Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chưa ‘khơi’ được nguồn vật liệu tro xỉ nhiệt điện vì gặp khó ở quyết định 216

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện được cho là nguồn vật liệu thay thế phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án hạ tầng quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh nguồn cát khan hiếm. Tuy nhiên, một lượng lớn tro xỉ vẫn đang “mắc kẹt” vì chưa có hướng dẫn rõ ràng trong quá trình thực hiện, dù được phép sử dụng...

Cần hướng dẫn cụ thể hơn trong quyết định 216 của Bộ Xây dựng để tăng tiêu thụ tro xỉ nhiệt điện than. Ảnh: Trung Chánh

Tro xỉ chờ hướng dẫn để thay thế cát

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cát để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kinh tế nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Tuy nhiên, việc tận dụng nguồn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để thay thế một phần nguồn cát lại gặp không ít khó khăn…

Ông Âu Nguyễn Đình Thảo, Phó giám đốc Công ty nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) cho biết, tổng lượng tro xỉ của Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải đang tồn đọng tại bãi của đơn vị này đến thời điểm hiện nay là hơn 3,9 triệu tấn.

Theo ông, các sản phẩm tro xỉ của đơn vị này đã được Viện khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lấy mẫu thử nghiệm cho kết quả đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, tức đạt tiêu chuẩn sử dụng cho san lấp (theo TCVN 12249:2018) cũng như sử dụng cho bê tông, vữa xây và xi măng (QCVN 16:2023/BXD của Bộ Xây dựng).

Ông Thảo cho biết, sử dụng tro xỉ dùng làm vật liệu san lấp đang gặp khó do quyết định 216/QĐ-BXD ngày 28-3-2019 của Bộ Xây dựng về “Ban hành chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp” có một số điểm chưa hướng dẫn cụ thể. “Việc không hướng dẫn cụ thể phải kiểm soát như thế nào trong quá trình san lấp về kiểm soát phóng xạ khi thi công của quyết định 216 đã gây khó khăn rất nhiều”, ông nói.

Liên quan việc này, tại báo cáo số 183/BC- UBND của UBND tỉnh Trà Vinh về “Tình hình quản lý, tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện của tỉnh Trà Vinh”, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mục 9.3 của quyết định 216 quy định: “yêu cầu kiểm soát các chỉ số hoạt động độ phóng xạ, nồng độ hoạt động phóng xạ và nồng độ khí radon (RA- một loại khí phóng xạ) khi thi công khối san lấp”.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, việc quan trắc độ phóng xạ theo quyết định 216 khi thi công, kiểm tra, nghiệm thu chưa nêu cụ thể "số lần, vị trí lấy mẫu" nên gặp khó khăn trong thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng quy định khi sử dụng tro xỉ để san lấp.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, mục 10 của chỉ dẫn kỹ thuật được ban hành kèm theo quyết định 216 về an toàn lao động và bảo vệ môi trường yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tro xỉ để san lấp phải đảm bảo các yêu cầu, bao gồm "công trình san lấp bằng tro xỉ nhiệt điện phải thoả mãn các điều kiện về môi trường; trước khi san lấp phải tiến hành phân tích nước và phóng xạ của khu vực san lấp và thu thập các tài liêu liên quan; nước rỉ từ khối san lấp trước khi thoát ra môi trường phải đảm bảo yêu cầu đối với tiêu chuẩn nước thải tương ứng…"

Tuy nhiên, yêu cầu nêu trên gây hạn chế cho việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp do yêu cầu này khó thực hiện với những dự án quy mô nhỏ, dẫn đến khó cạnh tranh với các vật liệu san lấp khác.

Từ vấn đề nêu trên, ông Thảo của nhiệt điện Duyên Hải cho biết, đơn vị này đã có kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh và một số đơn vị liên quan đề nghị có hướng dẫn, làm rõ hơn quyết định 216 để có thể phổ biến, sử dụng đại trà tro xỉ làm vật liệu san lấp thay cho cát như hiện nay. “Các tiêu chuẩn hợp chuẩn, hợp quy đã đạt làm vật liệu san lấp, nhưng hướng dẫn sử dụng chưa rõ, thành ra người sử dụng cũng lo”, ông nói.

Chủ đầu tư vẫn ngại trách nhiệm

Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp và có cơ chế ưu tiên sử dụng tro xỉ phát sinh từ nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu san lấp công trình giao thông và công trình xây dựng. Đồng thời, xem xét điều chỉnh quyết định 216 (như nêu ở trên) để tạo điều kiện cho sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp.

Nhà máy nhiệt điện cũng nên có cam kết về chất lượng sản phẩm khi đưa ra san lấp hạ tầng. Ảnh: Trung Chánh

Đứng ở góc độ của doanh nghiệp, ông Trần Phước Lợi, Phó giám đốc Công ty Thuận Hoà TV- đơn vị đã ký hợp đồng mua 1 triệu tấn tro xỉ của Công ty nhiệt điện Duyên Hải cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này chỉ mới tiêu thụ được 20.000 m3 tro xỉ cho một trường dạy lái xe, dù đơn vị này đã làm việc với rất nhiều đối tác ở nhiều địa phương, bao gồm Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, TPHCM, Bạc Liêu…

Theo ông Lợi, dù tro xỉ có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, nhưng khi tiếp cận chủ đầu tư thì họ “lắc đầu” với lý do "xem tro xỉ là chất độc hại, nếu xảy ra hậu quả không mong muốn chủ đầu tư sẽ gánh tất cả...". Vì còn e ngại nên không ai dám thay thế (thay thế từ cát sang dùng tro xỉ)”, việc hồ sơ thiết kế của các dự án quy định sử dụng cát cũng là cái khó cho tro xỉ.

Gần đây có một dự án san lấp khu dân cư tổng hợp ở tỉnh Bạc Liêu, có thể giải quyết xong vấn đề tro xỉ, nhưng khi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, địa phương yêu cầu công ty phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường. “Doanh nghiệp tiêu thụ tro xỉ 1 m3 kiếm được 5.000-10.000 đồng mà kêu cam kết chuyện đó thì rất ngại", ông Lợi nói.

Từ vấn đề nêu trên, vị giám đốc này cho rằng, để việc tiêu thụ tro xỉ thuận lợi, ngoài việc tháo gỡ về chính sách của quyết định 216, thì nhà máy nhiệt điện cũng cần đồng hành về trách nhiệm với doanh nghiệp. Có nghĩa là các bên phải cùng chịu trách nhiệm khi sản phẩm đem đi san lấp thay vì chỉ chịu trách nhiệm khi còn ở trong nhà máy như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới