Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chong chóng gió từ chậu nhôm đưa điện xanh tới vùng xa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chong chóng gió từ chậu nhôm đưa điện xanh tới vùng xa

Vũ Dung

Chong chóng gió từ chậu nhôm đưa điện xanh tới vùng xa
 

(TBKTSG Online)  – Lê Vũ Cường còn nhớ như in khoảnh khắc rạng ngời trên gương mặt khắc khổ của một ngư dân vào cuối năm 2016, thời điểm dự án điện sạch được đưa đến các hộ dân ở làng chài ven sông Hồng. Cũng chính hình ảnh đó đã trở thành động lực cho Cường mỗi khi công ty khởi nghiệp (startup) 1516 Green Design gặp khó khăn, thách thức trên hành trình mang dòng điện xanh đến với những người có thu nhập thấp trong xã hội.

 
 

Học ngành kiến trúc, nhiều năm giảng dạy đại học và đã từng là du học sinh tại nhiều quốc gia tiên tiến như Úc, Đức… Cường luôn trăn trở làm sao để người nghèo có thể tiếp cận được sản phẩm xanh, thân thiện môi trường với giá cả phải chăng. 1516 Green Design do Cường sáng lập và là giám đốc điều hành ra đời tháng 1-2015 với mục đích thiết kế và đưa ra các sản phẩm xanh tới thị trường. Khi chọn tên công ty, Cường chỉ nghĩ đơn giản, con số 15 là năm thành lập, 16 thể hiện sự đi lên, tăng trưởng của công ty mà anh ấp ủ.

Đến năm 2016, khi tình cờ thực hiện dự án mang điện tới làng chài ven sông Hồng bằng sản phẩm do Cường sáng chế, “đứa con tinh thần” 1516 Green Design mới thực sự định hướng được bước đi đường dài của mình: là một doanh nghiệp có tác động xã hội, chuyên thiết kế các công trình thân thiện với môi trường với chi phí thấp và có tính sáng tạo cao dành cho người nghèo.

 

Với tiêu chí như vật dụng đơn giản, dễ lắp đặt, giá thành rẻ, dễ sử dụng, ý tưởng của 1516 Green Design đã mang lại dòng điện sạch, thắp sáng cho ngôi nhà của nhiều hộ gia đình nghèo. Giải pháp sử dụng những vật liệu đơn giản, dễ tìm như chậu thau, thanh nhôm phế thải đúc thành dáng tua-bin đã giải quyết được bài toán điện sạch cho người dân nghèo. Với công suất tối đa 200W, sản phẩm của 1516 Green Design có thể giúp một hộ gia đình thắp sáng 3-4 bóng đèn LED, lắp quạt điện và sạc thiết bị trong nhà.

“Kiến trúc xanh không chỉ có những giải pháp đắt tiền mà còn có những giải pháp với chi phí rất thấp”, Lê Vũ Cường chia sẻ, anh nói thêm: “Tôi đi theo hướng này để chứng minh điều đó (sản phẩm sạch nhưng giá rẻ) là đúng”.

Sản phẩm của 1516 Green Design đã giải quyết được bài toán điện bao phủ tới các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, những hộ dân lênh đênh trên sông nước, nơi chi phí lắp đặt tốn kém trong khi số hộ dân lại thưa thớt. Những tua-bin gió của  1516 Green Design có thể đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân như thắp sáng, đun nấu, quạt mát.

 
 

Từ mô hình tại xóm chài trên sông Hồng, đến nay, tua-bin gió mini đã được lắp đặt tại nhiều vùng trong cả nước, như điểm trường vùng cao tại huyện Bát Xát (Lào Cai); trường học tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) để phục vụ nhu cầu thắp sáng, quạt mát và ti-vi. Công ty cũng đã lắp đặt tua-bin gió tại Hometravel Me Kong Cần Thơ, lắp đặt trạm điện gió và điện mặt trời cho trường Red Moon và Olympia phục vụ nhu cầu dạy học và đáp ứng các yêu cầu về sống xanh của học sinh…

Bước đầu, khách hàng của 1516 Green Design là các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động vì cộng đồng (CSR), các trường học mong muốn hỗ trợ người nghèo có điện sạch. Về dài hạn, theo người sáng lập công ty, sản phẩm này hoàn toàn có thể được thương mại hóa, nhằm mang lại giải pháp năng lượng cho người nghèo, người có thu nhập thấp trong nền kinh tế, cũng là những nhóm khách hàng chiếm phần lớn trong xã hội hiện nay.

Người sáng lập công ty đặt ra mục tiêu trong ngắn hạn sẽ cấp điện cho 5.000 hộ dân mỗi năm. Về dài hạn, 1516 Green Design định hướng là công ty công nghệ năng lượng tái tạo, với các sản phẩm sáng tạo về năng lượng ứng dụng trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như phát triển đô thị.

Trải qua gần 5 năm thành lập, những gì mà 1516 Green Design có được là những giải thưởng về đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vì cộng đồng của các tổ chức trong và ngoài nước. Văn phòng làm việc của công ty tại khu đô thị Văn Phú được bày biện khá đơn giản với một bàn làm việc to dành cho tất cả nhân viên. Trên bàn là các chậu nhôm, nhựa, các thanh sắt làm tua-bin gió. Điểm nhấn duy nhất trong căn phòng này là các bằng khen, giải thưởng và các bức tranh về sản phẩm tua bin điện gió đã được lắp đặt ở mọi miền đất nước. Đây được Cường coi là những phần thưởng ghi nhận công lao của toàn thể nhân viên trong công ty. Giải thưởng lớn nhất mà công ty giành được là giải nhất cuộc thi “Innovation for Good” do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Dù vậy, không phải cứ được nhiều giải thưởng, được vinh danh là đã cầm chắc tấm vé bước vào cánh cửa của thành công. Sau những hào quang ban đầu, Cường lại phải trở về với thực tế phũ phàng của một doanh nghiệp kinh doanh cho người nghèo, đó là thiếu vốn và thiếu nhân lực.

Cường kể, do định hướng là một doanh nghiệp có tác động tới xã hội nên lợi nhuận không được như công ty thông thường. Điều này cũng kéo theo quỹ lương không hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường khiến việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người vì thấy được tiềm năng của mô hình kinh doanh này đã tình nguyện tham gia công ty nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mỗi người lại có những dự tính riêng của mình nên họ lại chia tay nhau để tìm hướng phát triển mới.

Không chỉ vậy, sản phẩm khi mới ra thị trường vẫn còn những lỗi kỹ thuật mà Cường chưa tính tới như cường độ gió quá mạnh khiến các cánh tua-bin bị gãy tại khu vực hải đảo hay tại vùng núi cao, khâu hậu mãi cũng chưa được chú trọng. “Do chưa có kinh nghiệm thiết kế ở vùng biển nên dự án tua-bin ở Vinpearl Nha Trang đã bị rụng hết cánh sau 2 tháng lắp ráp”, Cường thừa nhận. Bên cạnh đó, do nguồn nhân lực thiếu, việc đáp ứng nhu cầu lắp đặt liên tục tại những vùng sâu, vùng xa cũng là trở ngại lớn đối với công ty.

Khó khăn chồng chất khó khăn, có những thời điểm, gần như chỉ còn một mình Cường “sống còn” với "đứa con" của mình. Chàng trai có dáng người dong dỏng này lại tiếp tục với hành trình tìm kiếm nguồn tài trợ tại các cuộc thi khởi nghiệp, cuộc thi doanh nghiệp vì cộng đồng để mong giành giải thưởng, nhờ đó có vốn nuôi sống "đứa con" tinh thần của mình.

Gian nan là vậy nhưng Cường vẫn kiên định với con đường mà anh lựa chọn.

1516 Green Design là một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chỉ khác ở chỗ phân khúc khách hàng doanh nghiệp hướng tới là người nghèo. Theo Cường, đổi mới sáng tạo đối với một doanh nghiệp không phải là làm ra một cái gì đó hoàn toàn mới mà chỉ cần cải tiến một khâu nào đó trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, để thành công, đổi mới sáng tạo là chưa đủ, mà cần đáp ứng nhu cầu thị trường, năng lực của đội ngũ vận hành, tính khả thi của ý tưởng, cũng như xuất hiện đúng thời điểm. Có những doanh nghiệp đưa ra ý tưởng quá sớm so với sự phát triển của thị trường thì vẫn thất bại.

Xác định được tầm nhìn và thời điểm cho 1516 Green Design, Cường kỳ vọng trong thời gian tới sẽ hợp tác được với các công ty du lịch để tổ chức các tour khách trong nước và quốc tế đến những vùng miền núi, hải đảo xa xôi, mang theo những tua-bin gió của 1516 Green Design đến những hộ gia đình khó khăn trên cả nước. Đây là hướng đi, theo Cường, có thể giải được bài toán thiếu nguồn nhân lực và vốn mà công ty đang gặp phải.

Nội dung: Vũ Dung – Trình bày: Doãn Thụy

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới