(KTSG) - Đầu tư kiếm lời thì phải chịu áp lực rủi may. Xuống tiền đầu tư mà chỉ thấy may không thấy rủi là quyết định của người bị “cận thị” hay “mù đường.” Cần tỉnh táo hơn, nhưng đâu là điều cơ bản ít ra cần phải biết trước tiên?
Của ngon chắc chi đến lượt mình
Nhân gian đã có biết bao câu chuyện và bài học cảnh báo về miếng bánh ngon hay quả táo độc mà nàng Bạch Tuyết đã lỡ cắn vào. Vậy mà không ít người nhiều tiền hay ít tiền đã vội vàng tin ngay vào những lời mời đầu tư có cánh. Những lùm xùm quanh việc một startup về coffee shop chưa thành chuỗi kêu gọi góp vốn rồi bỏ trốn mới đây tiếp tục lặp lại câu chuyện không quá mới.
Quả thật, khi các thông tin được xì ra, không ít nhà đầu tư chuyên nghiệp đã bật ngửa với thông tin kêu gọi đầu tư trước đó mà startup này đưa ra: cam kết lợi nhuận lên đến 30%, thậm chí là đã từng đẩy lên mức 60%?!
Chưa nói đến chuyện là có mức sinh lợi như vậy đối với một chuỗi coffee trong thời kỳ “nhai vốn” khi chỉ mới có một, hai cửa hàng đầu tiên hay không, người quyết định góp tiền liệu có giây phút nào ngập ngừng: với mức lãi suất như vậy, cơ hội liệu có đến lượt mình?
Bàn về mong ước tìm kiếm thu nhập thụ động trước đây, chuyên gia Phan Dũng Khánh đã từng cảnh báo trên Kinh tế Sài Gòn là “Nếu nhắc đến câu chuyện cam kết lợi nhuận, thậm chí có những hợp đồng pháp lý ràng buộc hẳn hoi nhưng vẫn “gãy” vì người hứa không thể thực hiện được”(1).
Chủ hệ thống bỏ trốn, đang bị truy tìm và thậm chí là tình huống bị truy cứu trách nhiệm có thể xảy ra. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi tiền bỏ ra đã như... gạch, đá xây mồ. Luật pháp cũng đã rất rõ ràng: góp vốn đầu tư thì lời ăn lỗ chịu! Dẫu có được cam kết lợi nhuận thì điều đó cũng có nghĩa lý gì! Nếu chứng minh được người huy động vốn lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì ngày thu hồi được nợ chắc cũng còn xa lắm!
Sung rụng có còn ngon
Cùng lúc với câu chuyện góp vốn ở trên là chuyện doanh nghiệp bị sờ gáy vì phát hành trái phiếu “chui”. Không ít nhà đầu tư đã quyết định xuống tiền với một doanh nghiệp “trẻ” đang khao khát vốn trong giai đoạn kinh doanh đầu tương tự như vậy. Mà xem ra, đầu tư vào dự án này còn có phần “phiu-lin” (feeling) hơn vì tập đoàn đang vay tiền để thành lập cả... công ty tài chính.
Lãi suất 12% cộng với tỷ suất lãi suất thưởng quá lớn kèm theo thì chẳng khác gì quả sung... căng phình sắp rụng. Nhưng nếu quả thật là ngon, thì giới đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư và đặc biệt là “kho tiền” ngân hàng đang ở đâu? Phải chăng, đa phần đã có quá nhiều trải nghiệm về chất lượng của quả sung... rụng ngay dưới chân mình.
Thực ra, đây là hệ quả có thể hình dung được trước bối cảnh doanh nghiệp phát hành trái phiếu loạn xạ gần một năm qua. Ai cũng biết, những quy định cởi mở trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành là một trong những giải pháp quan trọng để giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đa dạng của nền kinh tế. Nhưng ngược lại, nhà đầu tư cũng phải ít nhiều tỉnh táo và... “làm giá” khi doanh nghiệp bỏ kênh tín dụng truyền thống để tìm đến mình.
Trái phiếu với lãi suất dao động từ 12-20% trong hầu hết các đợt phát hành thì quả thật là một miếng ngon. So với trái phiếu bất động sản, khi mức lãi suất bình quân vừa vượt mốc 10% thì đã bị cảnh báo là lạm dụng đòn bẩy tài chính, thì lãi suất 12% cộng với tỷ suất lãi suất thưởng quá lớn kèm theo chẳng khác gì quả sung... căng phình sắp rụng. Nhưng nếu quả thật là ngon, thì giới đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư và đặc biệt là “kho tiền” ngân hàng đang ở đâu? Phải chăng, đa phần đã có quá nhiều trải nghiệm về chất lượng của quả sung... rụng ngay dưới chân mình.
Đương nhiên, khác với vốn góp, vốn từ phát hành trái phiếu là vốn vay. Với tư cách của một chủ nợ, người nắm giữ trái quyền vẫn được trả lãi và thậm chí là đòi nợ ngay cả khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Nhưng một khi đã thua lỗ thì tiền đâu mà trả cho đủ. Còn lỗ đến mức phải phá sản thì dù có giăng băng rôn trước dinh thự của ông chủ nhiều khi cũng chẳng được gì, vì dinh thự là tài sản của cá nhân họ chứ không phải của công ty. Nếu như có thể chứng minh một hay một vài cá nhân lừa đảo, lạm dụng thì cũng như tình huống ở trên, ngoài việc đưa họ đi “an dưỡng” thì tiền ra khỏi túi chắc cũng khó quay về!
Chốt... trải nghiệm
Bỏ tiền đầu tư tương ứng mỗi bữa rau bữa cà thì chắc không mấy ai màng lắm chuyện thắng - thua. Đằng này, có những trường hợp, người góp vốn hay (đầu tư) mua trái phiếu với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là một vài tỉ đồng.
Lên tiếng khi các dấu hiệu bất thường được phanh phui thì rõ ràng họ là những nhà đầu tư biết tiếc của, mong kiếm lời chứ không dễ dàng phủi tay theo kiểu may nhờ rủi chịu. Họ không bỏ tiền mua... rủi ro mà họ xuống tiền vì luôn nghĩ đến một món lời lớn.
Thực tế, cũng giống như các hoạt động tài chính khác, từ thời thị trường chứng khoán mới bắt đầu đến thời bitcoin tranh tối tranh sáng, không ít nhà đầu tư “săn mồi” nhanh chóng vào cuộc rồi cũng nhanh chóng rút êm khi có thể “chốt lời” ít nhiều. Điều quan trọng là họ đủ tỉnh táo để ra đi một khi thấy thị trường có vẻ bốc mùi nguy hiểm. Thấy người khác hốt bạc, nhảy vào thì dễ bị “ôm đạn” vì là kẻ đến sau. Một Alibaba bất động sản đang dần bị bóc trần phải chăng chưa phải là liều thuốc đủ mạnh để giải độc thị trường và cả sự hám lợi “mù đường”!?
Mấy ngày qua, trên các phương tiện truyền thông, đã có không ít bài viết và ý kiến của các chuyên gia về các dấu hiệu và cách thức nhận diện các kênh đầu tư an toàn hay không an toàn. Bài viết này góp thêm một tiếng nói về những phi lý có thể bóc tách ngay từ chính bản thân mỗi suất đầu tư “hời”.
Ngay cả Eastman Kodak (Mỹ), Woolworths (Úc) hay Sony (Nhật)... cũng có ngày bi đát thì có khoản đầu tư nào là không có rủi ro. Không gì là chắc chắn đúng trong một viễn cảnh không chắc chắn. Nhưng rủi ro trong đầu tư thì lại chắn chắn có, dù có thể có sự đánh giá khác biệt giữa người này với người khác. Tôi còn nhớ, một trong những bài học về rủi ro đầu tiên mà tôi đã được biết là lời cảnh báo: Khi bạn được nói rằng, bạn có 50/50 cơ hội để có được khoản tiền lời như mong muốn cho khoản đầu tư của mình thì lúc đó khoản đầu tư của bạn đã bắt đầu có rủi ro khá lớn.
Đương nhiên, những ai đã “bơm” tiền thì cũng đã bơm tiền rồi và giờ chỉ còn biết... cầu may lấy lại vốn mà chẳng cần lời. Nhưng ít ra sự lên tiếng, và cả những trải nghiệm của họ, sẽ phần nào thức tỉnh những ai còn đang lưng chừng hoặc có ý định... kiếm tiền dễ như chơi trong nay mai.
----------
(1) https://thesaigontimes.vn/mat-tien-ti-vi-thu-nhap-thu-dong-tai-ham-loi-hay-do-thieu-hieu-biet/