Chính sách kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19
Đinh Tuấn Minh (*)
(TBKTSG) - Dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm nay đã khiến cho nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ. Nhưng cũng như mọi đợt dịch, dù dài hay ngắn, dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi. Chính phủ cần ứng xử chính sách thế nào để giúp nền kinh tế phục hồi, tiếp đà tăng trưởng như trong những năm vừa qua?
Dưa hấu cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác đang gặp khó khăn trong việc xuất sang Trung Quốc. Trong ảnh: Người dân tham gia “giải cứu” dưa hấu. Ảnh: THÀNH HOA |
Ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế
Khi một trận dịch bệnh diễn ra trong một thời gian ngắn, chẳng hạn hai hoặc ba tháng, một phần của nền kinh tế hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Chẳng hạn, trong đợt dịch Covid-19 hiện nay, một loạt lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, ăn uống, giáo dục, bị ảnh hưởng nặng. Ngoài ra, những doanh nghiệp có giao thương trực tiếp với Trung Quốc cũng ít nhiều bị tác động tiêu cực cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc như dưa hấu, thanh long, và các doanh nghiệp lắp ráp sử dụng linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc đều phản ánh bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Với một nền kinh tế có giá trị xuất nhập khẩu với Trung Quốc lên tới 117 tỉ đô la Mỹ năm 2019 như Việt Nam, mức độ ảnh hưởng có thể nói là khá rộng.
Trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng, để đảm bảo cân bằng ngân sách, khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn. |
Nếu dịch bệnh chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 2-3 tháng, đa phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn có thể chịu đựng được. Có thể một số doanh nghiệp nhỏ sẽ phải tạm ngừng hoạt động do không đủ vốn lưu động để bù đắp cho chi phí thuê lao động và thuê mặt bằng kinh doanh. Các chủ doanh nghiệp quy mô lớn và trường vốn vẫn có thể trả cho người lao động có hợp đồng mức lương tối thiểu. Đa số người lao động sẽ sử dụng tiền tiết kiệm để chi tiêu thay vì đi tìm việc làm mới. Tất cả đều hy vọng rồi mọi chuyện bình thường sẽ quay trở lại. Cầu đối với phần còn lại của nền kinh tế chỉ bị ảnh hưởng đôi chút.
Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, nền kinh tế có thể sẽ rơi vào suy thoái. Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể cầm cự được thêm, buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân công. Lực lượng lao động không có việc làm này sẽ khiến cho cầu trong nền kinh tế bị sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp trong các ngành khác bị ảnh hưởng theo. Nếu số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động lớn sẽ khiến cho nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho những ngành khác trong nền kinh tế. Suy giảm kinh tế có thể sẽ ngày càng tồi tệ, biến thành suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, chi tiêu của Nhà nước cho công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng tăng. Nguồn thu ngân sách của Nhà nước lại bị sụt giảm. Khả năng chi tiêu của Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc sẽ bị giảm đi.
Chính sách nào cho hậu dịch bệnh Covid-19?
Sẽ có nhiều kịch bản xảy ra cho nền kinh tế Việt Nam hậu dịch bệnh Covid-19, phụ thuộc vào thời gian kết thúc dịch bệnh cũng như tác động của dịch bệnh đối với các nền kinh tế toàn cầu.
Nếu may mắn, dịch bệnh kết thúc sớm trong tháng tới tại Việt Nam và được khống chế lây lan trong phạm vi toàn cầu, đa phần các hoạt động kinh tế sẽ vận hành bình thường trở lại. Những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trước đây sẽ hồi phục năng lực sản xuất. Rất có thể, cầu trong những ngành này sau thời gian bị dồn nén sẽ bung mạnh hơn so với bình thường, khiến cho các ngành nghề đó tăng trưởng cao hơn, đủ bù đắp cho những thiệt hại trong thời gian dịch bệnh.
Tất nhiên, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh. Nhưng chúng ta cần phải coi đó như là một loại rủi ro mà bất cứ doanh nghiệp nào khi kinh doanh cũng đều phải sẵn sàng gánh chịu. Chính phủ về cơ bản không cần bất cứ hỗ trợ tài khóa hay tín dụng nào cho những doanh nghiệp này. Chính sách đúng đắn nhất của Chính phủ sau khi dịch bệnh kết thúc là đẩy mạnh truyền thông để mang lại niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nếu như dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn kéo dài, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung ứng mới và thị trường mới để thay thế và hồi phục sản xuất. Đây là những công việc Chính phủ có thể cần làm ngay từ bây giờ.
Với kịch bản dịch bệnh kéo dài hơn, chẳng hạn hết quí 2 hoặc quí 3-2020, Chính phủ có thể áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế hoặc cho phép các tỉnh, thành sử dụng quỹ dự trữ tài chính địa phương để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn giãn nợ cho những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề bị ảnh hưởng. Đây là chính sách Chính phủ có thể cân nhắc để bảo tồn được năng lực sản xuất tại những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng. Giải pháp này không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục trở lại. Một cải cách toàn diện như vậy có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trong giai đoạn bình thường nhưng có thể sẽ dễ dàng được thông qua trong giai đoạn dịch bệnh vừa kết thúc.
Dù với bất kể kịch bản nào, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Trong những năm vừa qua, nền kinh tế của Việt Nam hồi phục và duy trì mức tăng trưởng vững chắc được một phần là nhờ Chính phủ kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát dưới 4%. Sự phục hồi kinh tế sau dịch bệnh cần nhất là mang lại niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bất cứ sự biến động mạnh nào về giá cả đều khiến cho người dân giảm chi tiêu và đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế.
(*) Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI)