(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự báo việc điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn, khi vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều rủi ro bất định.
- Thực thi chính sách tài khóa và tín dụng một cách thận trọng để giảm áp lực lạm phát
- Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ ngày mai, 23-9
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3-2022 sáng 23-9, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, cho biết việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục gia tăng lãi suất đã kích hoạt động thái tương tự ở một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới với 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu tính từ đầu năm 2022 tới nay, trong khi cả năm 2021 chỉ có 113 lượt tăng lãi suất.
Động thái tăng lãi suất của FED cũng khiến nhiều đồng tiền giảm giá mạnh so với đô la Mỹ lũy kế từ cuối năm 2021 tới 20-9-2022. Đơn cử, Tân Đài tệ (TWD) giảm 13,5%, Baht (THB) giảm 11,95%, Yên Nhật (JPY) giảm 25,18%, Won (KRW) giảm 17,57%, Peso (PHP) giảm 13,65%, Ringgit (MYR) giảm 9,67%, Rupee (INR) giảm 7,44%, Nhân dân tệ (CNY) giảm 10,9%, Euro (EUR) giảm 13,49%, Bảng Anh (GBP) giảm 20,02%.
Theo ông Quang, các yếu tố gồm lạm phát toàn cầu tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá, rủi ro lạm phát nhập khẩu với nhiều nền kinh tế gia tăng nhanh chóng… đã kích hoạt một “cuộc chiến” tiền tệ với mục tiêu không để đồng tiền mất giá nhiều, giảm nhẹ tác động của lạm phát nhập khẩu.
Để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi kinh tế Việt Nam, NHNN đã điều chỉnh tăng lãi suất vào ngày 22-9. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4,0% một năm lên 5,0% một năm, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5% lên 3,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với tổ chức tín dụng (TCTD) tăng từ 5,0% lên 6,0%.
Lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2% một năm lên 0,5% một năm, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%, lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tăng từ 4,5% lên 5,5%.
Việc điều chỉnh lãi suất, theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, là phù hợp với xu hướng thị trường trong và ngoài nước, giúp ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đô la Mỹ tăng giá, FED tăng lãi suất với tốc độ nhanh và mạnh hơn, căng thẳng Nga – Ukraine.
Với Việt Nam, giá cả xăng dầu và vật tư xây dựng đã được kiểm soát nhưng vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Ngoài ra, tác động vòng 2 của chi phí đẩy do giá nguyên - nhiên - vật liệu tăng vẫn rất lớn.
“NHNN tiếp tục điều hành chính sách với mục tiêu đảm bảo ổn định tỷ giá, duy trì trạng thái ngoại tệ hợp lý theo nhu cầu thị trường”, ông Tú khẳng định.
Với các tổ chức tín dụng (TCTD), ông Tú cho biết NHNN sẽ vận động các tổ chức này đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Chí Quang cho biết hoạt động điều hành sẽ rất khó khăn khi vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều rủi ro bất định. Vì vậy, NHNN sẽ triển khai một số giải pháp.
Tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chỉ đạo TCTD hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát nhập khẩu.
Lạm phát luôn là sự đánh đổi. Lãi suất tăng, giá trị tài sản giảm. Giá cả tăng, thu nhập thực tế giảm. Nội tệ giảm, ngoại tệ tăng. Chi phí tăng, tăng trưởng giảm. Người giàu càng lo, người nghèo càng khóc. Rốt cuộc, ưu tiên lớn nhất trong cuộc chiến này không phải là cố sức kiềm chế mà là tìm cách giải phóng lạm phát. Chiến thuật ở đây là, thông bất thống, tắc đâu gỡ đó, gỡ đúng chỗ đúng lúc, lấy mềm khắc cứng, dĩ bất biến ứng vạn biến.