Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chưa vội mừng với tài khoản chứng khoán tăng vọt

Hải Lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Chúng tôi còn hàng trăm ngàn tài khoản chứng khoán chưa thống kê hết và số lượng mở vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đề nghị không nêu tên cho biết. Nguyên nhân chính, theo ông, khi khách hàng mở tài khoản ngân hàng, sẽ tự động có tài khoản giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư không cần bỏ tiền vào tài khoản chứng khoán này. Họ chỉ bỏ tiền vào khi có nhu cầu giao dịch.

Việc kết nối (link) tài khoản ngân hàng với tài khoản chứng khoán ngay lập tức đẩy số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt. Ảnh: THÀNH HOA

Tuần trước Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã thực sự gây “sốc” các chủ thể trên thị trường tài chính khi thông báo trong tháng 5-2022 có 476.455 tài khoản mới của nhà đầu tư được mở, gấp đôi so với tháng trước đó và nâng tổng số tài khoản chứng khoán toàn quốc lên 5.653.695. Căn cứ số liệu trên, khoảng 5,65% dân số Việt Nam đang tham gia thị trường chứng khoán, trong khi mục tiêu mà Bộ Tài chính đặt ra là 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025.

Số liệu được công bố ngay trước phiên Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán gần đây, về mức tăng trưởng quá nóng của VN-Index trong quí 1-2022 và những lo ngại xung quanh việc phát hành cũng như đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Có thể số tài khoản chứng khoán mở mới tạo cảm giác thị trường đang phát triển tốt cho các đại biểu Quốc hội, giới đầu tư. Thực tế có đúng như vậy?

Chỉ có điều số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã không phản ánh đúng thực chất mức độ tham gia giao dịch của nhà đầu tư. Bằng chứng rõ nhất là thanh khoản sàn HOSE và HNX sụt giảm nghiêm trọng.

Tìm hiểu qua công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng thương mại, người viết nhận ra hiện nay một số ngân hàng triển khai gói dịch vụ tổng hợp (package) cho những người muốn mở tài khoản trực tuyến. Khách hàng không cần đến ngân hàng, mà thực hiện mọi động tác qua Internet banking và chỉ cần vài thao tác đã có tài khoản cá nhân. Số tài khoản ngân hàng có thể trùng hợp với số điện thoại di động.

Khi có tài khoản cá nhân, khách hàng đồng thời có tài khoản thẻ (tức mở một thẻ tín dụng nội địa hoặc quốc tế) và tài khoản chứng khoán. Tài khoản chứng khoán được mở và được tính vào số mở mới, nhưng tài khoản có được kích hoạt (tức có hoạt động) hay không lại là chuyện khác.

Việc kết nối (link) tài khoản ngân hàng với tài khoản chứng khoán ngay lập tức đẩy số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt. Cứ đà này đến cuối năm, chúng ta có thể chứng kiến thêm vài triệu tài khoản chứng khoán mở mới.

Bên cạnh đó, kể từ khi chỉ số VN-Index điều chỉnh, một số công ty chứng khoán liên tục hạ phí môi giới nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch. Từ đầu năm, các công ty chứng khoán đã phân ra các gói dịch vụ khác nhau. Chẳng hạn nếu nhà đầu tư giao dịch nhiều (lướt sóng), cần sự hỗ trợ của nhân viên môi giới (bao gồm ứng trước tiền bán để có sức mua, theo dõi thông tin liên quan đến những cổ phiếu trong danh mục, nhận định xu hướng thị trường...), họ sẽ sử dụng gói dịch vụ với phí môi giới 0,15%/lần bán hoặc mua. Trường hợp nhà đầu tư thỉnh thoảng mới giao dịch, tự thực hiện mua bán cổ phiếu, không cần nhân viên môi giới, có thể xài gói dịch vụ với phí môi giới 0,1%/lần. Có công ty chứng khoán áp dụng ngay phí môi giới 0% trong thời gian 6, 12, 24 tháng hoặc dài hơn.

Luật cho phép các nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch khác nhau tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Nhà đầu tư đang giao dịch ở công ty chứng khoán A, chuyển sang công ty chứng khoán B để hưởng phí môi giới thấp hơn, và vẫn duy trì tài khoản ở công ty chứng khoán A dù tài khoản này không hoạt động (tạm thời hoặc vĩnh viễn). Thông qua cách này, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng tăng đột ngột.

Cho đến cuối năm ngoái, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố trên trang web, Việt Nam có 115,2 triệu tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân, và 129,4 triệu thẻ nội địa lẫn quốc tế. Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, tất cả tích hợp vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử trở thành phổ biến, số tài khoản ngân hàng của cá nhân vẫn chưa ngừng tăng. Điều này đến lượt nó sẽ giúp tăng tài khoản chứng khoán mở mới khi tài khoản ngân hàng link với tài khoản chứng khoán.

Chỉ có điều số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã không phản ánh đúng thực chất mức độ tham gia giao dịch của nhà đầu tư. Bằng chứng rõ nhất là thanh khoản sàn HOSE và HNX sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt thanh khoản của VN30 đang rơi về mức thấp báo động so với thanh khoản bình quân của cả năm ngoái và quí 1-2022. Giá trị giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hàng ngày của sàn HOSE hiện tại chưa bằng 50% của quí 1-2022. Dòng tiền vào chứng khoán đang co lại.

Bất chấp sự trấn an, cảnh báo của cơ quan quản lý và sự tăng cường hiện diện của đại diện các quỹ đầu tư trên phương tiện truyền thông, nhận định rằng cổ phiếu Việt Nam đang rẻ với chỉ số P/E thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia..., các nhà đầu tư cá nhân, nhất là các nhà đầu tư F0, đã và đang rút chân khỏi thị trường. Không ít người trong số họ đã phải cắt lỗ và thật khó để thuyết phục họ quay lại giao dịch dưới áp lực lạm phát cả trong nước lẫn quốc tế.

Cũng cần nói thêm rằng chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh trước khi chứng khoán Mỹ, châu Âu giảm điểm khi một vài cá nhân có hành vi thao túng thị trường bị xử lý. Việc xử lý này về lâu dài là tốt cho thị trường, nhưng vấn đề căn cơ nhất của chứng khoán Việt Nam là độ minh bạch chưa cao, trong đó có vấn đề minh bạch thông tin.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới