(KTSG) - Không ít dự báo cho rằng chứng khoán đang bước vào một xu hướng tăng mới, vì vậy những đợt điều chỉnh cũng có thể là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, trước những thông tin xấu gần đây, có lẽ các nhà đầu tư cần quan sát thêm những hệ quả và rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra.
- Tiếp tục điều chỉnh: chứng khoán đang chịu những áp lực nào?
- Chứng khoán cuối năm điều chỉnh đến khi nào?
Tín hiệu xấu?
Phiên giao dịch cuối tuần trước (17-11-2023), chỉ số VN-Index giảm 24 điểm, tương đương giảm hơn 2,1%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ chuỗi phục hồi bắt đầu từ ngày 1-11-2023. Đi cùng với đó là thanh khoản tăng vọt, với lượng cổ phiếu trao tay chỉ riêng trên sàn HOSE đạt hơn 1,17 tỉ cổ phiếu, gần gấp đôi khối lượng giao dịch của phiên trước đó. Điều này cho thấy bên bán quyết thoát hàng bằng mọi giá.
Một số ý kiến cho rằng sau chuỗi tăng khá nhanh và mạnh chỉ trong nửa đầu tháng 11, việc thị trường điều chỉnh là tất yếu.
Tuy nhiên, cũng trong ngày này, trên các hội nhóm đầu tư đã lan truyền thông tin về việc một công ty luật tại Mỹ vừa công bố một cuộc điều tra về việc liệu VinFast và một số giám đốc điều hành hàng đầu của công ty có đưa ra những tuyên bố sai trái và/hoặc gây hiểu nhầm hay không tiết lộ những thông tin quan trọng cho nhà đầu tư hay không? Dù việc kiện tụng như thế này tại Mỹ, nếu xảy ra, là chuyện bình thường với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng rõ ràng tin tức trên cũng đã tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư.
Trong phiên ngày 17-11, cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup đã giảm hơn 6,4% với khối lượng giao dịch cũng tăng vọt lên hơn 11,57 triệu cổ phiếu, gấp hơn 4,9 lần khối lượng giao dịch của ngày trước đó. Tương tự, cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng giảm gần 5,4% với khối lượng khớp lệnh lên đến 16,3 triệu cổ phiếu, gấp ba lần khối lượng ngày hôm trước.
Đáng lưu ý là trong hai ngày cuối tuần, ngày 18 và 19-11, truyền thông đồng loạt đăng tải các thông tin về kết luận điều tra vụ án bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó xác định những thiệt hại nặng nề liên quan đến Ngân hàng SCB. Không loại trừ khả năng một số nhà đầu tư tay to đã biết trước thông tin này và nhanh chóng thoát hàng trong phiên giao dịch 17-11, khiến thị trường càng chịu áp lực giảm mạnh.
Việc một số cổ phiếu ngân hàng cũng đã giảm mạnh trong phiên 17-11 có thể là dấu hiệu cho thấy một số nhà đầu tư lo ngại những ảnh hưởng của SCB đến hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Cụ thể, trong tốp 10 cổ phiếu đóng góp mức giảm lớn nhất vào VN-Index trong phiên ngày 17-11, cổ phiếu VCB của Vietcombank đóng góp lớn nhất với mức giảm 3,3 điểm. Ngoài ra còn có cổ phiếu VPB của VPBank - 1,2 điểm, BID của BIDV - 1,1 điểm, CTG của VietinBank - 0,7 điểm.
Cần quan sát thêm phản ứng của thị trường
Nhiều nhà đầu tư tin rằng trước nhiều thông tin xấu được công bố vào cuối tuần, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng mạnh và tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần này (20-11-2023). Trên thực tế, VN-Index cũng đã chìm sâu ngay từ đầu phiên, khi giảm đến 11 điểm ngay sau phiên ATO (xác định giá mở cửa) và có lúc lao dốc đến 16 điểm trong buổi sáng. Tuy nhiên, thị trường sau đó đã diễn biến khá bất ngờ khi bật trở lại càng về cuối phiên, để đảo chiều đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng gần 2,5 điểm.
Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô trong nước đang tiếp tục cải thiện, các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sớm giảm lãi suất trở lại, có lý do để nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hưởng lợi trong thời gian tới.
Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang tiếp tục cải thiện, từ hoạt động thương mại với kim ngạch xuất nhập khẩu đang dần phục hồi trở lại theo số lượng đơn hàng của các đối tác thương mại; vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tích cực; cộng thêm các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn định hướng nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng; các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sớm giảm lãi suất trở lại, có lý do để các nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hưởng lợi trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến sẽ được vận hành từ tháng 12-2023, cho phép các nhà đầu tư giao dịch T+0, vay mượn cổ phiếu và thực thi bán khống nhằm bảo vệ danh mục hoặc tìm kiếm lợi nhuận khi cổ phiếu có định giá quá cao, sẽ không chỉ giúp tăng thanh khoản cho thị trường mà còn giúp các nhà đầu tư phân tán rủi ro. Do đó, không ít dự báo cho rằng chứng khoán đang bước vào một xu hướng tăng mới, vì vậy những đợt điều chỉnh cũng có thể là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Trong khi đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, diễn ra hôm 14-11-2023, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm đặc biệt tới khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhấn mạnh: ‘’Với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong triển khai giải pháp tháo gỡ các vấn đề về công tác nâng hạng thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Dù vậy, trước những thông tin xấu liên quan đến SCB và những thiệt hại của ngân hàng này vẫn đang thu hút sự chú ý, có lẽ các nhà đầu tư cần quan sát thêm những hệ quả và rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra. Nhìn lại thời điểm hơn một năm trước, sau thông tin SCB được đặt dưới kiểm soát đặc biệt, các thị trường tiền tệ và ngoại hối đã chịu những ảnh hưởng tiêu cực, thể hiện qua tỷ giá và lãi suất không ngừng leo thang tại thời điểm đó.
Với những thiệt hại về tài chính mà SCB đang phải gánh chịu, có lý do để lo ngại mặt bằng lãi suất có thể chịu tác động xấu và đảo chiều đi lên trở lại, nhất là khi nhiều ý kiến cũng cho rằng mặt bằng lãi suất huy động vốn gần đây dường như đã chạm đáy. Trong một kịch bản không mong đợi như vậy, đặc biệt khi nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức và hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chìm trong khó khăn, có lẽ chứng khoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.