(KTSG Online) - Trong vụ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh từ bữa trước ăn thừa dùng cho bữa sau, ngoài ra trong cơm còn có ruồi, gián, phân chuột vừa bị phát hiện, sai phạm của nhà ăn được lý giải chỉ là “sơ sót”. Điều này chưa thỏa đáng vì vụ việc vi phạm đến hàng chục khoản thuộc ba điều 28, 29 và 30 của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).
- Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước hoạt động từ đầu 2024
- Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại các trường học
Chiều tối 7-10-2024, chương trình Chuyển động 24h - VTV24 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV 24) phát bản tin Bất thường bữa ăn của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong hai tuần học giáo dục quốc phòng, nhiều sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh từ bữa trước ăn thừa dùng cho bữa sau, ngoài ra trong cơm còn có ruồi, gián, phân chuột. Vụ việc xảy ra tại nhà ăn A15 của Đại học Bách khoa Hà Nội(1).
Trong đêm 7-10, Đại học Bách khoa Hà Nội phát đi thông tin cho biết, chiều cùng ngày, ban lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận thông tin báo chí đưa là đúng sự thật.
Trong bản tin phát sáng 8-10 trên VTV 24, khi trả lời phóng viên tại buổi kiểm tra nhà ăn A15, ông Dương Văn Thế, người quản lý nhà ăn cho rằng đây chỉ là do sơ sót của nhân viên.
Có mặt trong buổi kiểm tra này, PGS.TS Đinh Văn Hải đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là “việc rất là nhỏ” so với những nỗ lực của nhà trường làm cho sinh viên, và “mình có thể làm tốt 100 ngày đấy, chỉ cần nửa ngày không chú ý thì nó rất dở”(2).
Cách nhìn nhận vấn đề của hai vị đại diện nhà trường cho thấy, bản chất của việc vi phạm này đang được giảm nhẹ. Để xác định đúng bản chất sự việc, cần trả lời ba câu hỏi sau đây:
1. Sơ sót hay vi phạm nghiêm trọng Luật An toàn thực phẩm?
Nhà ăn A15 cung cấp bữa ăn có thu tiền của sinh viên, đây là mô hình tổ chức dịch vụ ăn uống theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Vì vậy, đối chiếu theo quy định tại các điều 28, 29 và 30 của Luật ATTP thì nhà ăn A15 đã vi phạm nhiều điểm liên quan đến vệ sinh nơi chế biến thức ăn như:
- có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại;
- người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm;
- tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- thực phẩm phải chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại.
Đối chiếu với các quy định trên, người quản lý nhà ăn A15 không thể đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới không biết nên làm sai. Luật An toàn thực phẩm quy định rất rõ, người phụ trách bếp ăn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có việc phải hướng dẫn nhân viên nắm được quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm.
Như vậy, việc người quản lý nhà ăn cho rằng nhân viên không nắm rõ nên làm sai là không thoả đáng, né tránh trách nhiệm.
2. Có phải chỉ là “chuyện nhỏ”?
Cũng theo Luật An toàn thực phẩm, Ban lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội phải chịu trách nhiệm liên đới vì nhà ăn A15 và người phụ trách nhà ăn này nằm dưới sự quản lý của nhà trường.
Theo quy định “người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm”, vụ vi phạm tại nhà ăn A15 không thể là việc nhỏ khi vi phạm hàng loạt điều khoản của Luật An toàn thực phẩm. Cũng vì vậy, không thể cho rằng trách nhiệm chỉ giới hạn trong phạm vi nhà ăn và chủ yếu do sơ sót của nhân viên mà thôi.
Một chi tiết rất đáng chú ý về trách nhiệm của người quản lý nhà ăn do chính ông này nói ra trong bản tin của VTV24 là, nhân viên nhà ăn mới vào làm nên không biết quy trình là thức ăn thừa phải đổ đi nên đã dồn lại cho sinh viên ăn tiếp.
Giải thích như vậy hoàn toàn bất hợp lý vì bất cứ một người bình thường nào cũng biết rõ, không thể dồn thức ăn thừa của người đã ăn trước lại để đem cho người đến sau ăn tiếp trong bếp tập thể. Trước cách làm này của nhân viên phục vụ, câu hỏi cần đặt ra là liệu họ có được hướng dẫn, yêu cầu để làm như vậy không và lệnh do ai đưa ra?
Với câu hỏi này thì vụ bắt sinh viên ăn thức ăn thừa và nhiều vụ thức ăn có lẫn gián, ruồi, phân chuột không thể là “chuyện nhỏ” được.
3. Ai được hưởng lợi khi dồn thức ăn thừa cho sinh viên ăn?
Sau khi sự việc xảy ra, Đại học Bách khoa Hà Nội đã dừng đặt cơm từ đơn vị cung cấp dịch vụ suất ăn cho sinh viên học quốc phòng an ninh. Điều này là tất nhiên nhưng cần làm rõ thêm một số vấn đề đi vào bản chất để những vụ bê bối tương tự không lặp lại trong tương lai.
Đầu tiên, cần xác định chất lượng thức ăn khi cung cấp cho nhà ăn A15 có đạt chuẩn vệ sinh không? Thức ăn sau khi cung cấp có được đơn vị cung cấp và nhà ăn lưu mẫu theo quy định không? Nếu có lưu mẫu, trách nhiệm của bên cung cấp suất ăn sẽ được làm rõ và nếu mẫu lưu đạt chuẩn, trách nhiệm về việc thức ăn nhiễm côn trùng, phân chuột hoàn toàn thuộc về nhà ăn A15. Nếu cả hai bên đều không lưu mẫu thì lại thêm một vi phạm Luật An toàn thực phẩm nữa tại nhà ăn này.
Nhà ăn A15 cung cấp khoảng 2.000 suất ăn mỗi ngày bao gồm ba bữa ăn với giá thu của sinh viên là 85.000 đồng/ngày, theo thông tin trên bản tin VTV24. Như vậy, khi dồn thức ăn thừa để “quay vòng” ra cho sinh viên ăn tiếp, số lượng suất ăn cần mua sẽ giảm xuống, có nghĩa là họ mua sẽ ít hơn 2.000 suất/ngày.
Vậy thử làm một bài toán, nếu mỗi ngày giảm được 200 suất (tương đương 10%) nhờ dồn thức ăn thừa quay vòng chẳng hạn, thì mỗi tháng con số này là 6.000 suất. Nhân với giá 85.000 đồng/suất (gồm ba bữa ăn) thì giá trị phần “tiết kiệm” này là 510 triệu đồng/tháng.
Như vậy, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là số tiền không nhỏ này ai được hưởng? Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ Đại học Bách khoa Hà Nội cần mời đơn vị kiểm toán độc lập vào kiểm tra lại toàn bộ sổ sách chứng từ liên quan đến các hợp đồng mua suất ăn của tất cả nhà ăn. Từ kết quả kiểm toán này thì nhà trường không khó để trả lời câu hỏi “ai được hưởng lợi khi bắt sinh viên ăn thức ăn thừa”!
-----------------------------
(1) https://vtv.vn/video/bat-thuong-bua-an-cua-sinh-vien-dh-bach-khoa-ha-noi-699544.htm
(2) https://www.facebook.com/watch/?mibextid=UalRPS&v=552496450480500&rdid=pSm1qmrD0iiMs68P
Trích Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 do Quốc hội Ban hành ngày 17- 6-2010
Chương IV: ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM
Mục 4: Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
Điều 28. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống
1. Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
2. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
3. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
4. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
5. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.
6. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.
7. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điều 29. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống
1. Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.
2. Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
3. Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.
4. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều 30. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm
1. Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn.
2. Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.
3. Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
Thức ăn lẫn ruồi là cái gì. Giờ ra chợ cái gì cũng thực phẩm độc hại, rau phun thuôc trừ sâu, thịt tăng trong, rau chuối cung ngâm chất tấy trắng, chuối thi cho qua hoá chất cho chín nhanh, đẹp… nhưng thực phẩm này rất độc, ăn vào có hại cho sức khoẻ hơn ca thực phẩm để sau hoăc lẫn ruồi này. Đó là lý do tỷ lệ ung thư ở VN nhiều nhất thế giới. Chả thấy ai nói mấy, các quan chức cũng chả thấy làm mấy, chỉ hình thức, đối phó, không có thành tiêu chuẩn hoặc thường xuyên như ở Mỹ
Không thể chấp nhận được kiểu làm ăn này. Thế mà vẫn tồn tại ? Lỗi tại ai đây ? Chính bản thân ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đang tự làm hỏng trầm trọng uy tín của mình.
Mỗi khi người quen tôi đi Singapore để học tập và làm việc đều gặp bạn bè sống và làm việc ở Singapore để hỏi thật kỹ lưỡng về qui định luật pháp bên Singapore, vì bên Singapore áp dụng luật pháp rất nghiêm, sơ suất một chút là bị phạt nặng thậm chí đi tù. Tôi đi các cơ quan đơn vị luôn luôn thấy dán khẩu hiệu ” Sống và làm việc theo Pháp luật “. Nhưng khi xảy ra vi phạm Pháp luật, có nơi thì áp dụng luật pháp, có những nơi thì chỉ xử lý nội bộ, kiểm điểm rồi xong.
Tôi từng bỏ dở bữa ăn sáng là dĩa bún chả chỉ vì thấy trong đó có cây tăm xỉa răng bẻ gập đôi! Ai đó đã ăn trước, chủ quán không biết vô tình hay cố ý dã gom lại bán tiếp cho người sau.
Hơn 10 năm qua, ngày nào tôi cũng đi ngang qua quán đó nhưng không bao giờ bước vào dù có đói đến đâu đi nữa.