặc giãn việc.

Giải pháp hỗ trợ thuần túy về kinh tế theo hướng bù đắp thu nhập bị sụt giảm và những khó khăn trong triển khai Nghị quyết 42 trên thực tế, đòi hỏi Nhà nước cần kịp thời cập nhật quan điểm điều hành theo hướng thiết kế và thực thi những chính sách vừa hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa giúp họ nhanh chóng thích nghi với trạng thái kinh tế trong và sau dịch để tồn tại và phát triển.

Để chung tay chia sẻ khó khăn cùng người dân, Chính phủ Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh các chính sách kiểm soát dịch như chuyển từ giãn cách xã hội trên diện rộng sang khoanh vùng giãn cách xã hội theo từng ổ dịch, và nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP là một giải pháp.

Tuy nhiên, giải pháp hỗ trợ thuần túy về kinh tế theo hướng bù đắp thu nhập bị sụt giảm và những khó khăn trong triển khai Nghị quyết 42 trên thực tế, đòi hỏi Nhà nước cần kịp thời cập nhật quan điểm điều hành theo hướng thiết kế và thực thi những chính sách vừa hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa giúp họ nhanh chóng thích nghi với trạng thái kinh tế trong và sau dịch để tồn tại và phát triển.

Doanh nghiệp và người lao động có thể được chia thành ba nhóm đối tượng chính, căn cứ vào khả năng điều chỉnh cách thức và điều kiện sản xuất, từ đó các định hướng giải pháp phù hợp có thể được đề xuất, cụ thể như sau:

Một là, nhóm lao động làm việc trong các ngành sản xuất “truyền thống”, tức là những ngành sản xuất không thể hoặc rất khó áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc trong quá trình sản xuất như da giày, may mặc, chế biến nông phẩm,... Đối với nhóm này, cần xác định việc người lao động phải dừng việc, giãn việc sẽ kéo theo sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng phá sản của doanh nghiệp và mất việc làm đối với người lao động. Các chính sách có thể áp dụng cho nhóm này cần thực hiện được hai mục tiêu chính: (i) giúp doanh nghiệp và người lao động tiếp tục tồn tại trong trạng thái thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất và (ii) khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động trong thời gian nghỉ do dịch bệnh, coi giai đoạn này là “cơ hội vàng” để tạo tiền đề vững chắc cho việc gia tăng năng suất lao động và mở rộng quy mô sản xuất khi dịch bệnh hoàn toàn qua đi. Các mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua các hình thức hỗ trợ tài chính và phi tài chính.

Hai là, nhóm lao động trong các ngành nghề có tính linh hoạt và khả năng thích ứng với trạng thái hạn chế tiếp xúc trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại và nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như dịch vụ tài chính - ngân hàng, thương mại, logistics...

Đây là những ngành nghề mà bản chất phát triển đã hướng tới việc giảm tiếp xúc trực tiếp giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng thông qua các nền tảng công nghệ, và bản thân những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này đã nhanh chóng có những biện pháp để thích nghi với khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Do vậy, nhiệm vụ của Chính phủ trong trường hợp này chỉ đơn thuần là đưa ra các giải pháp mang tính khuyến khích và tạo lập môi trường, đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện các nền tảng về pháp lý, hạ tầng viễn thông và khả năng bảo mật nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng ứng dụng thành công công nghệ hiện đại và tăng tỷ lệ số hóa quá trình sản xuất - kinh doanh.

Ba là, nhóm lao động mới tham gia thị trường hoặc lao động thuộc những doanh nghiệp không có khả năng hồi phục cho dù dịch bệnh hoàn toàn bị khống chế. Giải pháp phù hợp nhất cho nhóm đối tượng này là khuyến khích tạo việc làm mới gắn với chương trình khởi nghiệp của Chính phủ.

Chỉ thị số 09/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được ban hành đúng lúc cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, nên đã không nhận được sự quan tâm như kỳ vọng.

Tuy nhiên, một khi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn được coi là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, các chính sách đối phó đại dịch sẽ không thể nào bỏ qua khả năng tạo việc làm và nâng cao thu nhập của các doanh nghiệp thuộc nhóm này.

Các chính sách khuyến khích tinh thần khởi nghiệp không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi những người trẻ tuổi được đào tạo bài bản, mà còn nên khuyến khích sự đam mê và tài năng chưa được bộc lộ của chính những lao động gặp khó khăn do đại dịch, với những giải pháp bao gồm: (i) xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, tư vấn về pháp lý và chuyên môn nhằm thúc đẩy tiềm năng sáng tạo khởi nghiệp của cá nhân, rút ngắn khoảng cách từ ý tưởng thành hiện thực; (ii) triển khai các ưu đãi về thuế và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung nguồn lực, ổn định hoạt động, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; (iii) rà soát và mở rộng phạm vi đối tượng có thể tham gia nhận hỗ trợ khởi nghiệp từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; và (iv) tạo môi trường thông tin minh bạch, liên thông tăng tính kết nối với người lao động để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp mới thành lập.

Các nhóm giải pháp trên vừa là để bảo vệ việc làm trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, vừa mang tính dài hạn, giúp chuẩn bị thế và lực cho thị trường lao động sau đại dịch. Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để chuyển mình mạnh mẽ và thích nghi để phát triển.

(*) Nhóm Chính sách Hathaway

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới