Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chùa Cầu, Olympic Paris 2024 và chuyện xử lý khủng hoảng truyền thông

Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lâu nay, khi nhắc đến khủng hoảng truyền thông nhiều người thường có nghĩ, chỉ doanh nghiệp mới gặp tình huống khó xử. Tuy nhiên, câu chuyện trùng tu Chùa Cầu ở Hội An, Olympic Paris 2024 tại Pháp, cho thấy chính quyền cũng có thể bị khủng hoảng truyền thông.

Khủng hoảng truyền thông là một sự kiện bất ngờ xảy ra với những thông tin tiêu cực lan tỏa rộng rãi trên nhiều kênh khác nhau. Qua đó, ảnh hưởng đến danh tiếng, hình ảnh thương hiệu, doanh thu của doanh nghiệp.

Xét trong bối cảnh câu chuyện trùng tu Chùa Cầu, một di tích lịch sử ở Hội An, Quảng Nam và Thế vận hội mùa hè - Olympic Paris 2024 tại Pháp cho thấy không chỉ doanh nghiệp mà cả chính quyền cũng có thể bị khủng hoảng truyền thông.

Chi 20 tỉ đồng để trùng tu, kết quả mà chính quyền Hội An, Quảng Nam nhận về trước lúc khánh thành là màu sơn mới của di tích hơn 400 tuổi này làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn đã khiến chùa Cầu "bớt cổ kính" và lạ lẫm hơn so với trước đây.

Diễn biến tiếp theo là dù đã giải thích nhưng thành phố Hội An vẫn quyết định sơn lại Chùa Cầu cho "cũ" hơn; sau đó lại thay đổi, cho biết sẽ giữ nguyên màu sắc chính của di tích, chỉ xử lý lại một số chi tiết nhỏ ở đà gỗ và dầm trắng dưới lan can chùa Cầu. Một số tờ báo dùng từ “chiều lòng dư luận" để mô tả động thái này(1).

Thực ra, đây là một cách giải quyết khủng hoảng truyền thông của chính quyền Hội An bằng việc dập tắt nơi phát sinh “đám cháy", “xoá đi" những chất liệu tạo nên khủng hoảng truyền thông. Tương tự, câu chuyện xử lý khủng hoảng truyền thông của người Pháp tại Olympic Paris 2024 cũng như vậy.

Hình ảnh trong buổi lễ khai mạc đã tạo ra những tranh cãi, nói đúng hơn là hàng loạt “lời chê" từ báo chí quốc tế. Ở khía cạnh truyền thông cho sự kiện này, người đứng đầu nước Pháp đã lên mạng xã hội X cho rằng "Đây là nước Pháp!" (This is France!), với ẩn ý là Olympic 2024 diễn ra ở nước Pháp và người Pháp muốn tổ chức lễ khai mạc theo “phong cách Pháp". Song, ngay dưới câu này của của Tổng thống Pháp là nhiều bình luận thất vọng, thậm chí có người kêu gọi tẩy chay thế vận hội.

Cuối cùng, để khủng hoảng truyền thông không lan ra, người Pháp quyết định xóa video về lễ khai mạc Olympic Paris 2024 và cùng với đó là lời xin lỗi từ ban tổ chức(2). Sau động thái này, khủng hoảng truyền thông có vẻ đã được giải quyết. Tuy nhiên, người Pháp lại tiếp tục nhận những bình luận tiêu cực từ các vận động viên vì cho tổ chức ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ) trên sông Seine vốn bị ô nhiễm nặng.

Mặc dù trước đó người Pháp đã chi ra một số tiền rất lớn, khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ, để xử lý ô nhiễm sông Seine nhằm phục vụ cho thế vận hội nhưng những cơn mưa trước ngày diễn ra cuộc thi đã làm cho bao nhiêu tiền của trôi ra biển còn ô nhiễm vẫn ở mức báo động. Song, người Pháp vẫn giữ quan điểm tổ chức ba môn phối hợp trên sông Seine và thêm một lần nữa, lại phải đối diện với khủng hoảng truyền thông(3).

Lần này, vẫn chưa biết câu chuyện sẽ đi đến đâu nhưng sau khi kết thúc Olympic 2024, hình ảnh về nước Pháp có thể sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Sông Seine, một biểu tượng về du lịch có thêm một “gam màu tối" trong suy nghĩ của du khách.

Từ câu chuyện khủng hoảng truyền thông nói trên, hy vọng các địa phương có thể hình dung ra những kịch bản tương tự, cũng như chuẩn bị những phương án xử lý trong tương lai. Vì nếu nhìn vào những hoạt động về trùng tu di tích, hoạt động thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời ở Việt Nam - vốn được tổ chức rất nhiều trong những năm qua - không ai dám chắc là không có những khủng hoảng truyền thông xảy ra.

Doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương, không ai muốn xảy ra khủng hoảng truyền thông nhưng nếu xảy ra thì xử lý như thế nào là rất quan trọng. Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất (dù không mong muốn) cho một hoạt động, sự kiện nào đó cũng là một cách để xây dựng/bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, của địa phương.

---------------

(1) https://dantri.com.vn/du-lich/thanh-pho-hoi-an-chieu-du-luan-son-lai-chua-cau-cho-cu-20240731093913893.htm

(2) https://vnexpress.net/ban-to-chuc-olympic-paris-xin-loi-vi-le-khai-mac-4774984.html

(3) https://tuoitre.vn/vdv-3-mon-phoi-hop-cua-bi-nhap-vien-sau-khi-boi-o-song-seine-20240805094448809.htm

(4) https://thanhnien.vn/vi-sao-hoi-an-quyet-dinh-khong-dieu-chinh-lai-mau-son-di-tich-chua-cau-185240730201253744.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì hoàn hảo. Bởi vậy, bất kỳ sự lên tiếng nào của dư luận, tốt hoặc xấu, cũng là chuyện đương nhiên. Có nhiều cách xử lý vấn đề 1. Phớt lờ dư luận, mọi chuyện sẽ qua, 2. Lên tiếng giải trình, không chuyên nghiệp, không chính thống, 3. Giải trình chính thức, có trách nhiệm rõ ràng, 4. Dùng dư luận để phản biện lại dư luận. Tùy tình huống để lựa chọn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới