Thứ Năm, 3/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch TPHCM: Tránh lặp lại kịch bản tăng trưởng thấp của quí 1-2023

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một số chuyên gia lo ngại tăng trưởng kinh tế quí 1-2024 của TPHCM dễ lặp lại kịch bản tiêu cực như cùng kỳ năm ngoái (ở mức 0,7%). Do vậy, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý, cần phân tích có hay không khả năng này và tập trung các giải pháp để đảm bảo không diễn ra kịch bản đó.

Thông tin trên được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do UBND TPHCM tổ chức ngày 6-1. Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở ngành thảo luận về các vấn đề như giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch, tiến độ triển khai lập quy hoạch chung và quy hoạch Thành phố chưa đảm bảo; công tác cải cách hành chính còn một số hạn chế, cần chỉ rõ trách nhiệm, điểm nghẽn và tập trung cụ thể hóa nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi mở đầu Hội nghị vào sáng ngày 6-1-2024. Ảnh: Hùng Lê

Kinh tế quí 1 “chạm đáy” sẽ vất vả để kéo lên

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh chỉ tiêu tăng trưởng 7,5-8% năm nay được xác định là cao và thách thức. Vì vậy, cần tập trung thảo luận, đề ra phương án hiệu quả để đạt được mục tiêu trên.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng lưu ý, có ý kiến chuyên gia lo ngại về việc kinh tế quí 1 năm nay của TPHCM sẽ lặp lại kịch bản tăng trưởng yếu của cùng kỳ năm ngoái.

So với cùng kỳ năm trước, quí 1-2023 thành phố chỉ tăng trưởng 0,7% là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả này cũng đưa thành phố vào danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Do đó, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu các sở ngành, đơn vị phải nỗ lực, triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay từ đầu năm.

Theo ông Phan Văn Mãi, sở ngành, đơn vị phải nỗ lực từ đầu năm, không để tăng trưởng giảm như quí 1 năm ngoái sẽ ảnh hưởng kết quả chung của cả năm.

“Quí 1 tăng trưởng thấp nên cả năm ngoái kéo lên rất vất vả. Dù các quí sau tăng trưởng tốt nhưng cả năm thành phố chỉ đạt 5,81% trong khi chỉ tiêu của năm 2023 là 7,5-8%”, Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Do vậy, ông Phan Văn Mãi yêu cầu cần có giải pháp để không lặp lại kịch bản này cho quí 1 năm nay. Hội nghị cần phân tích có hay không khả năng này và tập trung các giải pháp quyết liệt để đảm bảo không diễn ra kịch bản đó.

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: SGGP Online

Người đứng đầu chính quyền thành phố chỉ ra những điểm hạn chế năm 2023 cần khắc phục trong trong năm 2024. Đó là tiến độ giải quyết công việc theo yêu cầu vẫn còn chậm, công tác phối hợp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, còn tâm lý chờ đợi sự chỉ đạo ở trên…

Mặt khác, theo ông Mãi, sự phối hợp của các sở ngành trong tham mưu cho UBND thành phố vẫn còn tình trạng văn bản “chạy qua chạy lại”. Khi gặp vấn đề các cơ quan, đơn vị phải bàn tới bàn lui và cần sự chỉ đạo của lãnh đạo để triển khai mà chưa chủ động nghiên cứu để đề xuất các phương án tham mưu…

“Đây sẽ là những vấn đề trọng tâm cần giải quyết để siết chặt kỷ cương trong năm 2024”, ông Mãi nhấn mạnh.

Thách thức với mục tiêu tăng trưởng 7,5 – 8%

Tham luận tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng quí 1 năm ngoái tăng trưởng của TPHCM “rơi tự do” vì thời điểm đó tình hình thế giới bất ổn, trong nước chấn chỉnh thị trường bất động sản khiến đầu tư công bị nghẽn…

Tuy nhiên, đầu năm nay, các yếu tố này đã được cải thiện. Chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra rằng, một số điểm tích cực mở đầu năm nay có thể kể đến như ngay trong tháng 1, giải ngân đầu tư công đã được thúc đẩy. Đến nay, thành phố đã bơm ra thị trường khoảng 6.000 tỉ đồng, trong khi năm ngoái giải ngân vốn đầu tư công cả quí 1 ước chỉ 952 tỉ đồng, đạt 2,2% tổng vốn được giao.

Ông Trần Du Lịch tham luận tại Hội nghị. Ảnh: SGGP Online

Đáng chú ý, theo ông Lịch, thị trường bất động sản hiện chỉ đóng băng ở nhóm đầu cơ, trong khi nhu cầu mua nhà ở vẫn tăng và nguồn cung vẫn đang thiếu…

Với phân tích trên, ông Lịch cho rằng, tăng trưởng quí 1 năm nay khó có thể lặp lại kịch bản tiêu cực như cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thành phố đề ra mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2024 từ 7,5 – 8%, là thách thức rất lớn.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, ông Lịch đề xuất thành phố cần tháo gỡ sớm những khó khăn, tồn tại hiện nay. Đơn cử như những nội dung phân cấp, phân quyền cho thành phố cần được hoàn thiện rõ ràng, cụ thể, chậm nhất đến nửa năm nay.

Năm 2023, TPHCM tăng trưởng 5,81%, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Những dự án cũ cần được Chính phủ tháo gỡ để thành phố có cơ hội làm những dự án mới. TPHCM có nguồn lực rất lớn, trong đó có lực lượng doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, TPHCM có thể tổ chức lực lượng này để cùng với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM tạo thành 2 công cụ dẫn dắt đầu tư, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng.

Đóng góp thêm về giải pháp phát triển kinh tế – xã hội thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều khó khăn thì “chúng ta phải tự cứu mình”. Theo đó, ông kiến nghị thành phố cần giải phóng nguồn lực đất đai, kéo giảm giá đất vì đây là yếu tố đầu vào của toàn bộ nền sản xuất. Ông Hòa cho rằng thành phố cần ra quyết định nhanh và giải phóng dứt điểm các điểm nghẽn, các thủ tục…

Chủ tịch HUBA kiến nghị TPHCM tập trung 3 nhóm vấn đề chính. Trước hết phải giải phóng các nguồn lực đang có; quan tâm tiếp tục khơi thông nhu cầu từ nước ngoài thông qua mở ra các thị trường mới, thị trường ngách, chuyển đổi xanh. Đồng thời, tiếp tục các giải pháp kích cầu trong nước, tăng khả năng hấp thụ vốn.

Đánh giá đầu tư công vẫn là cứu cánh quan trọng cho nền kinh tế, ông Hòa đề nghị đẩy mạnh các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự thầu, vay vốn kích cầu. Cùng với đó, tận dụng thời cơ để đón dòng chuyển vốn từ các nước.

Tương tự, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, năm 2024, sở này tiếp tục phối hợp để phát triển công nghệ, chuyển đổi xanh, thực hiện các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, phát huy các đơn hàng có sẵn.

Sở cũng thực hiện thúc đẩy thị trường tiêu dùng trong nước, phát huy các hoạt động để chuẩn bị các chương trình xúc tiến ở các thị trường ngách, các chương trình khuyến mại. Đặc biệt, tiếp tục đầu tư phát triển các hoạt động logistics, phát huy thực hiện chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo an sinh xã hội.

Trong khi đó, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5 – 8%, việc thúc đẩy đầu tư công, thu hút vốn, hỗ trợ đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, bà đề xuất tiếp tục quán triệt, nâng cao năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND các địa phương, phát huy vai trò của các tổ công tác…

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: SGGP Online

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, cho rằng năm 2024 khó khăn sẽ nhiều hơn nhưng thách thức cũng đan xen với cơ hội. Ông đề nghị các cơ quan, đơn vị cần năm bắt cơ hội Nghị quyết 98 mang lại cho thành phố.

Đó là kích cầu tiêu dùng thị trường bất động sản để lan tỏa vào nền kinh tế, theo sát đầu tư công, ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, du lịch… Ông Nên lưu ý cần đổi mới, thích ứng với tình hình mới; đừng có chăm bẵm vào những cách làm truyền thống.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định, nhiệm vụ năm 2024 không nhẹ hơn năm 2023, TPHCM vẫn đang lên dốc, đi trong cơn gió ngược, lội dòng nước ngược. Do vậy, người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu các cấp, các ngành đưa các nghị quyết của Trung ương, của thành phố đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tránh hình thức, không né tránh, đùn đẩy nhằm đưa kinh tế thành phố trở lại đà tăng trưởng.

Năm 2024, TPHCM xác định chủ đề “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98”. Thành phố xây dựng 18 chỉ tiêu chủ yếu và được phân chia thành 5 nhóm kinh tế, xã hội, đô thị, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh.

Về chỉ tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 – 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; Phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỉ đồng; khách quốc tế đạt khoảng 6 triệu lượt; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn; trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới