(KTSG) - “Con đi chợ sắm Tết chưa?”.
Câu nói của mẹ như kéo tôi về những kỷ niệm của những phiên chợ ngày Tết ở Huế.
Giống như những đứa trẻ trong xóm, tôi thường háo hức được mẹ cho đi chợ Tết, khi cành mai đầy những nụ xanh trước sân nhà đã được ba kỹ càng tước lá trước vài tháng đang chờ ngày khoe sắc. Bởi chợ Tết luôn làm tôi thích thú với bộ cánh mới của nó, là chút mưa xuân như cánh én báo hiệu năm mới sắp đến, chút gió lạnh phả hơi thở của mình để kéo những người con xa xứ về với mẹ cha ngóng trông.
Hai bên đường dẫn vào chợ là những bông hoa chúm chím đủ màu sắc đang chờ được các mẹ các bà mua về bày biện trên bàn thờ ông bà tổ tiên hay chưng Tết. Những cánh hoa lay ơn mỏng manh như vành khuyên với đủ màu sắc đang mời gọi. Hoa vạn thọ rực rỡ cam vàng như báo hiệu một năm mới đầy sung túc. Tất nhiên không thể thiếu những cành đào hồng phớt nhẹ, hoa mai vàng tươi với những lộc xanh còn vương vấn những giọt sương mai, và cả những nụ tầm xuân e ấp, bẽn lẽn giữa chợ Tết tấp nập.
Không chỉ hoa, chợ Tết có đầy đủ các món hàng từ lá chuối, lá dong để gói bánh, trái cây tươi ngon, các loại rau xanh rau mùi được trồng tại vườn đến những gian hàng thực phẩm đủ loại phục vụ ngày Tết như thịt, cá, các loại bánh mứt, hạt dưa... Các cô các mẹ rôm rả mua bán, trao đổi về những món ăn đón xuân, ai cũng đã mua đầy xách, nặng trĩu mà lòng vẫn sợ thiếu.
Con người cũng khác hơn khi Tết đến, dù tất bật, vội vàng bởi còn nhiều việc cần làm, nhưng dường như lòng người chậm lại bởi khoảnh khắc giao mùa thiêng liêng của một năm mới đang rất gần. Bởi vậy gặp nhau ai cũng xởi lởi hỏi thăm ít câu cùng nụ cười trên môi trước khi rời đi. Ngay cả người mua kẻ bán cũng dễ tính hơn thường ngày, bởi “sắp Tết mà”. Tất cả vẽ nên một bức tranh xuân tuyệt đẹp hiện lên giữa một miền quê nơi chỉ trông mong vào vụ mùa là chính. Dù xa quê đã lâu, cứ về nhà vào dịp Tết, tôi luôn là người xung phong chở mẹ đi chợ để có thể hít thở bầu không khí xuân căng tràn của chợ quê.
Chợ quê... xứ người
Năm nay với tôi thật khác, lần đầu tiên đặt chân đến xứ cờ hoa - tên gọi dân dã của nước Mỹ. Dù xa quê, nhưng gia đình tôi cũng như đa số các gia đình gốc Việt mà tôi biết vẫn giữ thói quen đi chợ Việt vào mỗi cuối tuần hay cuối tháng, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền.
Nói chợ do quen miệng, thực ra là chúng tôi đi siêu thị bán thực phẩm Việt Nam. Ngay tên các siêu thị đã phảng phất hình ảnh quê hương là Sài Gòn, Việt Hòa, Sông Hương… Mỗi cửa tiệm mỗi vẻ nhưng điểm chung là có bán đầy đủ các thoại thực phẩm của quê nhà từ những gia vị quen thuộc như tiêu, ớt, hạt điều… đến thực phẩm khô như bún, miến, phở, cà phê hay các loại tôm, cá, măng tươi cũng được cấp đông, thậm chí lá dong, lá chuối và các loại bánh mứt cũng được bày bán.
Siêu thị Việt ở đây không giống chợ ở quê nhà nhưng là nơi tôi tìm ngay khi đặt chân tới nước này. Bởi đến đây, tôi không chỉ mua thực phẩm, mà còn như trở về một chốn thân quen, nghẹn ngào nhận biết “mùi chợ” đặc trưng đã in sâu vào ký ức để rồi đi đâu cũng nhớ về. Đi trong chợ tai nghe các bà các cô tám với nhau bằng tiếng Việt, mắt nhìn thực phẩm trên quầy, trong đầu xuất hiện những cá bống, cá nục kho khô, những canh rau, khoai nấu tôm thêm tí mắm ruốc, cảm giác như được cắn ngập răng trái chôm chôm và nhãn ngọt lịm nơi đầu lưỡi… phút chốc thấy như đang đứng ở quê nhà ngày sắp Tết.
Thách thức hàng Việt tại Mỹ
Nhiều lắm những thương hiệu quen thuộc của Việt Nam ngay ở đây, như cà phê Phố, bánh pía Thăng Long, kẹo dừa Thanh Bình, mì Hảo Hảo, bún khô Safoco… Nhưng điều tôi hơi bất ngờ khi lần đầu thấy các mặt hàng tiêu dùng quen thuộc của người Việt, như chổi quét nhà, tăm bông, mì tôm ăn liền vị Hàn Quốc và nhiều mặt hàng gia dụng khác... được sản xuất tại Mỹ (Made in USA). Chúng hiện diện ở đó bên cạnh những mặt hàng cùng loại được nhập khẩu từ Việt Nam. Bởi tôi không nghĩ Mỹ cũng tự sản xuất những sản phẩm ít nhiều là thế mạnh của nước khác. Chưa hết, còn có những loại trái cây miền nhiệt đới, như chôm chôm, xoài, mít... được nhập khẩu từ Mexico hay các nước Nam Mỹ - nơi có khí hậu nhiệt đới tương tự Việt Nam.
Có lẽ hơn sáu năm sống tại Úc - một đất nước không phát triển nhiều về công nghiệp, tôi đã quen với việc đa số các mặt hàng gia dụng và thực phẩm đặc trưng của nước khác thường được Úc nhập khẩu nhưng tôi không khỏi băn khoăn về những dòng chữ Made in USA nói trên bởi đây sẽ là một sự cạnh tranh trực tiếp không dễ chịu gì cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Liệu hàng Việt đem vào Mỹ có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên sân khách không khi mà chúng ta phải đối mặt với rất nhiều rào cản từ khoảng cách địa lý, chất lượng, giá cả, văn hóa và các quy định nhập khẩu khắt khe của nước này.
Nắm bắt cơ hội
Sự băn khoăn của tôi ít nhiều được gợi mở khi thấy dòng chữ “Made in Vietnam” trên chiếc ghế văn phòng hay kệ sách mà tôi mua ở Amazon, trên chai sữa dừa tại chuỗi siêu thị bán lẻ lớn thứ ba trên thế giới Cosco hay sự tấp nập tại các siêu thị của người Việt, Á châu.
Thị trường ngách với những thế mạnh không thể thay thế như nhân công có tay nghề với giá cả cạnh tranh (các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ…), sản phẩm với nguồn nguyên liệu đặc trưng (hạt tiêu, hạt điều…), hay các loại trái cây đặc sản (sầu riêng, vải…) có thể là câu trả lời cho các doanh nghiệp Việt có định hướng xuất khẩu vào quốc gia hơn 300 triệu dân này.
Tin vui ở góc độ vĩ mô, Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến hợp tác trong thời gian qua. Điển hình là năm 2000, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đã được ký kết tại Washington, D.C với mong muốn thiết lập và phát triển quan hệ kinh tế và thương mại bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau(1). Cụ thể, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ những năm qua đã có sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ. Năm 1994 đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu lên tới 124 tỉ đô la vào năm 2022(2).
Hay tháng 10-2023, theo số liệu từ Văn phòng thống kê của Mỹ (United States Census Bureau), Việt Nam đứng thứ sáu trong danh sách các nước có khối lượng nhập khẩu lớn nhất vào Mỹ, vượt qua cả Hàn Quốc và Đài Loan (xem hình 1).
Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 vừa qua và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo cơ hội thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đây cũng là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp đang hay có kế hoạch xuất khẩu vào đất nước có dân số đứng thứ ba trên thế giới này và phần nào thể hiện quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Mỹ đang có nhiều yếu tố thuận lợi để tăng trưởng hơn nữa(3).
Có thể thấy tiềm năng xuất khẩu của thị trường lớn nhất thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở góc độ vĩ mô, tuy nhiên làm sao để doanh nghiệp thực tế xâm nhập thành công là một câu hỏi không dễ để trả lời.
Bởi bên cạnh việc quan tâm đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các vấn đề pháp lý cũng cần được nghiên cứu kỹ càng, bao gồm việc bảo hộ nhãn hiệu, đối tượng giao tiếp chính và trực diện nhất với khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Bởi pháp luật nhãn hiệu của Mỹ có nhiều điểm khác biệt lớn so với đa số các nước, tiêu biểu như việc cần cung cấp bằng chứng sử dụng hay dự định sử dụng để làm căn cứ nộp đơn cũng như gia hạn văn bằng nhãn hiệu tại nước này(4).
Ngoài ra, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc nghiên cứu kỹ thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng là rất quan trọng bởi nhiều xu hướng mới như sản phẩm “xanh”, đòi hỏi mới như việc cần đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh,” chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt nên nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Khi xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối”(5).
Mong rằng, doanh nghiệp Việt trong năm mới Giáp Thìn tận dụng được những lợi thế vĩ mô mà hai nước đã có. Thêm nữa, tự thân mỗi doanh nghiệp chủ động có chiến lược phù hợp nhằm khai thác thế mạnh đặc trưng của nước mình, xuất khẩu thành công nhiều mặt hơn nữa đến xứ cờ hoa để các siêu thị Tết của người Việt, hay các sàn giao dịch thương mại điện tử đủ đầy hơn nữa các mặt hàng của quê hương, kéo những người con xa nước như tôi gần hơn với “mảnh hồn làng” - chợ quê ngày Tết.
(*) CEO, Maygust Trademark Attorneys, công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế.
(2) https://vneconomy.vn/hoa-ky-van-la-thi-truong-xuat-khau-lon-va-quan-trong-cua-viet-nam.htm
(3) https://vneconomy.vn/hoa-ky-van-la-thi-truong-xuat-khau-lon-va-quan-trong-cua-viet-nam.htm
(4) https://www.uspto.gov/trademarks/apply/basis
(5) https://vneconomy.vn/hoa-ky-van-la-thi-truong-xuat-khau-lon-va-quan-trong-cua-viet-nam.htm