Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chọn phương án đúng xử lý các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt!

Khánh Nguyên (ghi)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Để lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, bắt buộc phải lựa chọn biện pháp hợp lý dù có thể nghiêm khắc”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Tại Hội thảo Tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tổ chức đầu tháng 10-2023, tôi đã có những chia sẻ thẳng thắn về việc xử lý các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm các ngân hàng mà Nhà nước mua lại 0 đồng. Sau 10 năm, sức khỏe tài chính và năng lực tồn tại của cả bốn ngân hàng thuộc diện này vẫn đang chưa ổn định và các ngân hàng này vẫn tiếp tục tồn tại một phần nhờ vào sự hỗ trợ của các ngân hàng lớn được chỉ định hỗ trợ. Với các trường hợp này, hầu như không có thông tin gì về tổng tài sản có, tổng tài sản nợ, hiện trạng vốn chủ sở hữu, tăng trưởng tiền gửi và dư nợ cho vay, nợ xấu… Tuy nhiên, theo báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10-2023, Kiểm toán Nhà nước nhận định các ngân hàng này có tình hình tài chính rất khó khăn; một số ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao. Và gần đây lại xuất hiện thêm một cái tên được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Đầu tháng 5-2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng khác đối với bốn ngân hàng yếu kém, thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có những quy định cụ thể về phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. Điều 175 trong dự thảo quy định về quyền của bên nhận chuyển giao, theo đó, dù sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, bên nhận chuyển giao không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính; được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải trích lập dự phòng giảm giá… Những quy định như vậy là chưa hợp lý và không phù hợp với chuẩn mực kế toán liên quan tới tính minh bạch trong hoạt động không chỉ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc mà còn cả ngân hàng nhận chuyển giao. Hơn nữa, sự chuyển giao bắt buộc mà không ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên có thể khiến nó trở thành một biện pháp nặng về tính hình thức.

Có thể nói, đối với các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, phương án chuyển giao bắt buộc theo các quy định hiện hành là khó khả thi. Hiệu quả hạn chế của phương án phục hồi các tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt với các biện pháp đặc thù đã được thể hiện qua thực tế những năm qua. Vì vậy, nên chăng chúng ta cần cân nhắc tới phương án khác?

Tại các nước phát triển như Mỹ, Thụy Sỹ, phương án phá sản để tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã được áp dụng thành công, và thị trường tín dụng của các nước đó chỉ phải trải qua những rung lắc ngắn hạn, sau đó được ổn định nhanh chóng.

Tại Việt Nam, vai trò quản lý, giám sát và năng lực can thiệp bằng các biện pháp đặc thù của các cơ quan quản lý càng đảm bảo sự an toàn đến mức gần như tuyệt đối cho thị trường tín dụng.

Tuy nhiên, sự tồn tại của các ngân hàng yếu kém, dù ở tình trạng nào, đều tạo ra chi phí cho các ngân hàng đang hoạt động tốt nói riêng và cho toàn nền kinh tế nói chung. Các ngân hàng thương mại hỗ trợ hoặc sẽ nhận chuyển giao ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt vẫn phải bơm vốn với lãi suất thấp vào các tổ chức tín dụng yếu kém và hứng chịu rủi ro nợ xấu, thay vì đưa tiền vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tiềm năng, tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng và kích thích toàn nền kinh tế phát triển.

Ngoài ra, nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trên, các ngân hàng đang sắp yếu kém khác sẽ không có ý thức sớm tự cải tổ. Kết quả là danh sách các tổ chức tín dụng yếu kém có thể sẽ dài thêm ra, ngành ngân hàng khó có thể trở nên lành mạnh như mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Một ngành ngân hàng trong một nền kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển bền vững nếu sử dụng các phương pháp của kinh tế thị trường để loại bỏ những thành phần yếu kém của thị trường. Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được thông qua vào kỳ họp tháng 11-2017 và Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2013: Phương án phá sản các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đều được đưa ra như một giải pháp có thể được lựa chọn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Phương án đúng, là phương án bình thường, chứ không phải đặc biệt, đảm bảo tuân thủ quy trình pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới