Thứ Năm, 25/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chủ căn hộ cho thuê ở Trung Quốc vỡ mộng vì Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ căn hộ cho thuê ở Trung Quốc vỡ mộng vì Covid-19

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Hàng triệu người ở Trung Quốc muốn làm giàu bằng cách đầu tư bất động sản để cho thuê lưu trú dài hạn. Nhưng giấc mộng đó đang đối mặt các rủi ro tăng dần khi giá cho thuê giảm do tỷ lệ thất nghiệp tăng ở nhóm công nhân nhập cư.

Chủ căn hộ cho thuê ở Trung Quốc vỡ mộng vì Covid-19
Một khu chung cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Lao đao do giá thuê giảm

Chỉ mới gần 30 tuổi nhưng Li, một nữ nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh đã là chủ hai căn hộ cho thuê. Thế rồi đại dịch Covid-19 ập đến, những người thuê căn hộ của cô bị mất việc và phải rời thành phố, kéo theo giá thuê nhà giảm.

Cô chỉ là một trong hàng triệu chủ đầu tư căn hộ cho thuê ở Trung Quốc với tham vọng sẽ nhanh chóng gia nhập tầng lớp trung lưu. Nhưng giờ đây, nhiều người trong số họ đang lần đầu tiên đối mặt với đợt suy giảm mạnh về thu nhập cho thuê nhà.

Giới phân tích nhận định có rất ít nguy cơ vỡ nợ vay thế chấp mua nhà hàng loạt vào thời điểm hiện nay và giá bất động sản ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Dẫu vậy, khó khăn trên thị trường thuê nhà khiến các chủ đầu tư bất động sản cho thuê phải cắt giảm chi tiêu.

Li cho biết cô đã phải hạ giá thuê một căn hộ gần 50% trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 để giữ chân một khách thuê. Giữa lúc đó, lương của cô cũng bị cắt giảm 25% do công ty cô thực hiện chiến lược thắt lưng buộc bụng để ứng phó tác động của đại dịch Covid-19.

“Tôi phải trả tiền thuê cho căn phòng mà tôi đang sống ở Bắc Kinh đồng thời phải trả tiền vay thế chấp hàng tháng cho hai căn hộ của tôi”, cô nói.

Trong tháng 7, giá cho thuê nhà ở 20 thành phố của Trung Quốc giảm 2,33% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Công ty Zhuge House Hunter. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp ở một thị trường cho thuê nhà vốn duy trì độ nóng trong nhiều năm qua.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch Covid-19 gây ra tàn phá ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc vào hồi đầu năm nay, nhóm lao động bị sa thải đầu tiên là công nhân nhập cư, những khách hàng chính của các chủ cho thuê căn hộ nhỏ.

Đối tượng lao động dễ bị mất việc tiếp theo là nhân viên văn phòng. Trong khi đó, các sinh viên mới tốt nghiệp từ các tỉnh cũng đổ về các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm nhưng không dễ dàng. Tất cả những khó khăn đó đang kìm hãm sức chi tiêu của người thuê nhà lẫn các chủ nhà cho thuê.

Tổn thương do sử dụng đòn bẩy tài chính cao

Giá cho thuê nhà trung bình ở Trung Quốc giảm trong những tháng gần đây so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters

Ngay cả nhu cầu thuê lưu trú ngắn hạn ở Trung Quốc cũng đang suy yếu, tước đi các chủ nhà cho thuê một sự lựa chọn kiếm thu nhập khác. Trong tháng 6, số bất động sản ở Trung Quốc có ít nhất một đêm thuê giảm 29% so với kỳ năm ngoái, theo Công ty phân tích AirDNA, chuyên theo dõi lượng đơn đặt phòng từ nền tảng Airbnb và Vrbo.

Yuan Chengjian, Phó chủ tịch Zhuge House Hunter, nói: “Hai nhóm nhà đầu tư chịu tổn thương lớn nhất là các công ty cho thuê lưu trú dài hạn và các chủ nhà mua bất động sản với đòn bẩy tài chính cao. Các chủ nhà tin tưởng có thể trả một phần tiền vay thế chấp nhờ thu nhập cho thuê”.

Bà Luo Shuzhen, 50 tuổi, người có 80 phòng nhỏ cho thuê ở hai tòa nhà tại thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, cho biết số khách thuê của bà đã giảm 30% trong năm nay. Giờ đây, bà đang hoãn kế hoạch trang bị đồ đạc cho một căn hộ mà bà mua vào năm ngoái.

“Khó mà biết được dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu và tôi không chắc liệu tôi có thể duy trì nổi mảng kinh doanh cho thuê nhà trong nửa cuối năm nay hay không”, Luo Shuzhen, người cũng đang làm chủ một cửa hàng tiện lợi, nói.

Giống như bà Lou, các chủ nhà cho thuê khác nói với hãng tin Reuters rằng họ đang tìm cách giảm chi tiêu. Doanh số bán lẻ cua Trung Quốc đã giảm trong bảy tháng liên tục, theo dữ liệu mới công bố từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc.

Dù vậy, các vụ vỡ nợ thế chấp bất động vẫn hiếm hoi. Tổng nợ xấu của Trung Quốc chỉ chiếm 2,1% tổng dư nợ tín dụng, tính đến cuối tháng 6. Các cơ quan quản lý Trung Quốc không công bố chi tiết về số nợ xấu ở mảng cho vay thế chấp bất động sản.

Đối với nữ nhân viên văn phòng Li ở Bắc Kinh, đây là lúc tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình để thanh toán tiền vay thế chấp định kỳ hàng tháng và duy trì giấc mơ làm giàu từ cho thuê căn hộ.

“Tôi đã nhờ cha tôi giúp đỡ dù tôi đã gần 30 tuổi rồi”, cô nói.

Theo Reuter
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới