Chủ Nhật, 27/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chú Cuội, từ cổ tích rong chơi vào âm nhạc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chú Cuội, từ cổ tích rong chơi vào âm nhạc

Hà Đình Nguyên

(TBKTSG Online) -  Chú Cuội ngồi bên gốc cây đa trong những đêm trăng sáng đã ngao du vào kho tàng âm nhạc Việt với 2 ca khúc tuyệt vời dành cho thiếu nhi: Thằng Cuội của cố nhạc sĩ Lê Thương và Một đàn chim nhỏ của cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Từ tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đến Chuyện tình Lan và Điệp

Từ tích Lưu Bình - Dương Lễ tới ca khúc Quán gấm đầu làng

Đồi thông hai mộ

Chú Cuội, từ cổ tích rong chơi vào âm nhạc
Bìa đĩa nhạc Thằng Cuội của Lê Thương.

Truyện Chú Cuội có nhiều dị bản nhưng phổ biến nhất có lẽ là truyện kể về một chú Cuội chất phác, tốt bụng, may mắn tìm được bí quyết có thể chữa bệnh bằng lá cây đa thần. Tuy nhiên, vì người vợ ngớ ngẩn và đãng trí đến nỗi quên lời cảnh báo của anh chồng, làm ô uế gốc cây khiến cây đa thần bay tuốt lên trời. Cuội chạy theo chỉ kịp bám vào rễ đa và từ đó ở mãi trên mặt trăng, ngày ngày ngó xuống trần mà không sao về được. Trẻ con  có thể thấy Cuội như một cái bóng dưới gốc cây đa mỗi đêm có trăng sáng, nhất là đêm trăng tròn của ngày rằm tháng Tám âm lịch.

“Có thằng Cuội già ôm một mối mơ”

Cố nhạc sĩ Lê Thương năm 1949.

Nhạc sĩ Lê Thương không chỉ để lại cho đời ba bản Hòn Vọng phu bất hủ, ông còn một tuyệt phẩm khác, Thằng Cuội, sáng tác năm 1953. Đây là một bài hát dành cho thiếu nhi, dân dã, thanh thoát, hồn nhiên và đẹp như một bài đồng dao.

Mùa Trung thu, ai mà chẳng xuyến xao khi nghe các em nhỏ đồng ca: “Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”. Chỉ cần các hình ảnh bóng trăng, cây đa, thằng Cuội, mối mơ cũng đã gần như diễn đạt hết nội dung bài hát.

Cái hay của Lê Thương là ông dám đưa từ “thằng” vào bài hát, mà đưa một cách rất tài tình hồn nhiên (đây cũng có lẽ là bài hát duy nhất có từ “thằng” vào thời điểm đó). “Thằng” là cách gọi của những bạn bè đồng lứa, hay người bề trên đề cập tới người nhỏ tuổi hơn, dù sao đó cũng là cách dùng từ ngữ bình dân, kém trang trọng, một số người xem đây là cách xưng hô thân mật không màu mè. Và thật khó tưởng tượng khi nó lại được đưa vào một ca khúc và càng không ngờ chính nhờ đó đã tạo nên nét đặc thù cho bài hát.

Khi ráp vào câu nhạc từ “thằng Cuội” lại nghe dễ thương, ấm áp vô cùng (đã “thằng” mà lại còn “già” nữa chứ !) "Thằng Cuội" của Lê Thương dễ thương như thế, không hiểu vì sao người đời lại gán cho câu Nói dối như Cuội?

Bài hát có ca từ mộc mạc, giản dị nhưng vẫn không kém phần sang trọng. Nét sang trọng ấy chính do ông đã nhân cách hóa ánh sáng từ “bóng trăng trắng ngà” toả xuống:

Sáng rơi xuống đồi

Sáng leo lên cây

Sáng mỏi chân rồi

Sáng ngồi xuống đây…

Rồi chú dế mèn cũng biết… hát xẩm:

Có con dế mèn

Suốt trong đêm thâu

Hát xẩm không tiền

Nên nghèo xác xơ…

Tất cả đã làm nên một tuyệt phẩm âm nhạc kết hợp bởi nghệ thuật tinh tế và tâm hồn trong sáng, cái tuyệt nằm ở sự dung dị, đơn giản để tất cả mọi người đều có thể tận hưởng.

Năm 2016, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, dựa theo cuốn truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được công chúng đặc biệt thích thú khi nhạc phẩm Thằng Cuội của cố nhạc sĩ Lê Thương được các nhà làm phim chọn làm nhạc nền với tiếng hát trong sáng của ca sĩ trẻ Ngọc Hiển.

“Chưa thoát tình quê”

Nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác ca khúc Một đàn chim nhỏ năm 1957, dựa vào câu thành ngữ Nói dối như Cuội và bài đồng dao:

Chú cuội ngồi gốc cây đa

Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha còn cắt cỏ trên trời

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên

Ông thời cầm bút cầm nghiên

Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa.

Tuy nhiên ca khúc này đưa đến những cảm xúc chững chạc, không hồn nhiên, ngây ngô như Thằng Cuội của Lê Thương:

Thằng Cuội yêu chị Hằng Nga,

Nói dối ông bà lên sống mặt trăng

Ố tang tình tang, ố tang tình tình…

...Chị Hằng thương Cuội chưa nguôi

Dù sống trên trời chưa thoát tình quê

Ố tang tình tang, ố tang tình tình…

Tội nghiệp nhất là cảnh Cuội đưa chị Hằng đi “tị nạn” vì mặt trăng bị con người “quấy nhiễu”:

Từ ngày có vệ tinh bay

Bay có ba ngày lên tới mặt trăng

Ố tang tình tang, ố tang tình tình…

Cuội đành đem chị Hằng Nga

Tìm xứ xây nhà không biết chỗ đâu?

Ố tang tình tang, ố tang tình tình…

Trước 1975, cả bài hát Thằng Cuội (Lê Thương) lẫn ca khúc Một đàn chim nhỏ (Phạm Duy) thường được ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức biểu diễn vào mỗi dịp Trung thu trên sóng phát thanh cũng như trên màn ảnh nhỏ. “Lò” Việt Nhi là bệ phóng của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Thanh Lan, Kim Loan, Thanh Phong, Bích Thủy, Hồng Điệp, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Quốc Dũng…

Các nghệ sĩ về sau mỗi khi dịp Trung thu về vẫn không quên hát tặng các em nhỏ hai ca khúc này.

Hai bài hát đã trở thành những hồi ức đẹp trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.   

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới