Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuẩn bị cho tương lai

Mộc Yên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tháng 9 năm ngoái, một vụ cháy thảm khốc diễn ra tại một chung cư mini ở Hà Nội. Tôi ngồi trong căn trọ nhỏ giữa Đà Nẵng đọc tin tức, rớt nước mắt vì những nạn nhân xấu số không thể thoát khỏi ngọn lửa tử thần. Tôi chợt nghĩ đến việc trang bị những đồ bảo hộ cần thiết nhằm phòng cháy. Ví như quần áo chống nóng chịu nhiệt tráng bạc, mặt nạ phòng độc chống khói, thang dây… Chuẩn bị cho tương lai là việc không bao giờ thừa. Chủ nhà trọ của tôi cũng tự động gắn thiết bị báo cháy và cung cấp bình xịt chữa cháy cho mỗi phòng.

Người dân tại phố Bảo Linh và Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm bì bõm lội nước, di chuyển tài sản cá nhân khỏi nhà giữa cơn mưa.

Tháng 9 năm nay, bão Yagi ập vào miền Bắc nước ta. Sau đó, liên tiếp xảy ra sạt lở, lũ quét, sập cầu. Có người nói đùa rằng, trận bão lũ lịch sử năm 2024 đã phá vỡ thế “độc quyền bão lũ” của miền Trung. Chúng ta đâu muốn điều đó xảy ra. Miền Trung quê tôi bao đời sống chung với bão gió, lũ lụt. Tới đứa trẻ con mới lọt lòng đã trải nghiệm qua những trận gió thét gào, mưa gầm rú, nước lồng lộn. Khi theo dõi tình hình cơn bão Yagi, chúng tôi lờ mờ đoán định, hình như mọi người đã quá chủ quan.

Miền Bắc chưa từng có cơn bão lớn nào bao giờ, nên bà con chưa biết cách ứng phó thế nào cho đúng. Cảnh quay chụp từ trên cao nhìn xuống, những căn nhà mái tôn trống trơn không chằng chống. Điều tất yếu xảy ra là sẽ tốc mái, tôn bay theo gió bão. Có nhiều người chọn mở cửa đón gió với mong muốn giảm thiểu tình trạng vỡ cửa kính. Xót xa làm sao hàng loạt cây cối ngã đổ còn nguyên cành nhánh chặn kín các con đường. Và khi có nạn nhân bị thương do mảnh kính rơi vỡ, tôn bay trúng đầu, ta mới đau lòng nhận ra tầm quan trọng của những kinh nghiệm phòng chống bão.

Nếu ở miền Trung, từ khi nghe bản tin dự báo xuất hiện cơn áp thấp ngoài biển Đông, người dân đã sốt sắng chuẩn bị. Cát hoặc nước được cho vào bao, cột chặt đè lên mái tôn. Các mép tôn được buột bằng dây thừng dây thép, ràng níu vào cọc cắm sâu xuống đất. Nhất định phải bịt kín các ô thông gió, khe hở, đóng kỹ cửa sổ. Gia cố cửa kính bằng cách dùng băng dính dán theo hình chữ X hoặc hình lưới. Đóng hoặc cột các tấm ván ép, bạt nhựa cứng ở phía ngoài cửa kính như một “hàng rào bảo vệ” giảm lực gió tác động. Mọi người kê cao đồ đạc, cho giấy tờ quan trọng vào trong túi nilon và cất giữ ở nơi an toàn.

Bên ngoài căn nhà, bà con hối hả chặt tỉa các cành cây. Cây nào quá cao thì thẳng tay cưa ngọn. Cây nào nhỏ yếu thì dùng dây thừng cột níu vào nhau. Ngoài ra, vật gì có thể bị bay do gió bão đều được tháo dỡ đem cất. Ví như bảng hiệu đứng, áp phích quảng cáo, ô dù lớn che nắng… Chuồng trại gia cầm, gia súc được sửa chữa, dẫn các con vật tới nơi đất cao và được che chắn để tránh bão. Nhà nào ở vùng thấp trũng sẽ xin ở nhờ trong những căn nhà cao kiên cố.

Bà con chủ động dự trữ thực phẩm cần thiết, có thể ăn được kể cả khi mất điện như mì gói, lương khô, xúc xích, đồ hộp, bánh, nước đóng chai. Bão thường kéo theo sạt lở, lũ lụt. Rau, cá hay thịt sẽ vô dụng trong điều kiện phải ngồi trên mái nhà tránh nước dâng. Sau siêu bão Yagi vừa rồi, có lẽ mọi người đã hiểu rằng không nên tranh nhau mua đủ thứ đồ tươi chất đầy tủ lạnh.

Thật ra, rất nhiều người cả đời sống với bão lũ ở miền Trung luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm quý giá. Thế nhưng, dường như chưa trải qua cơn thịnh nộ của đất trời thì vẫn chưa biết sợ. Hoặc có thể mọi người không kịp trở tay trước khi tai họa ập đến bất ngờ. Dù chuẩn bị tốt cỡ nào thì vẫn sẽ có những sai số, bất trắc xảy ra. Đó sẽ là bài học xương máu dành cho tất cả chúng ta.

Nhìn cơn bão Yagi và những trận lũ liên tiếp ở các tỉnh miền Bắc, tôi lại rút ra thêm một điều. Mặc dù từ nhỏ tới lớn vượt qua bao cơn bão lũ, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ mua một chiếc áo phao. Miền Trung đang sắp vào mùa bão thường niên, việc đầu tiên tôi làm bây giờ là đặt áo phao cho gia đình. Khi nhắc tới việc chuẩn bị cho tương lai, người ta sẽ nhớ ngay đến kỹ năng làm việc hay giao tiếp, kiến thức hoặc bằng cấp, tiền bạc nói riêng hay tài sản nói chung. Nhưng rốt cuộc, kỹ năng sống mới là quan trọng nhất. Đặc biệt là kỹ năng, kinh nghiệm ứng phó và vượt qua hiểm họa, thiên tai. Bởi vì, chỉ khi nào ta còn sống thì mọi thứ mới còn ý nghĩa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới