Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính sách tiền tệ không phải ‘cây đũa thần’ với nền kinh tế

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lãi suất không còn là yếu tố trọng yếu với doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh tắc nghẽn dòng tiền và thiếu hụt đơn hàng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có lần thứ ba điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, với mức giảm 0,5% một năm ở một số lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hay lãi suất trên kênh OMO. Như vậy, đa số lãi suất điều hành đều đã giảm về mức trước Covid-19, thậm chí thấp hơn mức đó.

Điều này cho thấy động thái khá chủ động của NHNN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, đồng thời là tín hiệu cho việc lãi suất thị trường cần phải điều chỉnh thêm từ mức hiện tại để có thể về vùng trước Covid-19. Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục hạ nhiệt ở các kỳ hạn, với mức giảm 50 điểm cơ bản ở cả nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và tư nhân cho kỳ hạn dưới 6 tháng và 20-50 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 6 tháng.

Tình trạng thiếu đơn hàng của doanh nghiệp khiến không ít người lao động rơi vào khó khăn do việc làm, thu nhập giảm sút. Ảnh: LÊ VŨ

Tuy nhiên, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm và kinh tế quốc tế còn nhiều biến số khó lường, thì nền kinh tế và doanh nghiệp cần nhiều hỗ trợ hơn từ chính sách tài khoá, an sinh xã hội, xoá bỏ rào cản kinh doanh bất hợp lý.

Chính sách tiền tệ “gánh” quá nhiều mục tiêu

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho biết bức tranh kinh tế của Việt Nam nhiều gam màu xám hơn so với dự báo. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1-2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất khoảng 12 năm nay, đặc biệt là sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng không mấy sáng sủa với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới những tháng đầu năm.

Thị trường bất động sản vẫn khó khăn, “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp chưa được tháo gỡ, nợ xấu được dự báo sẽ tăng mạnh, lãi suất neo ở mức cao.

Mặt khác, Việt Nam cũng phải đối diện với thách thức từ tác động bên ngoài, bởi nước ta là nền kinh tế mở, vừa phải thích nghi với bối cảnh bên ngoài vừa phải xoay xở trong nước để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, tái cấu trúc hệ thống để đảm bảo chất lượng lâu dài.

Tất cả những yếu tố trên, theo ông Thành, khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cả năm 2023 càng thêm khó khăn.

Chuyên gia này cũng lưu ý việc Việt Nam hiện hướng tới rất nhiều mục tiêu, gồm: ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng sẽ tiếp tục là thách thức với NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát khoảng 4,5% đã cho thấy thách thức rất lớn của cơ quan điều hành trong việc đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu, nhất là trong điều kiện dư địa chính sách tiền tệ khá hạn hẹp”, ông Thành đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN, cho biết khó khăn nhất với cơ quan này là phải tìm được điểm hài hòa để vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Theo ông Hà, khó khăn của nền kinh tế là khó khăn tổng thể, trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống.

“Bài toán khó đặt ra ở đây là, NHNN phải tìm được điểm hài hoà vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, ông Hà nêu vấn đề và lưu ý việc điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”.

Còn ông Phan Lê Thành Long, CEO của AFA Group, cho rằng nhu cầu đầu ra của doanh nghiệp mới là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Dẫn chứng số liệu kinh tế tháng 3 và 4-2023, vị này cho biết chỉ số quản trị mua hàng (PMI) - giữ vai trò định hướng, dự báo cho nhà đầu tư về tương lai - của Việt Nam đều dưới 50 điểm, đồng nghĩa với hoạt động trong nền kinh tế yếu kém. Trước đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, PMI đã từng xuống sát mức 40 điểm.

“Việc chỉ số PMI thấp sẽ phản ánh vào kết quả hoạt động của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp trong quý kế tiếp”, ông Long nói và dự báo xu hướng tích cực chưa thể trở lại với lĩnh vực sản xuất và các ngành công nghiệp trong nền kinh tế.

Về động thái giảm lãi suất của NHNN, ông Long đánh giá việc giảm lãi suất không tạo nhiều tác động do ảnh hưởng từ quyết định này thường có độ trễ và cần thời gian để phản ánh vào lãi suất huy động - cho vay, từ đó thẩm thấu vào nền kinh tế.

Với doanh nghiệp, vị này cho rằng vấn đề đáng quan tâm hiện tại là đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng, thậm chí khó khăn dự kiến tiếp tục gia tăng thời gian tới.

Thực tế, tình trạng lao động bị giãn việc, giảm giờ làm, mất việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất cũng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ghi nhận.

Báo cáo của cơ quan này ghi nhận số lao động nghỉ giãn việc gần 294.000 người trong quý 1-2023, giảm 2.000 người so với cuối 2022 và đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 83%.

Số lao động mất việc là 149.000 người, tăng 39.000 người so với quý trước. Số này tập trung ở ngành dệt may với tỷ lệ 19%, da giày với 18%, sản xuất linh kiện - sản phẩm điện tử với 17%. Lao động mất việc, giảm giờ làm tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai 32.600 người, Bình Dương 21.700 lao động, Bắc Ninh và Bắc Giang lần lượt 14.000 người và 7.700 người.

Tìm lối ra từ chính sách tài khóa

Để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi nửa cuối năm 2023, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp ổn định vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, kích cầu du lịch, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công với mục tiêu giảm áp lực tài chính, tăng cường “sức khỏe” doanh nghiệp, qua đó gián tiếp giải quyết tình trạng thiếu việc làm.

Gia hạn thuế sẽ hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa: L.Tuan

GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn.

Theo đó, các cơ quan quản lý tiếp tục gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/2023 Chính phủ. Đồng thời, rà soát lại các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phần nào chưa giải ngân hết như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với số dự kiến chưa giải ngân là 37.520 tỉ đồng đến hết năm 2023, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với số dự kiến chưa giải ngân khoảng 2.823 tỉ đồng.

“Với số còn dư thì nên điều chuyển sang chính sách khác có khả năng thực hiện”, ông Thành nói với KTSG Online.

Về đầu tư công, ông Thành khuyến nghị Chính phủ có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 mới đạt gần 14,7% kế hoạch cả năm và đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao, theo báo cáo của Bộ Tài chính.

Nguyên nhân chính, theo ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính, là vướng mắc tại khâu chuẩn bị đầu tư. Theo Luật Đầu tư công, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án "tắc" sẽ dẫn tới các khâu tiếp theo không thực hiện được.

“Dự án được phê duyệt mới tính đến việc đền bù giải phóng mặt bằng - vốn diễn ra chậm, nên thời gian chuẩn bị đầu tư bị kéo dài. Đây cũng là lý do dẫn tới tình trạng ‘vốn chờ dự án đủ thủ tục’, khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán bị nghẽn”, ông Phớc nói bên hành lang Quốc hội.

Để giải quyết tình trạng này, ông Tô Trung Thành cho rằng cần thực hiện các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, gồm: nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; điều chuyển vốn cho các dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương và các dự án khẩn cấp.

Trong dài hạn, chuyên gia này khuyến nghị Chính phủ hoàn thiện Luật Đầu tư công cùng các luật khác có liên quan. Đồng thời, xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng quan điểm, ông Hồ Đức Phớc cho rằng phải sửa luật theo hướng “một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công” mới có thể khắc phục tình trạng này.

Với người lao động, Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội, với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.

"Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta", bà Dung nói tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31-5.

Bên cạnh các yếu tố trên, ông Tô Trung Thành khuyến nghị cơ quan quản lý không nên sao nhãng chất lượng tăng trưởng kinh tế, cụ thể là đóng góp của năng suất lao động, các nhân tố tổng hợp (TFP), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào GDP, bởi nếu không thì nền kinh tế không thể tăng trưởng bền vững và ổn định.

Theo ông Thành, năng suất lao động của Việt Nam tăng 6,48% năm 2022 - cao nhất trong khu vực ASEAN, nhưng về mặt tuyệt đối vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng nguồn nhân lực thấp và mức đóng góp của chất lượng lao động vào GDP lại giảm mạnh, từ mức 8% vào năm 2015, xuống còn 1,4% vào năm 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới