Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chống sở hữu chéo: không thể ‘lấy hữu hình để trị vô hình’

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong kỳ họp bất thường vừa qua đã thiết kế nhiều chốt chặn để xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng. Dù vậy, thật khó “lấy hữu hình để trị vô hình”! Muốn ngăn được sở hữu chéo, điều quan trọng là phải tăng cường hiệu quả thanh tra, giám sát.

Việc sử dụng lại chính sách hạn mức tăng trưởng tín dụng đã giúp NHNN đạt một số mục tiêu nhất định trong chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: N.K

Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18-1-2024 với tỷ lệ tán thành 91,28%. Trong đó, có nhiều quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng (TCTD) - vấn đề nổi cộm trong thời gian qua và càng đáng báo động hơn sau vụ việc liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Cụ thể, điều 63 về tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, mục đích là tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông của các TCTD. Theo đó, một cổ đông cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD. Đồng thời, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của TCTD. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.

Cùng với đó, luật bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin tại điều 49: cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD sẽ phải thực hiện cung cấp thông tin và TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Để hạn chế rủi ro tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng lớn, ngăn chặn cho vay “sân sau”, luật quy định theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan với lộ trình cụ thể tại điều 136. Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ như sau: Từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2024) đến trước ngày 1-1-2026 là 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó. Trong năm 2026, các tỷ lệ này lần lượt là 13% và 21%; năm 2027 là 12% và 19%; năm 2028 là 11% và 17%; từ năm 2029 là 10% và 15%.

Cùng với đó, luật mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ. Điều 43 quy định: thành viên độc lập của hội đồng quản trị của TCTD không được đồng thời đảm nhiệm một trong các chức vụ sau: (1) Người điều hành của TCTD đó; (2) Người quản lý, người điều hành của TCTD khác, người quản lý của nhiều hơn hai doanh nghiệp khác; (3) Thành viên ban kiểm soát của TCTD khác, doanh nghiệp khác.

Tương ứng với điều chỉnh trên, điều 41 về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành quy định: thành viên độc lập không cùng với người có liên quan sở hữu trực tiếp, gián tiếp từ 1% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của TCTD đó, thay vì từ 5% như dự thảo trước. Điều này nhằm bảo đảm tính độc lập của thành viên độc lập cũng như hạn chế trường hợp thao túng, chi phối khi điều chỉnh quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với thành viên độc lập.

Trước đó, thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, các công cụ nêu trên không xử lý được vấn đề cốt lõi của tình trạng sở hữu chéo, chi phối và thao túng đối với TCTD. Nói cách khác “lấy hữu hình để trị vô hình” như vậy thì hiệu quả không cao.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa), mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết song tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này. “Tỷ lệ sở hữu tối đa ở mức 5%, 15% và 20% như Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro cho hệ thống. Như vậy, quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung”, ông Sơn nói.

Cũng vậy, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo mà chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. “Khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội…”.

Theo đại biểu An, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên. “Sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết, tuy nhiên khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như ngân hàng SCB. Bởi lẽ sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp, nếu nhìn trên giấy tờ nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối”.

Thực tế, mối lo của đại biểu Quốc hội là có cơ sở. Chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định pháp luật, bên cạnh những quy định cụ thể tại luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Trong đó, có sự tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách” các quy định về sở hữu cổ phần, về người có liên quan, hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của TCTD với các doanh nghiệp “sân sau”. Đồng thời, chỉ đạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống thông tin của cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp để minh bạch hóa thông tin về cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm phòng ngừa rủi ro và tiệm cận với thông lệ quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới