Thứ tư, 6/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chờ “trúng đích”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chờ "trúng đích"!

Nguyễn An Sa

Chờ
Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, thủ phạm gây ô nhiễm vùng biển bốn tỉnh miền Trung. Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) - Nếu nhà nước không làm như đã nói, nghĩa là truy tận gốc những người gây ra khủng hoảng môi trường thì sắp tới đây, tình trạng “lờn thuốc” sẽ gia tăng, tài nguyên, môi trường của đất nước sẽ suy kiệt. Nhưng đáng sợ hơn, là sự thất thủ của pháp luật, sự thiếu nghiêm minh, quyết liệt, bệnh “hô hào chay” sẽ làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Câu chuyện chất thải Formosa gây ô nhiễm vùng nước biển bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên – Huế có thể xem là một điển cứu (case study) về thu hút đầu tư không đặt trên nền tảng phát triển bền vững. Trước đó một thời gian dài, cái khẩu hiệu “phát triển bền vững” ai cũng có thể dễ dãi nói ra để che đậy sự cẩu thả, mất kiểm soát gây hệ lụy cho tương lai quốc kế dân sinh. Những phản hồi từ thực tế về “nói không đi với làm” trong trường hợp môi trường như chúng ta đang thấy, là rất lớn. Và sẽ còn thấy, rất khó lường.

Thực tế vài tháng qua, thảm họa môi trường mà thủ phạm là Formosa từ khi xảy ra đã đưa ra bức tranh đầy thương tổn về dân sinh: chính dân nghèo là những người gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Khoản tiền phạt của “đại gia” Formosa không thấm tháp vào đâu so với sự mất sinh kế lâu dài của ngư dân.

Khủng hoảng môi trường nếu tiếp tục kéo dài sẽ khó tránh khỏi một viễn cảnh khác: người dân nghèo, dễ bị tổn thương sẽ không còn trụ vững trên quê nhà, vùng biển của họ; sẽ xuất hiện những đợt di cư tị nạn môi trường lớn. Kịch bản này sẽ gây ra những xáo trộn xã hội, tổn thất kinh tế, thách thức lớn đối với an ninh và phát triển. Nhưng đây là kịch bản dường như các cơ quan chức năng chưa dự tính đến, hoặc chỉ mới lờ mờ nhận ra qua những chính sách ổn định dân cư gần đây.

Vậy thì để tránh chiều hướng đó, cách tốt nhất là xử lý và ngăn ngừa một cách quyết liệt không khoan nhượng với loại tội phạm môi trường.

“Không đánh đổi môi trường bằng mọi giá”, “không đánh đổi môi trường vì mục tiêu phát triển” là những thông điệp gần đây được các vị lãnh đạo nói nhiều, nói mạnh, nói thẳng, nói hay. Mặc dù tác động nhận thức, kêu gọi thay đổi tư duy là nền tảng quan trọng, thế nhưng, cũng như khẩu hiệu “phát triển bền vững” một thời là “mốt” trong các bản tham luận của lãnh đạo, thì những thông điệp trên, rất có thể, cũng là một dạng hô hào hợp thời trong bối cảnh niềm tin người dân vào sự giám sát, minh bạch của nhà chức trách về vấn đề môi trường đang bị lung lay nghiêm trọng.

Sự tác động bằng “nói thẳng, nói nhiều, nói mạnh, nói hay”, dĩ nhiên cũng an ủi phần nào, nhưng người dân có lẽ muốn thấy những điều trên được thực hiện thật cụ thể thông qua một cơ chế xử phạt, răn đe mạnh mẽ, sòng phẳng và quyết liệt, không chỉ với sai phạm của những nhà đầu tư thiếu trách nhiệm là những thủ phạm trực tiếp, các cán bộ quản lý địa phương mà còn cả những cá nhân, nhóm lợi ích đã và đương chức từng đồng lõa trong việc rước về những dự án gây tổn hại cho kinh tế, suy kiệt cho đất nước.

Sau những vụ bê bối môi trường, nhất định phải nghiêm minh để không thể có chuyện ai làm con tốt cho ai cả, thì mới mong đem lại sự thuyết phục, hồi phục lòng tin.

"Chúng ta đã nói đến tình trạng bắn chỉ thiên, nghĩa là không ai chịu trách nhiệm. Lần này các cấp, các ngành phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm vấn đề môi trường trên địa bàn. Dự án ai cấp giấy phép mà để môi trường xấu như vậy? Chủ trương, biện pháp khắc phục ra sao?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường hôm qua, 24-8, trước khoảng 2.200 cán bộ tham dự. Một lần nữa, thông điệp cứng rắn của người đứng đầu Chính phủ được đưa ra vài ngày sau khi một hội thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị.

Nhưng trên đường phố, liếc qua các sạp báo, trang bìa những tờ báo lớn vẫn đăng những dòng title lớn về món nợ mà các nhà khoa học ở hội thảo còn nợ người dân: bao giờ thì dân ăn được cá ở vùng biển ô nhiễm của bốn tỉnh này? Câu hỏi quá đơn giản nhưng là một thách đố về sự minh bạch, trách nhiệm đích thực của khoa học và quản lý. Dù có cử hết toàn bộ những quan chức địa phương, nhà khoa học, bộ trưởng chuyên trách môi trường đội mưa xuống tắm biển mà chưa trả lời cụ thể được câu hỏi trên một cách thấu suốt, có trách nhiệm, chưa giải thích được những bất nhất trong những dữ liệu đưa ra, thì đừng bắt người dân tin vào những chỉ số trên giấy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới