Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chọn nơi quảng cáo để bảo vệ thương hiệu

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những người làm công tác tòa soạn ở các tờ báo điện tử thường đảm nhiệm thêm một phần việc: đặt ra những tiêu chí nhằm loại bỏ một số dạng quảng cáo, không để chúng xuất hiện trên trang báo của mình. Nguyên do là bởi các tờ báo điện tử thường nhận quảng cáo từ bên thứ ba tổ chức, thường là các mạng lưới quảng cáo lớn như Google, tự động đưa lên các ô chừa sẵn trên trang báo.

Quảng cáo do họ tiếp nhận có thể vô hại như quảng cáo cho các sản phẩm tiêu dùng, các dịch vụ giáo dục nhưng cũng có thể là quảng cáo cho những thứ không phù hợp cho một trang báo nghiêm túc như quảng cáo cờ bạc, quảng cáo cho các trang web khiêu dâm.

Nếu không đặt ra một số tiêu chí buộc bên tiếp nhận, phân bổ quảng cáo phải lọc theo đúng yêu cầu, rất có thể giữa trang báo của một tờ báo giáo dục lại xuất hiện ảnh khỏa thân để chào mời thuốc trị yếu sinh lý! Rào chắn này phải được rà soát, cập nhật thường xuyên khi mọi người trong tòa soạn có ý thức kiểm tra các quảng cáo xuất hiện xem có phù hợp hay không.

Thiết nghĩ doanh nghiệp khi thiết kế các kế hoạch quảng cáo cho mình cũng nên chú ý đến điều này, buộc bên phân bổ quảng cáo không được đưa quảng cáo của doanh nghiệp lên một số địa chỉ nhất định. Tuần rồi báo chí đưa tin các cá nhân lợi dụng đám tang của các nghệ sĩ nổi tiếng để chen lấn xô đẩy, đưa tin sai sự thật, tin giật gân, câu khách. Có lẽ không doanh nghiệp nào muốn sản phẩm của mình được quảng cáo xen kẽ các mẩu video nhảm nhí này.

Tương tự như vậy, không ai muốn quảng cáo của mình đi kèm các video chửi bới, lăng mạ nhau, các video lan truyền tin đồn, tin giả. Vấn đề là liệu doanh nghiệp có bộ phận theo dõi để biết các quảng cáo của mình xuất hiện ở đâu, gắn với các nội dung như thế nào.

Các phương tiện để chuyển tải quảng cáo của doanh nghiệp hiện đã phát triển mở rộng ra so với trước rất nhiều. Điều này giúp thông điệp của doanh nghiệp lan tỏa nhiều hơn, đến với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng hơn. Thế nhưng rủi ro quảng cáo bị gắn kèm với nội dung độc hại, phản cảm, bạo lực, khiêu dâm cũng từ đó mà tăng lên. Nếu chú ý chúng ta thấy ở các thị trường nước ngoài, thỉnh thoảng lại nghe tin các nhãn hàng tẩy chay một kênh tiếp dẫn quảng cáo nào đó vì nội dung bị khách hàng phản ứng. Đó chính là cách bảo vệ tên tuổi thương hiệu ở mọi lúc mọi nơi, kể cả trên các mạng xã hội.

Hầu như các doanh nghiệp lớn, nhất là các công ty đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam đều có biện pháp phòng ngừa rủi ro này. Bộ phận quảng cáo của họ đều quan tâm đến an toàn thương hiệu, sẵn sàng rút quảng cáo ra khỏi các nền tảng không kiểm soát được nội dung độc hại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể do thiếu nhân lực nên chưa chú ý đầy đủ đến khía cạnh đó.

Thiết nghĩ khi nói đến “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, không cần nói đâu xa, chỉ cần yêu cầu nhân viên nâng cao nhận thức để không tiếp tay cho các nội dung xấu, nội dung bẩn, độc hại cho con em chúng ta bằng quảng cáo, tức bằng nguồn chi nuôi sống các nơi sản xuất loại nội dung này. Làm được như thế, chúng ta đã góp phần lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội nói chung và môi trường quảng cáo nói riêng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới