Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính sách trở lại văn phòng không cứu vãn được các cao ốc trống vắng ở Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chủ sở hữu cao ốc văn phòng ở Mỹ vẫn đau đầu với tỷ trống ở sát mức cao kỷ lục dù gần đây, các doanh nghiệp lớn quyết liệt yêu cầu nhân viên quay trở lại không gian làm việc truyền thống của họ.

Đường phố vắng tanh ở San Francisco, Mỹ khi hầu hết doanh nghiệp áp dụng quy định nhân viên chỉ cần có mặt ở văn phòng 3 ngày mỗi tuần. Ảnh: NY Times

Tính đến giữa tháng 9, tỷ lệ nhân viên quay trở lại văn phòng ở 10 đô la thị lớn của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, điều tồi tệ hiện nay là số lượng nhân viên có mặt ở văn phòng ở các thành phố lớn vẫn chỉ bằng một nửa so với năm 2019.

Cho đến nay, chính sách cứng rắn của các công ty nhằm thúc ép nhân viên trở lại văn phòng phần lớn không hiệu quả trong việc cải thiện đáng kể tỷ lệ nhân viên có mặt ở không gian làm việc trực tiếp. Nguy cơ số ca nhiễm Covid-19 bùng lên vào vào mùa thu này cùng với nền kinh tế đang suy yếu có thể đẩy tỷ lệ nhân viên có mặt tại văn phòng giảm trở lại.

Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ đang tăng cường nỗ lực lấp đầy không gian làm việc của họ. Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Amazon, ngân hàng JPMorgan Chase nằm trong số những công ty gần đây tuyên bố thi hành biện pháp cứng rắn hơn đối với những nhân viên không chịu trở lại văn phòng. Hồi tháng 8, Meta cảnh báo nhân viên rằng, họ có thể phải đối mặt với kỷ luật nếu thường xuyên vi phạm quy định mới, yêu cầu họ có mặt ở văn phòng 3 ngày mỗi tuần áp dụng kể từ tháng 9.

Nhưng những hành động này vẫn chưa tác động tích cực đến tỷ lệ trở lại văn phòng trên toàn quốc. Phần lớn các công ty vẫn cho phép nhân viên làm việc từ xa ít nhất là một nửa số ngày trong tuần bất chấp những lời lẽ cứng rắn.

Hầu hết nhân viên sẽ đến văn phòng vào các ngày giữa tuần, nhưng các tầng nhà sẽ thưa thớt người vào thứ Hai và thứ Sáu. Ở thành phố Chicago, một số ngày trong tháng 9 có tỷ lệ nhân viên trở lại văn phòng vượt 66%. Nhưng tỷ lệ đó giảm xuống mức dưới 30% vào thứ Sáu. Tại New York, tỷ lệ này dao động từ khoảng 25-65%, theo Kastle Systems, công ty an ninh chuyên theo dõi số lần quẹt thẻ ra vào văn phòng.

Nhìn chung, dữ liệu của Kastle Systems về tỷ lệ trở lại văn phòng ở 10 thành phố lớn của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 20-19 tương đương 50,4% so với mức năm 2019.

Tỷ lệ trở lại văn phòng đáng thất vọng là một đòn giáng nữa vào các chủ cao ốc đang phải xoay sở ứng phó với tỷ lệ trống văn phòng gần mức cao kỷ lục. Theo dữ liệu sơ bộ của Moody's Analytics, tỷ lệ trống trung bình của các tòa nhà văn phòng trên toàn quốc tăng lên 19,2% trong quí 3, ngay dưới mức đỉnh lịch sử 19,3% vào năm 1991.

Các lãnh đạo doanh nghiệp ở New York, Detroit, Seattle, Atlanta và Houston cho biết, họ chỉ thấy những cải thiện nhỏ về hoạt động trên vỉa hè và lượng người đến các tòa nhà văn phòng kể từ ngày Lễ Lao động của Mỹ (4-9).

“Các tòa nhà chỉ được lấp đầy thêm một chút”, Sandy Baruah, CEO của Detroit Regional Chamber, một tập đoàn kinh doanh, nói.

Việc thực thi lỏng lẻo các quy định bắt buộc trở lại văn phòng là lý do khiến nhân viên cảm thấy họ vẫn có thể làm việc tại nhà. Tại một cuộc thảo luận bàn tròn về kinh doanh ở Houston gần đây, chỉ một trong số 12 công ty tham dự cho biết sẽ xem việc tuân thủ quy định trở lại văn phòng như là một thước đo để đánh giá hiệu suất của nhân viên.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giới quan chức thành phố lo ngại nhiều động lực hiện nay có thể làm chậm quá trình trở lại văn phòng.

Chẳng hạn, số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng và có thể sẽ còn tăng thêm trong những tháng mùa thu và mùa đông.

Nhiều thành phố đang phải đối mặt với tình trạng vô gia cư và tội phạm gia tăng. San Francisco, Philadelphia và Washington, D.C., những nơi đang phải vật lộn với những vấn đề này, nằm trong số những thành phố có tỷ lệ trở lại văn phòng thấp nhất.

Rachel Smith, CEO của Phòng Thương mại thành phố Seattle, cho biết, khoảng 90% thành viên của SMCC được khảo sát nói rằng, thành phố không thể phục hồi cho đến khi tình trạng vô gia cư và các vấn đề an toàn công cộng được giải quyết.

Việc cắt giảm các dịch vụ của chính quyền và giao thông công cộng cũng đang gây thiệt hại. Thời gian chờ xe buýt do hệ thống Park & Ride của thành phố Houston điều hành, đang tăng lên, một phần do thiếu lao động.

Một số chủ cao ốc tin rằng các doanh nghiệp sẽ có nhiều đòn bẩy hơn trong việc thực thi yêu cầu quay trở lại văn phòng nếu nền kinh tế suy yếu. Đã có những dấu hiệu cho thấy điều đó ở các thành phố phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực công nghệ, nơi đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại và tình trạng sa thải nhân viên.

Nhưng một cuộc suy thoái toàn diện có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của cao ốc văn phòng nếu dẫn đến việc giới doanh nghiệp sa thải nhân viên trên diện rộng.

Sốt ruột với tỷ lệ trở lại văn phòng phục hồi chậm chạp, nhiều lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp đã yêu cầu chính phủ liên bang hỗ trợ. Một nhóm từ Liên minh Phòng Thương mại các thành phố vùng Great Lakes gần đây gặp gỡ các nghị sĩ quốc hội Mỹ để vận động họ đề xuất những ưu đãi cho các doanh nghiệp thuê văn phòng ở khu vực trung tâm đô thị ở Mỹ.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới