(KTSG Online) - Chỉ số VN-Index dịch chuyển trong biên độ hẹp trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục chịu áp lực bán, nhưng tâm lý trở nên tích cực hơn ở phần còn lại của thị trường.
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc xanh với kỳ vọng tiếp tục phục hồi. Đà tăng duy trì phần lớn thời gian giao dịch, nhưng đến cuối phiên lại xuất hiện lực bán khá mạnh, khiến cho thị trường giảm nhẹ.
Kết phiên giao dịch hôm thứ Sáu, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,3%, tương ứng mất 2,9 điểm, về mức 1.179 điểm. Đây cũng được đánh giá là phiên giao dịch cân bằng về số mã tăng và mã giảm, dù thị trường tiếp tục phân hóa ở nhiều nhóm ngành nghề, trong đó nhóm chứng khoán đồng loạt tăng trần phiên liền trước đã phải điều chỉnh giảm.
Tính theo tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa với 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, tương ứng tăng 7,94 điểm, tăng 0,68%. Tuy nhiên, chỉ số VN30-Index lại giảm 0,9%, đồng nghĩa với việc cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục chịu áp lực bán.
Trong tuần qua, các nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên mua ròng, ngược lại nhóm tổ chức trong nước, tự doanh và nước ngoài lại bán ròng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tuần thứ hai liên tiếp, với giá trị tiếp tục ở mức trên 1.000 tỉ đồng trên sàn HOSE.
Xét về ngành, dòng tiền chủ yếu phân bổ tăng vào nhóm bất động sản, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu, giảm ở nhóm ngân hàng, dầu khí, bán lẻ. Còn xét về nhóm vốn hóa thì dòng tiền tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, ngược lại giảm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 20,54% toàn thị trường, mức cao nhất trong 8 tuần liên tiếp và là nhóm có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng mạnh nhất tuần, đứng đầu các ngành, theo thống kê của Fiintrade.
Tuần qua cũng là tuần biến động đối với các cổ phiếu bất động sản, bắt đầu từ phiên thứ 2 giảm mạnh do tác động của tin đồn liên quan đến nhóm Vingroup, sau đó lại phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, tính theo tuần thì chỉ số nhóm bất động sản cũng không tăng mạnh vì nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn không tăng theo.
Thanh khoản giao dịch trong tuần này có cải thiện. Theo đó, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 11.534 tỉ đồng, tăng 3,2% so với tuần trước đó, tuy nhiên vẫn giảm 16,3% so với mức trung bình 5 tuần và 39,6% trung bình 20 tuần trước.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán MBS, thị trường chứng khoán trong nước đang coi trọng yếu tố cơ bản khi các doanh nghiệp đang báo kết quả kinh doanh quí 2 và mạch thông tin trong nước không gặp yếu tố bất lợi.
“Thanh khoản tuần này đã tăng so với mức bình quân tuần trước và cũng đạt mức cao nhất trong 3 tuần vừa qua khi chỉ số VN-Index ngày càng củng cố vùng đáy”, báo cáo của MBS nhận định.
Bên cạnh đó, dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt là điểm nhấn ở tuần này, từ nhóm cổ phiếu ngân hàng sang cổ phiếu chứng khoán và dòng tiền chốt tuần ở nhóm cổ phiếu thép. Thị trường đang có sự phân hóa tích cực, nhà đầu tư đang quan tâm đến cơ hội ở các nhóm cổ phiếu hơn là tham chiếu theo chỉ số thị trường.
Theo Mirae Asset, điểm số kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số VN-Index tiếp tục được giữ nguyên sau tuần phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam cũng như nhiều chỉ số chính trên thế giới dường như đều đang trong xu hướng tiêu cực trong trung hạn.