Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chống sạt lở bờ sông, bờ biển: phải xử lý từ gốc vấn đề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chống sạt lở bờ sông, bờ biển: phải xử lý từ gốc vấn đề

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Thay vì tập trung vào các giải pháp công trình để xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như cách làm hiện nay, thì nên giải quyết từ gốc của vấn đề gây ra sạt lở.

Chống sạt lở bằng... vỏ xe phế liệu

Sạt lở chủ yếu là do thủy điện

Chống sạt lở bờ sông, bờ biển: phải xử lý từ gốc vấn đề
Chống sạt lở khu vực ĐBSCL phải xử lý từ nguyên nhân gốc gây ra. Trong ảnh là một điểm sạt lở bờ sông ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Sạt lở vẫn rất nghiêm trọng

Thời gian qua, nhiều giải pháp xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông ở khu vực ĐBSCL đã được đề ra và thực hiện, nhưng thông tin đưa ra tại hội thảo “Về giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL” được tổ chức hôm nay, 9-4, ở Cà Mau cho thấy, tình trạng sạt lở ở khu vực này vẫn còn rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đánh giá, tình trạng sạt lở bờ biển ở địa phương này vẫn diễn biến rất phức tạp, làm mất đất đai, rừng phòng hộ ở nhiều đoạn, mà cụ thể từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển đã mất khoảng 8.870ha.

Theo ông Hoai, đối với bờ biển Tây, hiện ở Cà Mau đã có 57km bị sạt lở, gồm đoạn Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh với chiều dài 25 km; đoạn Ba Tỉnh đến Mũi Tràm dài 17km và đoạn từ sông Đốc đến cửa Bảy Háp dài 15km. “Đặc biệt, có ba điểm sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài 7,8km, gồm đoạn từ Vàm Sào Lưới đến Kênh Mới +500 (3,7km); đoạn bờ Bắc Vàm Tiểu Dừa đến Hương Mai dài 3,3km và đoạn từ Vàm Cống T29 đến Khánh Hội dài 0,8km”, ông cho biết và nói rằng dưới tác động của gió mùa hoạt động mạnh cộng triều cường dâng cao khiến bờ biển Tây bị đe dọa trực diện, trong khi rừng phòng hộ không còn khiến 1,45km đê biển Tây có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, khu vực bờ biển Đông cũng ở địa phương này, sạt lở ảnh hưởng đến 48km bờ biển, trong đó có 29,5km bị sạt lở ở cấp độ nguy hiểm; có nhiều đoạn sạt lở gây mất đất rừng phòng hộ từ 80-100m tính từ phía biển vào đất liền với chiều dài 18,3km.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra những ảnh hưởng rất nặng về sạt lở bờ biển của địa phương. “Theo số liệu thống kê, riêng Cà Mau, từ năm 2007 đến 2014, có 7.800 ha đất ven biển mất đi”, ông cho biết.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương có 122,9km chiều dài dòng chính sông Tiền đi qua, trong đó, có 101km bị xói lở, chiếm khoảng 80% chiều dài sông Tiền qua địa phương. “Trong giai đoạn từ 2005-2018, bờ sông Tiền qua tỉnh Đồng Tháp mất tổng cộng trên 322,5ha do sạt lở, gây thiệt hại 392 tỉ đồng, buộc phải di dời trên 8.000 hộ dân và còn hơn 6.000 hộ đang sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở”, ông dẫn chứng.

Theo ông Ngoan, riêng trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh sạt lở xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố với tổng chiều dài 28,5km, làm mất 17,83ha diện tích, gây ra thiệt hại khoảng 42 tỉ đồng.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, vùng ĐBSCL thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, làm tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra trầm trọng hơn và có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Cụ thể, theo ông, khu vực ĐBSCL hiện có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiêu dài gần 800km, trong đó, có 57 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164km cần phải xử lý để đảm bảo an sinh, kinh tế xã hội.

Chống sạt lở phải giải quyết từ gốc

Để giải quyết những thách thức nêu trên, theo ông Tuấn, thời gian qua, nhiều giải pháp bảo vệ bờ biển, bờ sông đã được triển khai, bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. “Trong năm 2018, ngoài kinh phí phân bổ hàng năm cho các dự án theo kế hoạch được giao, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để xử lý 29 dự án sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển”, ông dẫn chứng và nói rằng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bố trí 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông.

Theo ông Sử, trong việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, cần có những nghiên cứu cơ bản lẫn chuyên sâu để có giải pháp ứng phó phù hợp. “Đối với giải pháp công trình, dù tự hào với kết quả đã đạt được, song có thể nói chúng ta chỉ mới thành công trong tạo ổn định gây bồi, nhưng mức đầu tư còn cao hơn nhiều so với nguồn lực đang có”, ông cho biết và nói rằng cần có những nghiên cứu để tìm ra giải pháp công trình có mức đầu tư thấp hơn, mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Tuy nhiên, theo gợi ý của ông, cần xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư xử lý sạt lở, đặc biệt là mời gọi doanh nghiệp có dự án đầu tư ở vùng sạt lở tham gia vào phòng chống sạt lở. "Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cần có cơ chế thu hút bằng cách nếu nhà đầu tư đầu tư bảo vệ được bờ biển, bờ sông, thì nên giao phần đất phía trong cho nhà đầu tư đầu tư khai thác", ông gợi ý.

Ông Nguyễn Minh Nhị, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, để giải quyết vấn đề sạt lở nên giải quyết từ cái gốc của nguyên nhân gây ra. "Đồng bằng này được tạo ra do phù sa tích tụ dần", ông nhấn mạnh và cho rằng việc các đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn khiến phù sa giảm rất nhiều dẫn đến sạt lở rất kinh khủng. "Cái đó đã rõ ràng không còn bàn cãi nữa", ông nói và cho rằng đây là vấn đề xuyên biên giới nên cần chính sách ngoại giao để giải quyết.

Một điểm rất đáng lưu ý nữa, theo ông Nhị, đó là phải hạn chế khai thác cát sông vì trong bối cảnh phù sa bị các đập thủy điện ngăn chặn, tức không được bồi thêm, mà bây giờ còn khai thác cát, thì sạt lở là điều tất nhiên. "Tôi nói hạn chế là khiêm tôn, nói được lòng nhau, chứ phải cấm triệt để vì nếu ngày nào còn cho khai thác cát, thì ngày đó đồng bằng này phải sụp thôi", ông nói.

Chuyên gia Trịnh Công Vấn lưu ý, bên cạnh việc xây dựng quy hoạch khu vực sạt lở để có quản lý tốt hơn vùng ven bờ sông, bờ biển, thì nên có nghiên cứu chuyên sâu việc xây dựng đê biển kiên cố với việc mất rừng ngập mặn có liên quan như thế nào?

"Tôi thấy an toàn của đê biển ĐBSCL liên quan rất nhiều đến rừng ngập mặn, thế nhưng, xây dựng đê biển như ở Gò Công (Tiền Giang) sau một thời gian có vẻ như rừng ngập mặn phía bên ngoài cũng mất đi. Vậy, nên chăng chúng ta có nghiên cứu căn cơ rằng thực ra đê biển có ảnh hưởng đến rừng hay không?", ông nêu vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới