Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chính thức và phi chính thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính thức và phi chính thức

Do sức ép của công nghiệp hóa, ngày càng nhiều nông dân mất ruộng phải lên thành phố gia nhập khu vực phi chính thức. Ảnh: Thành Trung.

(TBKTSG Online) – Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, “đặc biệt có ấn tượng” với nhận xét của các chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) về khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam, rằng khu vực chưa được thừa nhận này tạo ra 56% việc làm (phi nông nghiệp) cho nền kinh tế, song lại không nhận được các chính sách hỗ trợ thỏa đáng của Nhà nước.

Ông Nguyên cho rằng, khu vực phi chính thức đóng vai trò như một kênh quan trọng để chuyển đổi việc làm từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và góp phần giải quyết số lao động dư thừa trong kinh tế nông thôn khi tốc độ công nghiệp hóa diễn ra ngày càng nhanh và lan tỏa sâu rộng tới các vùng quê.

Khu vực kinh tế phi chính thức gắn liền với hiện tượng đô thị hóa chóng mặt ở Việt Nam. Hiện tượng này cùng với sự phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch các khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị và sân golf tại nhiều địa phương đã lấy đi một diện tích khá lớn đất đai nông nghiệp, cộng hưởng với chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn chưa tốt, đã và đang trực tiếp tác động đến cuộc sống hàng chục triệu nông dân khắp cả nước.

Mất đất canh tác, người dân buộc phải xa rời đồng quê, bỏ con trâu cái cày lên đô thị kiếm sống. Mất nghề cày cấy, người dân không còn nhiều lựa chọn ngoài các công việc giản đơn và tuyệt đại đa số, là “phi chính thức” như cách xã hội thường gọi.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia IRD – gồm các ông bà Jean Pierre Cling, Mireille Razafindrakoto và François Roubaud – trong một dự án phối hợp với Tổng cục Thống kê hơn hai năm qua về khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam, cho biết không tính ngành nông nghiệp thì khu vực phi chính thức có vai trò vô cùng lớn cả ở thành thị lẫn nông thôn. Họ dẫn chứng: tại nông thôn, trong ba việc làm thì có hai việc làm thuộc khu vực kinh tế phi chính thức. Tại thành thị, nơi các hoạt động kinh tế chính thức tập trung đông đảo, tỷ lệ này cũng chiếm tới 41%.

Nhóm chuyên gia cho biết, năm 2004 khu vực phi chính thức của Việt Nam mang lại hơn 10 triệu việc làm, chiếm khoảng 27,7% lực lượng lao động cả nước và chiếm 55,7% số lao động phi nông nghiệp. Khu vực “phi chính thức” này chính thức đóng góp 20% cho GDP năm 2004. Hiện nay, tại Hà Nội khu vực phi chính thức sử dụng tới 30% lực lượng lao động, tại TPHCM là 32,9% và một phần ba số hộ gia đình tại hai thành phố lớn nhất nước có nguồn thu nhập từ khu vực trên.

Nếu không có “phi chính thức”, chắc chắn rất nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, phân phối trong nền kinh tế sẽ bị tê liệt. Các bà nội trợ và hầu hết các hộ gia đình ở thành phố sẽ mất đi một nguồn cung ứng rau quả, thực phẩm, hàng hóa nhanh – rẻ – tiện lợi từ các gánh hàng rong, trong các chợ cóc và trên các vỉa hè.

Mặc dù đóng góp rất “chính thức” cho đời sống xã hội và là một tế bào không thể thiếu của cơ thể kinh tế Việt Nam từ hàng trăm năm nay, khu vực này vẫn bị nhìn nhận là “phi chính thức”, vì lẽ đó nằm ngoài lề nền kinh tế thời hội nhập. Các chính sách để khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ khu vực này phát triển dường như vẫn nằm ngoài vùng phủ sóng của hệ thống chính sách công.

Định lại vai trò của khu vực kinh tế phi chính thức cần được thực hiện nhanh chóng nhằm trả lại cho nó vị trí vốn có, nhất là trong bối cảnh đầy sóng gió của nền kinh tế hiện nay. Nhìn nhận lại khu vực phi chính thức còn có ý nghĩa rất lớn trong giải quyết công ăn việc làm cho những người lao động bị mất việc do tác động hất ra từ khu vực kinh tế chính thức, kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp giảm bớt gánh nặng cho an sinh xã hội khi số lao động buộc phải thôi việc được dự báo sẽ lên tới cả triệu người trong năm nay.

Muốn vậy có lẽ phải bắt đầu từ việc thay đổi tên gọi. Các hoạt động kinh tế phi chính thức, thực ra, chỉ là do không đăng ký do nhiều nguyên nhân chứ không hàm ý “phi pháp” (trừ hoạt động buôn lậu hay buôn ma túy). Từ năm 1993, khái niệm khu vực phi chính thức (informal sector) đã được đồng nhất trên thế giới, là “một đơn vị bao gồm các đơn vị sản xuất không có tư cách pháp nhân, không chịu điều chỉnh của luật doanh nghiệp và không có giấy phép kinh doanh”, như hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa không đăng ký, các cá nhân buôn bán nhỏ lẻ…

Vì thế, “khu vực phi tập trung”, hoặc “phi hình thức” sẽ diễn giải chính xác hơn khái niệm trên.

Báo cáo của IRD có một phát hiện đáng chú ý, là những doanh nghiệp trong khu vực phi chính thức sẵn sàng đăng ký kinh doanh để chuyển sang khu vực chính thức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bởi mang danh “phi chính thức” thì cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng và các định chế tài chính vi mô là rất nhỏ, chỉ 4% doanh nghiệp khu vực này ở TPHCM và 6% ở Hà Nội được vay vốn. Họ cũng không có đất để sản xuất kinh doanh khi giá đất tại hai thành phố này quá cao trong khi sức ép cạnh tranh là cực lớn.

Tuy nhiên, chính thủ tục hành chính phiền hà và nạn tham nhũng trong khu vực chính thức là rào cản khiến các doanh nghiệp “phi chính thức” ngần ngại đăng ký.

Chính thức, hay phi chính thức thực ra chỉ là một tên gọi, mà nhiều khi không thể nói đúng bản chất vấn đề. Nhưng, cũng từ tên gọi đã dẫn đến cả một thành kiến kéo dài khiến cho một bộ phận quan trọng và hoàn toàn “chính thức” cấu thành nền kinh tế phải chịu đựng quá nhiều, phân biệt đối xử và cả sự ghẻ lạnh không đáng có. Đây là điều cần phải sửa, khi chúng ta khuyến khích nhiều thành phần kinh tế phát triển.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới