Thứ ba, 22/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chọn thất nghiệp hay sự tự đào thải?

Đặng Quỳnh Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Hùng là một giám đốc bộ phận (division manager), vào công ty tôi từ khi mới tốt nghiệp một trường đại học kỹ thuật uy tín. Hùng được công ty đào tạo rất bài bản, được sang Nhật tu nghiệp để xây dựng thành nhà quản lý trụ cột. Bản thân anh có nhiều đóng góp cho công ty về cải tiến kỹ thuật và được xem như hình mẫu của những người trẻ, có năng lực, trách nhiệm và được việc - một trong những người tiêu biểu nhất của thế hệ chúng tôi ở công ty.

Theo báo cáo của UBND TPHCM với Đoàn Đại biểu Quốc hội, từ 2021-2024 nhu cầu tìm việc của lao động TPHCM có lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng chiếm 31,76% - Ảnh: Minh Thảo

Anh mới đây đã nộp đơn xin nghỉ việc vì “không thể chịu đựng được nữa”. Từ năm ngoái, Hùng có vẻ thường xuyên mệt mỏi, chán chường, hỏi đến thì bảo muốn nghỉ việc. Anh bảo vợ anh cũng ủng hộ anh nhưng nghĩ đến bài toán rất lớn về thu chi trong gia đình có các con đang tuổi ăn học, nghĩ đến đường xin việc ở chỗ khác, bắt đầu lại từ đầu ở tuổi 40... anh lần lữa, tiếp tục cố gắng. Nhưng anh cũng chỉ “cố” được chừng nửa năm.

Hùng vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ trong công ty vì vẫn làm quản lý cho đến khi ngừng việc. Có nhiều người có chức vụ cao hơn Hùng đã bị đổi việc từ nơi này qua nơi khác, không ít trường hợp phải xuống làm cấp dưới cho chính nhân viên của họ - dù chức vụ của họ vẫn được giữ nguyên. Sau 3-4 năm như vậy, gần như vài thế hệ người quản lý gạo cội đời đầu của công ty đã lần lượt tìm cách nghỉ việc vì không còn lựa chọn nào khác. Đó là một công ty lớn với lực lượng nhà quản lý người Việt từ cấp manager trở lên có dăm bảy chục người.

Nhớ một người bạn nhỏ tuổi hơn ở công ty cũ của tôi cũng xin nghỉ việc sau gần 15 năm gắn bó với công ty. Bạn nói cũng từng trải qua vài năm vật lộn bám trụ, nhưng cuối cùng chọn dừng lại vì “không thể tiếp tục”. Bạn bây giờ vẫn loay hoay tìm việc đi làm trở lại. Bạn bè, đồng nghiệp cũ của tôi hiện có rất nhiều người chọn thất nghiệp như anh Hùng và người bạn trẻ. Chưa khi nào nhiều đến vậy. Hầu hết họ là những người giỏi và rất giỏi, được đào tạo bài bản và làm việc trong các công ty FDI lớn trong một thời gian dài.

Những doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thuộc những thế hệ đầu tiên, đến nay đã hoạt động trên dưới ba thập niên. Những thuận lợi ban đầu với những ưu đãi về thuế, phí thuê đất, lực lượng nhân công giá rẻ, dồi dào, thị trường cạnh tranh ít của FDI nay đã khác khi thời hạn ưu đãi không còn nhiều, chi phí nhân công, bảo hiểm, giá vật liệu liên tục tăng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt…

Nhiều doanh nghiệp đã chọn thay đổi để tồn tại và phát triển, như đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị, công nghệ; tìm kiếm khách hàng mới; giảm chi phí; cải thiện năng suất lao động. Công ty tôi cũng vậy. Đầu năm nay, công ty đã chọn tầm nhìn cho những năm tới là “compact and smart”, nghĩa là tinh gọn và thông minh. Để thực hiện những sự thay đổi lớn lao đó, công ty nói cần những con người mới, phù hợp để nắm bắt và triển khai. Một số người hiện hữu không kịp thích nghi, hoặc không muốn thích nghi với những thay đổi đó hiển nhiên trở nên lạc lõng giữa guồng quay và dòng chảy của sự biến chuyển.

Điều đáng nói là chuyện quản trị nhân sự trong doanh nghiệp vốn không giống nhau và tùy thuộc vào văn hóa doanh nghiệp. Ví dụ, môi trường làm việc Mỹ Âu thường thẳng thắn, họ nói rõ mong muốn công ty để tìm giải pháp cho người lao động nghỉ. Nhật Bản, Hàn Quốc thường tìm cách cho người lao động chịu không nổi thì tự nộp đơn nghỉ việc, như không giao việc, cho làm những việc lằng nhằng, hoặc suốt ngày báo cáo.

Theo báo cáo của UBND TPHCM với Đoàn Đại biểu Quốc hội, từ 2021-2024 nhu cầu tìm việc của lao động TPHCM có lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng chiếm 31,76%. Về trình độ có sự chênh lệch lớn. Cụ thể gần 68% lao động tìm việc làm có trình độ đại học trở lên, cao đẳng gần 15%, còn lại là trung cấp, sơ cấp, lao động phổ thông chiếm khoảng 17%.

Tôi tin rằng, trong số những người tìm việc làm với trình độ đại học trở lên với mức thu nhập cao, có nhiều người nghỉ việc trong bối cảnh trên. Sự đào thải trong thế giới việc làm giờ đây hiện hữu mạnh mẽ. Sự cạnh tranh trong thị trường việc làm ngày càng gay gắt cho cả lớp trẻ năng động, tài năng vừa tốt nghiệp lẫn người làm việc lâu năm, giỏi nghề nhưng thiếu vắng công nghệ mới. Người đi làm có lẽ không có mấy chọn lựa ngoài việc tiếp tục học tập, nâng cao trí lực, không ngừng phát triển bản thân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới