Chưa sản xuất được methanol, vì sao?
Văn Nam
(TBKTSG Online) – Dù có nhiều than đá và dầu mỏ, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 100% methanol dùng trong công nghiệp. Đã có hai dự án methanol lớn dự định đầu tư tại Việt Nam nhưng chưa triển khai được vì nhiều trở ngại.
Tại hội thảo giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về sử dụng an toàn methanol diễn ra ngày 28-9 tại TPHCM, ông Văn Huy Vương, đại diện Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương, cho biết, cả nước hiện có khoảng 40 doanh nghiệp nhập khẩu methanol từ các nước Brunei, Malaysia, Indonesia với giá 15.000 – 16.000 đồng/lít, với lượng nhập khẩu dao động từ 50.000 đến 90.000 tấn/năm phục vụ cho sản xuất keo dán gỗ, tổng hợp propylene, sản xuất formadehyde …
Thiếu nguyên liệu, giá thành cao
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt năm 2005 thì Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã có chủ trương đầu tư dự án sản xuất methanol công suất 660.000 tấn/năm tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến năm 2010 Công ty Celanese (Mỹ) dự định đầu tư dự án sản xuất methanol công suất 1 triệu tấn/năm tại Việt Nam với vốn khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đến nay cả 2 dự án đều không triển khai được. Nguyên nhân, theo ông Vương, một phần là do các nhà đầu tư không mua được khí đốt và than đá dùng làm nguyên liệu sản xuất methanol vì các tập đoàn than và dầu khí chỉ ưu tiên bán khí và than cho sản xuất điện, không cung cấp cho sản xuất methanol.
Giá thành sản xuất cao là một trở ngại khác. Ông Vương cho biết, Khu công nghiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) hiện đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất methanol quy mô 100.000 – 300.000 tấn/năm sử dụng nguyên liệu tại vỉa than sông Hồng. Tuy nhiên, xung quanh Việt Nam đã có rất nhiều nhà máy sản xuất methanol lớn tại Brunei, Indonesia, Malaysia … thì methanol do Việt Nam sản xuất chắc chắn sẽ không cạnh tranh nổi vì giá methanol nhập khẩu rẻ hơn sản xuất trong nước, ông Vương nói.
Nhu cầu ngày càng tăng
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng methanol sẽ ngày càng tăng vì methanol không chỉ được dùng trong công nghiệp mà có thể pha vào xăng dầu, làm hạ giá thành xăng dầu. Theo tiến sĩ Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu thuộc Đại học Bách khoa TPHCM, nếu có quy chuẩn, được quản lý tốt thì việc pha 3% tỉ lệ methanol vào trong xăng sẽ giúp Việt Nam ổn định hơn được nguồn cung xăng dầu.
Theo ông Gregory Dolan, Giám đốc Viện Methanol (Methanol Institute) của Mỹ, methanol đã được sử dụng làm nhiên liệu nhiên liệu sinh học từ hơn 30 năm qua với sản lượng khoảng 17 triệu tấn mỗi năm. Ở Mỹ và Châu Âu cho phép pha 3% methanol trong xăng (xăng M3), ở Trung Quốc cho phép pha đến 15% trong xăng.
Cục Hóa chất cho biết đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn về tỉ lệ pha trộn methanol trong xăng. Bộ Khoa học và Công nghệ đang soạn thảo để ban hành Quy chuẩn Việt Nam về pha trộn methanol vào xăng. Việt Nam mới chỉ có quy chuẩn về tỉ lệ pha trộn 5% và 10% ethanol để làm xăng sinh học mà chúng ta gọi là xăng E5, E10.
Các nhà khoa học đến từ Viện Methanol Hoa Kỳ cũng cho biết đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy methanol pha trong xăng là nguyên nhân gây ra cháy xe, thậm chí có pha với tỉ lệ đến 50% methanol.