(KTSG Online) - Sau phiên giảm mạnh hồi đầu tuần, thị trường chứng khoán nỗ lực phục hồi trong 4 phiên liên tiếp. Dù điểm số tăng lên giúp thu hẹp mức giảm kể từ đầu tháng 4, nhưng tâm lý thị trường vẫn lo ngại vì thanh khoản ở mức thấp.
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4 mở đầu bằng một phiên “thứ 2 đen tối” khi chỉ số VN-Index có lúc “đánh rơi” hơn 80 điểm, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, thị trường sau đó có sự hồi phục nhẹ khi cuối phiên chỉ giảm gần 70 điểm.
Sau phiên giao dịch với hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ “nằm sàn” trên, thị trường đã hồi phục trong 4 phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index lấy lại hơn 56 điểm, chốt phiên tại mức 1.366,8 điểm. Như vậy, chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam chỉ giảm 12,4 điểm, tương ứng khoảng 0,9% so với tuần trước đó.
“Sau chuỗi giảm mạnh 8 phiên liên tiếp, VN-Index đã có nhịp hồi phục liên tiếp 4 phiên, giúp xu hướng ngắn hạn giảm bớt tiêu cực. Tuy nhiên đợt hồi phục hiện tại đang thiếu sự ủng hộ của thanh khoản”, báo cáo của Mirae Asset nhận định.
Tính chung, khối lượng khớp lệnh bình quân trong 4 phiên hồi phục chỉ ở dưới 15.000 tỉ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức bình quân trước đó.
Xét về dòng tiền, khối ngoại có tuần giao dịch tích cực khi mua ròng hơn 800 tỉ đồng trên cả 2 sàn. Ở chiều mua ròng, các mã NLG, DGC và VNM là những cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, phía ngược lại thì VHM lại bị bán ra nhiều nhất.
Mặc dù những phiên cuối tuần hồi phục khá tốt nhưng nếu so theo tháng, chỉ số VN-Index đã giảm 125,35 điểm, tức giảm 8,4% nếu so với tháng 3. Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3-2020, tức thời điểm mà dịch Covid-19 vừa mới bùng phát, theo báo cáo của FiinTrade.
Ghi nhận cũng cho thấy toàn bộ các ngành giảm điểm trong tháng 4, trong khi nhóm giảm mạnh nhất là dầu khí (giảm gần 21%), Xây dựng và vật liệu (gần 20%) và Dịch vụ tài chính (giảm hơn 18%).
Sự phục hồi của thị trường cũng có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành và thậm chí là từng cổ phiếu trong ngành. Theo báo cáo của FiinTrade, dòng tiền trong tháng 4 nhìn chung của cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 tăng mạnh, giảm vào nhóm vốn hóa vừa VNMID và nhỏ.
Tuy nhiên, tỉ trọng của nhóm vốn hóa vừa vẫn cao hơn nhóm vốn hóa lớn. Tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm Ngân hàng, Bán lẻ, Công nghệ thông tin, giảm vào nhóm Tài nguyên cơ bản, Xây dựng và vật liệu, Dầu khí.
Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường đi kèm theo cũng giảm mạnh, với mức giảm 27% so với tháng trước đó và giảm 21% so với mức trung bình 5 tháng.
Thanh khoản thấp cũng là mối lo ngại của các nhà đầu tư, khi tâm lý thị trường vẫn tỏ vẻ dè dặt dù điểm số phục hồi là khá tốt.
Theo Công ty chứng khoán SSI, trong trường hợp tích cực, chỉ số VN-Index có thể tiếp đà hồi phục lên vùng 1.377-1.380 điểm. “Tuy nhiên, với xu hướng giảm trung hạn đang được duy trì, kết hợp với câu chuyện FED tăng lãi suất ngay tuần đầu tiên của tháng 5, VN-Index có thể đối mặt với rủi ro điều chỉnh”, báo cáo của SSI nhận định.