Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chờ ‘sóng’ cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường chứng khoán cuối năm

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ tích cực cho xu hướng tăng trưởng thị trường những tháng cuối năm 2024 nhờ triển vọng tín dụng hồi phục, đà tăng nợ xấu chậm lại, biên lãi ròng (NIM) được cải thiện.

Điểm tựa lịch sử và kỳ vọng từ bối cảnh vĩ mô

Hơn một tháng qua, VnIndex và nhiều chỉ số trên thị trường liên tục tăng trưởng, nhờ sự gia tăng về thị giá của các cổ phiếu ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vố hoá toàn thị trường. Chẳng hạn, EIB tăng 13%, STB tăng 10%, OCB tăng 7%, VPB tăng 6%.

Tương tự đợt tăng đầu năm 2024 - là động lực đưa chỉ số VnIndex từ vùng 1.100 lên vùng 1.200 điểm, đợt tăng giá lần này của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng dẫn dắt chỉ số VnIndex tiến gần tới mốc 1.300 điểm. Đây là mốc quan trọng với toàn thị trường, vì VnIndex từng năm lần vượt qua trong năm 2024, nhưng chưa thể trụ lại.

Cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm được xem là động lực chính dẫn dắt trên thị trường. Ảnh: LÊ VŨ

Nhưng khác với các lần trước, việc nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến các chuyên gia và quỹ đầu tư kỳ vọng đà tăng của chỉ số trên TTCK Việt nam sẽ bền vững hơn. Chẳng hạn, quỹ PYN Elite Fund phân bổ 50% danh mục đầu tư vào các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng và vẫn giữ quan điểm vững chắc về tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ từ nhóm này.

Điều này, theo ông Petri Deryng - người đứng đầu quỹ, tới từ việc các ngân hàng Việt Nam có xu hướng đạt được mức tăng trưởng theo ngành đáng kể trong chu kỳ vài năm. Cụ thể, thu nhập của các ngân hàng tiếp tục tăng, ngay cả trong những năm thị trường chứng khoán ảm đạm và một vài ngành kinh doanh có tính chất chu kỳ công bố lợi nhuận gây bất ngờ.

Cũng theo người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund, kết quả  "đáng kinh ngạc" này cũng được thể hiện khi so sánh 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với 10 công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ.

“Trong giai đoạn 2019–2025, mức tăng trưởng thu nhập của các ngân hàng Việt Nam thực sự tốt hơn một chút so với các công ty công nghệ Mỹ”, ông Petri Deryng cho biết.

Với việc nhiều ngân hàng phải gia tăng giá trị các khoản dự phòng trong những năm gần đây, vị này đánh giá là có “làm chậm lại tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của họ”. Nhưng nhờ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tiếp tục gia tăng.

“Các ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư PYN Elite. Quan điểm của chúng tôi về tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ từ các cổ phiếu ngân hàng vẫn vững chắc. Chúng tôi đang trong quá trình phân bổ lại tỷ trọng giữa các cổ phiếu ngân hàng riêng lẻ tùy thuộc vào hiệu suất thực tế của từng cổ phiếu so với kỳ vọng về kết quả kinh doanh”, ông Petri Deryng cho hay.

Trong khi đó, ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phòng Phân tích nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo trong môi trường lãi suất huy động nhích lên và lãi suất cho vay cần duy trì thấp để kích cầu tín dụng, sẽ khiến NIM của ngành ngân hàng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2024 khó duy trì được ở mức khả quan như nửa đầu năm.

Dù vậy, vị này vẫn đánh giá rằng NIM toàn ngành  sẽ chưa chịu ảnh hưởng quá lớn thời gian tới, do mức tăng của lãi suất dự kiến chưa quá lớn. “Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi dự báo rằng thu nhập lãi thuần cả năm 2024 của các ngân hàng theo dõi sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 16%, với giả định tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14%. Mức nền thấp của quí 3-2023 có thể là điểm tựa cho tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành trong quý 4-2024, từ đó kỳ vọng cải thiện tâm lý thị trường”, ông Khoa cho biết.

Bên cạnh vai trò dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia của BSC cũng đánh giá TTCK Việt Nam đã có những thuận lợi nhất định, để tạo tiền đề cho chuyển biến sau này.

Chẳng hạn, Fed giảm lãi suất giúp tỷ giá đảo chiều nhanh chóng, qua đó tạo điều kiện NHNN có thêm dư địa thực thi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, góp phần đảo chiều dòng tiền ngoại từ bán ròng sang mua ròng, giúp TTCK hưởng lợi.

Tới câu chuyện của từng ngân hàng

Xác định ngành ngân hàng luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư khi thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng, nhưng các chuyên gia khuyến nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có câu chuyện riêng.

Một trong những tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu, theo các chuyên gia của FiinGroup là lĩnh vực cho vay của ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn - đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, sản xuất, bất động sản, xây dựng, và cơ sở khách hàng bán lẻ bền vững, sẽ hưởng lợi nhờ tăng trưởng tín dụng trong phần còn lại của năm.

Còn cho vay bán lẻ sẽ chỉ phục hồi phần nào nếu lạm phát giữ dưới 4,9%. Trước đó, hầu hết các chính sách được thực hiện từ nửa cuối năm 2023 đến nay, như giảm lãi suất và can thiệp bằng đô la đều chậm lan tỏa.

Trong khi đó, việc giảm mức chịu thuế GTGT từ 10% xuống 8% không có nhiều tác động để kích thích chi tiêu và nhu cầu tiêu dùng, vốn nhạy cảm hơn với sự biến động giá cả và suy thoái kinh tế.

Cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm cổ phiếu ngành có mức sinh lời cao từ đầu năm tới nay. Ảnh: LÊ VŨ

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, động lực chính tạo ra mức trưởng tín dụng 7,15% tính đến tháng 9-2024 đến từ các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và bất động sản. Bởi nhu cầu vốn từ doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại. Theo đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao như Techcombank, VPBank và HDBank đã ghi nhận sự tăng trưởng khả quan nhờ thị trường bất động sản dần hồi phục.

Với HDBank, các chuyên gia của VCBS kỳ vọng kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt nhờ sở tập trung cho vay với khách hàng doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản, là hai lĩnh vực có sự hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Ngân hàng này cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng nợ xấu từ các khoản vay doanh nghiệp vẫn là một rủi ro lớn với ngân hàng, đặc biệt khi thị trường chưa ổn định hoàn toàn.

Bên cạnh những phân tích tài chính, câu chuyện chuyển giao bắt buộc đối với OceanBank và CBBank cũng là yếu tố cần lưu tâm.

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cho biết Chính phủ đã hoàn thiện phương án chuyển giao với hai ngân hàng này. Đồng thời, đang tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển giao với GPBank và DongA Bank.

CBBank và Oceanbank đang nhận sự hỗ trợ từ Vietcombank và MB. Theo lãnh đạo Vietcombank, việc tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho ngân hàng mở rộng mang lưới, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hoặc bán cổ phần, sáp nhập…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới