(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận tuần giao dịch cuối tháng 8 chủ yếu trong trạng thái đi ngang tích lũy. Chỉ số VN-Index dao động trong biên độ hẹp khi nhóm blue-chips khởi sắc song đà tăng không quá mạnh. Đóng cửa tuần, VN-Index giảm nhẹ 1,45 điểm (-0,11%) so với tuần trước đó, xuống 1.283 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình do tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài.
- Tuần rung lắc mạnh của VN-Index!
- Lại rơi vào cảnh bán tháo, cơ hội nào để VN-Index tìm về mốc 1.200 điểm?
Về giao dịch khối ngoại, dòng vốn này tiếp đà bán ròng trên toàn thị trường. Lũy kế sau năm phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 824 tỉ đồng trên toàn thị trường. Thống kê theo các mã, khối ngoại bán ròng mạnh nhất tại cổ phiếu HPG với giá trị 755 tỉ đồng (tuần trước đó, cổ phiếu ngành thép này cũng bị bán ròng hơn 640 tỉ đồng), theo sau là VPB và VRE lần lượt bị bán ròng 299 tỉ đồng và 168 tỉ đồng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FPT tiếp tục thu hút dòng vốn khối ngoại chảy vào khi được mua ròng mạnh nhất với 616 tỉ đồng, kế đến là MWG và VNM khi được mua ròng lần lượt 175 tỉ đồng và 106 tỉ đồng.
Một tin tức đáng chú ý trong tuần qua là Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell cho biết, kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán thường niên 2024 sẽ được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên ngày 8-10 tới đây. Tại báo cáo xếp hạng thị trường hồi tháng 3-2024, FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi để nâng hạng (được thêm vào từ hồi tháng 9-2018). Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market). Hiện TTCK Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường của FTSE. Còn lại hai vấn đề cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Việt Nam đang rất nỗ lực để khắc phục vấn đề “pre-funding”. Cụ thể, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền trước (Non Pre-funding Solution - NPS). Chính sách này được đánh giá sẽ giúp giải quyết những vướng mắc theo tiêu chí nâng hạng của FTSE.
Theo Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), Thông tư mới dự kiến sẽ được triển khai trong quí 4 tới, và là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9-2024 và quyết định nâng hạng TTCK Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9-2025. Theo ước tính, việc được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi có thể giúp TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn từ các quỹ ETF lên đến 1,6 tỉ đô la Mỹ (chưa tính dòng vốn từ các quỹ chủ động).
Trên thế giới, TTCK Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30-8) sau khi đón nhận dữ liệu lạm phát quan trọng. Kết thúc tháng 8, chỉ số S&P 500 tiến thêm 2,3%, còn Dow Jones tăng gần 1,8% và Nasdaq Composite cộng thêm 0,7%. Đáng chú ý, vào đầu tháng 8, chứng khoán Mỹ đã bị bán tháo mạnh khi S&P 500 ở thời điểm chạm đáy của tháng đã giảm tới 7,3%; còn Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 5,4% và 10,7% do mối lo kinh tế suy thoái. Sau đó, thị trường đã nhanh chóng hồi phục khi nỗi lo suy thoái lắng xuống. Cổ phiếu công nghệ là nhóm đã trải qua những phiên lao dốc mạnh nhất, trong khi cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và y tế là những nhóm được mua nhiều, giữ vai trò trụ cột đưa thị trường đi lên.
Trong tuần qua, có một dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố là chỉ số giá tiêu dùng PCE. Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số này trong tháng 7 đã tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mức tăng này đều phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Sau khi báo cáo được công bố, kỳ vọng của nhà đầu tư về cuộc họp ngày 18-9 tới đây của Fed về cơ bản không thay đổi. Thị trường vẫn đặt cược 100% Fed sẽ hạ lãi suất trong lần họp này, nhưng đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm đã tăng nhẹ lên mức 67% và đặt cược vào mức giảm 0,5 điểm phần trăm giảm nhẹ còn 33%.
Với TTCK Việt Nam, cơ hội bứt phá ra khỏi vùng đỉnh 1.280-1.300 điểm vẫn hiện hữu đối với VN-Index sau khi chỉ số này đã duy trì được đà đi ngang tích lũy trong các phiên trước kỳ nghỉ lễ. Tuy vậy, đà bứt phá cần được sự ủng hộ của dòng tiền “chất lượng” hơn thì mới bền vững và đáng tin cậy! Với bối cảnh hiện tại, việc duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cân bằng và kiên nhẫn chờ đợi xu hướng rõ ràng của thị trường vẫn đang là chiến lược được nhiều nhà đầu tư ngắn hạn ưu tiên.