Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo những thách thức kinh tế trong năm mới

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân và doanh nghiệp sẵn sàng đương đầu nhiều thách thức kinh tế hơn trong năm mới trong bối cảnh một loạt chỉ số kinh tế yếu ớt làm nổi rõ các cơn gió ngược mà nền kinh tế lớn thứ hai đang đối mặt.

Một năm 2023 tăng trưởng đầy biến động

“Trên con đường phía trước, mưa gió là chuyện bình thường. Một số doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực kinh doanh, một số người người dân đang gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm và trong cuộc sống hàng ngày”, ông Tập Cận Bình Tập nói trong thông điệp năm mới đêm 31-12.

Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết những lo ngại về việc làm cũng như chi phí sinh hoạt. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế đối với các ưu tiên chính trị của đất nước. Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm quốc 75 Quốc khánh, vì vậy ông lưu ý, Trung Quốc phải “tăng cường hơn nữa niềm tin vào sự phát triển và nâng cao sức sống kinh tế”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu thông điệp năm mới 2024 vào đêm 31-12. Ảnh: CCTV

Nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vài giờ sau khi Bắc Kinh công bố dữ liệu cho thấy dấu hiệu về tình trạng yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Điều này có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện các bước đi táo bạo hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.

Các cuộc khảo sát chính thức được công bố hôm 31-12 cho thấy, hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc giảm sâu hơn trong tháng 12, do lượng đơn đặt hàng trong và ngoài nước suy yếu. Đồng thời, lĩnh vực dịch vụ gặp khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Hoạt động xây dựng hoạt động tốt hơn nhờ chính phủ thúc đẩy đầu tư hạ tầng, nhưng nhìn chung, các số liệu mới nhất cho thấy một kết thúc năm 2023 ảm đạm đối với nền kinh tế. Điều này thể hiện thông qua một loạt dữ liệu đáng thất vọng về chỉ số giá tiêu dùng, doanh số bán lẻ và đầu tư khu vực tư nhân.

Sau một năm tăng trưởng đầy biến động, giới lãnh đạo Trung Quốc đã phát  tín hiệu rằng, nền kinh tế sẽ nhận được hỗ trợ hơn. Trong đó, đáng chú ý là những cam kết mới về kích thích tài khóa và chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào thời gian tới.

Khó khăn vẫn còn ở phía trước

Trong những ngày vừa qua, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã công bố kế hoạch giảm lãi suất tiền gửi tiền gửi, mở đường cho khả năng giảm lãi suất cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

“Sẽ là một năm chật vật tiếp theo cho nền kinh tế Trung Quốc”, Rory Green, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của  GlobalData, nói khi đề cập đến triển vọng của Trung Quốc trong năm 2024.

“Tăng trưởng sẽ không sụp đổ nhưng cũng sẽ không tăng tốc trở lại”, Công ty nghiên cứu và tư vấn vĩ mô TSLombard, dự đoán trong một báo cáo về kinh tế Trung Quốc.

Mới đây, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng của quốc gia này đối với lĩnh vực sản xuất giảm xuống 49 điểm trong tháng 12 (từ mức 49,4 điểm trong tháng 11). Đây là kết quả đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này giảm xuống dưới 50.

Đơn đặt hàng mới trong và ngoài nước ngày càng suy giảm, trong khi thước đo về nhu cầu tuyển dụng nhân công mới của các công ty giảm xuống 47,9 điểm, từ mức 48,1 của tháng 11. Điều này cho thấy khu vực nhà máy của Trung Quốc đang gặp khó khăn do nền kinh tế toàn cầu chậm lại cũng như chi tiêu ảm đạm ở trong nước. Thực tế, chỉ số hoạt động tương tự trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc không thay đổi ở mức 49,3 điểm do người tiêu dùng vẫn chi tiêu thận trọng trước các lo lắng về việc làm và thị trường bất động sản.

Cơn bùng nổ tiêu dùng được mong đợi ở Trung Quốc trong năm nay chưa bao giờ thực sự diễn ra. Tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực bất động sản, có thể thấy rõ qua hàng loạt khu căn hộ chưa hoàn thiện và các nhà phát triển gặp khó khăn tài chính, đã khiến các hộ gia đình tìm cách tiết kiệm. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại khi nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng phương Tây suy giảm ở thời kỳ hậu đại dịch đại dịch.

Thị trường bất động sản vẫn của Trung Quốc vẫn trong tình trạng suy thoái. Theo dữ liệu riêng do Tập đoàn Thông tin bất động sản Trung Quốc (CRIC ) mới công bố, doanh số bán nhà mới trong tháng 12 của các nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc giảm 35% so với cùng kỳ. Tính tổng trong năm 2023, doanh số của họ đạt 760 tỉ đô la Mỹ, giảm 16% so với năm trước và chưa bằng một nửa số mức của năm 2021.

Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023, tốt hơn so với năm 2022 nhưng chậm hơn tốc độ tăng trưởng thường thấy trong những năm trước Covid-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, về mức 4,6% vào năm 2024.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã chọn một cách tiếp cận kích thích từng phần, với việc giảm lãi suất ở mức khiêm tốn, nới lỏng các hạn chế đối mua bất động sản ở một số thành phố lớn và các biện pháp nhỏ khác để tạo nền tảng cho tăng trưởng. Cách tiếp cận này phản ánh sự cảnh giác của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với các chính sách kích thích quy mô lớn kể từ sau khi gói giải cứu năm 2008 gây ra bong bóng bất động sản.

Trong bài phát biểu trước thềm năm mới, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Ông cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề việc làm của thanh niên cũng như lo ngại về chi phí nuôi dạy trẻ em và chăm sóc người già.

“Mọi người đều rất bận rộn và áp lực trong công việc và sinh hoạt là rất lớn. Chúng ta cần tạo ra một bầu không khí xã hội ấm áp, hài hòa và tạo ra các điều kiện sống tiện lợi và thoải mái”, ông nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới