Thứ bảy, 22/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chờ đòn thuế tháng 4

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Thế giới kinh doanh đang nín thở chờ đến đầu tháng Tư, lúc đội ngũ kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm xong kế hoạch đánh thuế lên hàng nhập khẩu của nhiều nước theo nguyên tắc “có đi có lại”.

Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được kéo dài đến hết năm 2027. Ảnh: Bộ Công Thương

Ông Trump muốn áp một mức thuế lên hàng một nước nhập vào Mỹ bằng với mức thuế nước này đang áp lên hàng nhập từ Mỹ, bởi ông cho rằng các nước đang đối xử không công bằng với Mỹ trong thương mại. Chưa hết, trong khi tính toán mức thuế đối ứng, kế hoạch này sẽ không chỉ dựa vào mức thuế nhập khẩu các nước đánh lên hàng của Mỹ, mà còn dựa vào các hàng rào phi thuế quan như trợ cấp của chính phủ, tỷ giá hối đoái, rào cản kỹ thuật và kể cả thuế giá trị gia tăng (VAT) nội địa.

Thời gian 180 ngày làm kế hoạch là không nhiều nên khả năng cao nhất là Mỹ sẽ dựa vào mức thuế bình quân để “đáp trả” - hiện nay mức thuế nhập khẩu bình quân của Mỹ là 2,2%, thấp hơn so với các nước. Mức thuế nhập khẩu bình quân của Anh là 3,8%; của châu Âu là 5%; của Trung Quốc là 7,5%; Hàn Quốc là 13,4% và của Ấn Độ là 12%. Tuy nhiên, do Mỹ có ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước nên mức thuế bình quân chưa nói lên điều gì cả. Chẳng hạn, mức thuế bình quân của Mỹ thấp hơn của Mexico (6,8%) và của Canada (3,8%) nhưng giữa ba nước này có hiệp định thương mại tự do nên hàng xuất khẩu của Mỹ vào Mexico và Canada hầu như không chịu thuế.

Sự chênh lệch mức thuế nhập khẩu bình quân của các nước là do áp dụng các nguyên tắc thương mại toàn cầu trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nước đang phát triển được duy trì thuế nhập khẩu cao theo một lộ trình để hỗ trợ họ xây dựng nền sản xuất trong nước; các nước phát triển thường giảm thuế mạnh cho hàng hóa của các nước đang phát triển để đổi lại quyền được đầu tư vào các nước này. Nguyên tắc “tối huệ quốc” cũng buộc các nước phải áp dụng một mức thuế đồng nhất giữa các nước cho cùng một mặt hàng trừ khi giữa các nước này có thỏa thuận thương mại riêng.

Rất có thể vào đầu tháng Tư, Mỹ sẽ nâng thuế nhập khẩu của các nước sao cho mức thuế bình quân ngang bằng với mức thuế các nước này áp dụng cho hàng của Mỹ. Ông Trump từng giải thích quan điểm của ông: “Nếu họ (đánh thuế) ở mức 25, chúng ta cũng sẽ áp mức 25. Nếu họ 10, chúng ta cũng 10”. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế khác nhau cho cùng một mặt hàng; ví dụ, nhập xe gắn máy từ Ấn Độ đánh thuế 100% nhưng nhập từ Nhật chỉ đánh thuế 10%. Cách đánh thuế như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc “tối huệ quốc” của WTO nên chưa biết Mỹ sẽ lý giải như thế nào.

Một khả năng khác là Mỹ sẽ đánh thuế từng món hàng dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”. Chẳng hạn, hiện nay Liên minh châu Âu (EU) đang đánh thuế nhập khẩu xe hơi từ ngoài châu Âu, kể cả từ Mỹ, với thuế suất 10% trong khi Mỹ chỉ áp thuế 2,5% lên xe hơi nhập từ các nước, kể cả từ châu Âu. Theo cách tính toán của ông Trump, rất có thể xe hơi từ châu Âu nhập vào Mỹ sẽ chịu thuế 10% từ ngày 2-4-2025 sắp tới. Ở đây Nhà Trắng dẫn mức thuế Ấn Độ đánh trên xe máy nhập từ Mỹ làm ví dụ vì mức thuế này có thể lên đến 100% so với mức thuế Mỹ đang áp lên xe máy nhập vào Mỹ là 2,4%. Tuy nhiên tính thuế theo từng món hàng là một quá trình phức tạp bởi liên quan đến cả ngàn mặt hàng với hàng trăm nước. Hơn nữa chỉ một ít mặt hàng Mỹ vừa xuất vừa nhập còn đa số chỉ là giao thương một chiều.

Tính thuế theo từng mặt hàng cũng buộc Mỹ phải giảm thuế nhập khẩu trong nhiều trường hợp. Ví dụ hiện nay Mỹ đang áp dụng mức thuế nhập khẩu trên 10% đối với nhiều sản phẩm sữa nhằm bảo vệ nông dân Mỹ nhưng New Zealand, nơi xuất khẩu nhiều sữa lại đang áp dụng thuế suất 0% đối với sữa nhập khẩu, kể cả từ Mỹ. Một dẫn chứng khác, nếu áp dụng sòng phẳng nguyên tắc “có đi có lại”, Mỹ sẽ phải giảm thuế nhập khẩu cho xe tải nhập từ châu Âu bởi hiện nay Mỹ đang áp dụng thuế suất 25% cho xe tải nhập khẩu, trong khi thuế suất của EU với mặt hàng này chỉ là 10%.

Điều nhiều nước lo ngại hơn cả là cách tính gom các yếu tố phi thuế quan như chính sách tỷ giá, nhất là thuế VAT. Trước nay nhiều nhà kinh tế cho rằng VAT là loại thuế nội địa, không ảnh hưởng gì đến giao thương quốc tế. Tuy nhiên do hàng xuất khẩu thường được hoàn thuế VAT nên sắc thuế này có tác dụng khuyến khích xuất khẩu. Mỹ hiện không đánh thuế VAT mà chỉ có thuế bán hàng do từng tiểu bang áp dụng, mức thuế bình quân chừng 6,6%. Trong khi đó rất nhiều nước đang áp dụng thuế VAT với nhiều mức thuế khác nhau, ở châu Âu bình quân chừng 20%. Nếu dựa trên VAT, mức thuế nhập khẩu nước Mỹ sẽ áp dụng vào đầu tháng Tư sẽ rất cao và liên quan đến rất nhiều nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới