Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch của tập đoàn bất động sản nợ nần lớn nhất Trung Quốc bị quản thúc?

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Evergrande Group, tập đoàn bất động sản nợ nần lớn nhất Trung Quốc, chịu sức ép dồn dập sau khi có thông tin cho biết, tỉ phú Hứa Gia Ấn, chủ tịch của tập đoàn này, đang bị cảnh sát quản thúc. Tương lai của Evergrande bị hoài nghi trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ bán tài sản để trả nợ và giải thể.

Bloomberg đưa tin tỉ phú Hứa Gia Ấn, Chủ tịch của Evergrande Group, đang bị cảnh sát quản thúc. Ảnh: Reuters

Hãng tin Bloomberg hôm 27-9 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, ông Hứa Gia Ấn, người thành lập Evergrande vào năm 1996 ở thành phố Quảng Châu, đã bị cảnh sát áp giải vào đầu tháng này để đưa đến quản thúc tại một địa điểm được chỉ định trước.

Vẫn chưa rõ tại sao người đứng đầu của Evergrande bị quản thúc. Theo các nguồn tin, biện pháp này không phải là hành động giam giữ hoặc bắt giữ chính thức và cũng không có nghĩa là ông Hứa Gia Ấn sẽ bị buộc tội.

Tuy nhiên, ông sẽ không thể rời khỏi địa điểm quản thúc, gặp gỡ hoặc liên lạc với người khác mà không được chấp thuận, theo quy định của luật tố hình sự của Trung Quốc. Quá trình quản thúc sẽ không được vượt quá sáu tháng, và trong thời gian này, hộ chiếu và giấy tùy thân của ông phải giao nộp cho cảnh sát.

Diễn biến trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy Evergrande bước vào một giai đoạn mới liên quan đến hệ thống tư pháp hình sự, sau khi chính quyền hồi đầu tháng này đã bắt giữ một số lãnh đạo ở đơn vị quản lý tài sản của tập đoàn này. Trang tin tài chính Caixin của Trung Quốc cho hay Pan Darong, cựu giám đốc tài chính của Evergrande cũng đã bị tạm giữ gần đây. Trong khi đó, Xia Haijun, cựu CEO của Evergrande bị quản thúc sau khi quay trở về Trung Quốc hồi giữa năm ngoái.

Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Evergrande tăng giá vào sáng 27-9 nhưng sau đó giảm 19%, đóng cửa ở mức 0,32 đô la Hồng Kông sau khi Bloomberg đưa tin về việc ông Hứa Gia Ấn bị quản thúc.

Evergrande là nhà phát triển bất động sản có khoản nợ vào hàng cao nhất thế giới, với tổng nợ lên đến 300 tỉ đô la. Tập đoàn này là trung tâm của cuộc khủng hoảng thanh khoản chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 25% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Từng là nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc, cuộc khủng hoảng tài chính của Evergrande nổi lên vào năm 2021. Kể từ đó, Evergrande cùng một loạt công ty cùng ngành rơi vào tình cảnh vỡ nợ nước ngoài do doanh số bán nhà trì trệ và không còn nhiều sự lựa chọn huy động vốn.

Thông tin ông Hứa Gia Ấn bị quản thúc xuất hiện khi kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài, yếu tố then chốt cho triển vọng tồn tại của Evergrande, có vẻ sẽ thất bại và rủi ro thanh lý tài sản của tập đoàn này ngày càng tăng.

Evergrande đang trong quá trình tìm kiếm sự chấp thuận của các chủ nợ để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài trị giá 31,7 tỉ đô la.

Hồi tháng 3, Evergrande đề xuất nhiều phương án khác nhau cho các chủ nợ nước ngoài, bao gồm việc hoán đổi một số khoản nợ của họ thành trái phiếu mới có kỳ hạn từ 10-12 năm.

Hôm 26-9,  Reuters đưa tin, một nhóm chủ nợ lớn ở nước ngoài của Evergrande đang chuẩn bị gửi đơn kiện lên tòa án, yêu cầu tập đoàn thanh lý tài sản nếu không nộp kế hoạch mới để tái cấu trúc nợ vào thời hạn cuối tháng 10.

Evergrande buộc phải đưa ra kế hoạch tái cấu trúc mới sau khi gây chấn động vào hôm 24-9 với thông báo rằng, tập đoàn không thể phát hành trái phiếu mới như một phần trong đề xuất tái cơ cấu nợ trước đây do cuộc điều tra pháp lý nhằm vào Hengda Real Estate, công ty con hàng đầu của Evergrande ở Trung Quốc.

Trong bản công bố thông tin hôm 25-9, Hengda xác nhận công ty đã không trả được gốc và lãi của lộ trái phiếu trị giá 4 tỉ nhân dân tệ (547 triệu đô la) đáo hạn vào cùng ngày.

Sự can thiệp của chính phủ để hỗ trợ Evergrande và sự hỗ trợ thanh khoản bên ngoài là khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.

Thanh lý tài sản là một khả năng có thể xảy ra nhưng cũng có thể là trường hợp xấu nhất đối với Evergrande vì công ty sẽ không còn tồn tại và khoản nợ của công ty sẽ giảm xuống zero, kèm theo những hậu quả lớn cho các chủ nợ.

Mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đang thảo luận sôi nổi về số phận của Evergrande.

“Không thể phát hành trái phiếu đồng nghĩa với việc không còn khả năng tài chính, giống như không có đạn để chiến đấu”, Zhou Si, một người dùng có 810.000 người theo dõi trên Weibo, viết hôm 26-9.

“Nếu không cơ cấu được các khoản nợ, kết cục duy nhất đối với nhà sáng lập Hứa Gia Ấn là phá sản”,  Xiaomi, một cư dân mạng khác, bình luận.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới