Thứ tư, 7/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân

Phúc Minh

Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân
Ông Chu Vĩnh Khang trong phiên xử tại tòa án thành phố Thiên Tân. Ảnh: CCTV

(TBKTSG Online) - Sau phiên xử kín, ngày 11-6,  tòa án trung cấp số 1 thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) kết án tù chung thân đối với cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang với các tội danh nhận hối lộ, làm lộ bí mật quốc gia và lạm dụng quyền lực. Theo đó, ông Chu Vĩnh Khang sẽ bị tước vĩnh viễn quyền tham gia chính trị và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, ông Chu Vĩnh Khang cũng bị tố đã nghe lén điện thoại của các lãnh đạo trung ương Trung Quốc.

Phần tuyên án được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV truyền đi long trọng.

Bị cáo Chu Vĩnh Khang tóc bạc trắng, khác hoàn toàn với lúc ông bị bắt, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ mùa thu năm 2013, nói trước tòa ông hối hận đã gây hại cho Đảng và thừa nhận toàn bộ cáo buộc mà không kháng cáo.

Reuters cho hay theo một nguồn tin mật, lực lượng giám sát ông Chu là các binh sĩ quân đội thay vì lực lượng công an, đơn vị mà ông này từng giữ vai trò chỉ huy.

Lãnh đạo cao cấp nhất bị xử trong vài chục năm qua

Ông Chu bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Sau 9 tháng bị điều tra, đến tháng 4-2015, ông Chu chính thức bị khởi tố và đưa ra xét xử ngày 22-5.

Như vậy, ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, trở thành lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc bị điều tra, xét xử tội tham nhũng kể từ những năm 1980. Vụ án Chu Vĩnh Khang là vụ án tham nhũng lớn nhất trong 70 năm thành lập nước CHDCND Trung Hoa.

Tội của ông Chu chồng chất suốt nhiều thập niên kể từ khi ông giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, Bộ trưởng Công an và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sự thăng tiến của ông Chu gắn liền với ngành công nghiệp dầu mỏ hái ra tiền, nổi tiếng với các khoản hối lộ hậu hĩnh. Vụ án Chu Vĩnh Khang cho thấy quan hệ mờ ám giữa các thế lực cầm quyền với các tập đoàn kinh tế lớn. 

Ông Chu đặc biệt bị cáo buộc đã nhận khoảng 731.000 nhân dân tệ từ ông Tương Khiết Mẫn - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC). Tuy nhiên, số tiền nói trên không đáng kể so với khoản 130 triệu nhân dân tệ tiền biển thủ vào túi con trai ông Chu là Chu Bân và vợ ông Chu là bà Giả Hiểu Diệp.

Loại trừ tham nhũng từ “ruồi” đến “hổ”

Quyết định điều tra “con hổ” Chu Vĩnh Khang chứng minh lời cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm loại trừ nạn tham nhũng ra khỏi bộ máy lãnh đạo từ cấp thấp nhất đến cao nhất. Vụ án của ông Chu là tín hiệu mà ông Tập muốn gửi đến toàn bộ thành viên Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị rằng dù họ có nghỉ hưu, họ vẫn nằm trong tầm ngắm bị điều tra.

Tuy nhiên, ngược với phiên tòa xử cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, phiên tòa xử ông Chu diễn ra hết sức kín đáo. Không có bất cứ thông tin nào lọt ra bên ngoài trước khi bản án được tuyên ngày 11-6. Theo một số nhà bình luận, đây là minh họa rõ ràng nhất cho “sự mờ tối của hệ thống tư pháp Trung Quốc”.

Đọc thêm:

>> “Mức độ tham nhũng của Chu Vĩnh Khang vượt xa Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu”

>> Trung Quốc sẽ xét xử công khai ông Chu Vĩnh Khang

>> Hồ sơ Chu Vĩnh Khang

>> Chu Bân bị bắt cùng ngày chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới