(KTSG Online) - Trong tháng 10, lạm phát của Mỹ đã dịu lại nhiều hơn so với dự báo, mở ra hy vọng xung lực tăng giá cả nhanh nhất trong nhiều thập niên đang suy yếu, tạo điều kiện cho các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kìm hãm tốc độ tăng lãi suất. Đón nhận tin vui, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2020.
- Kiểm soát lạm phát có thể gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2023
- Lạm phát cao ngăn Mỹ can thiệp để ‘ghìm’ sức mạnh đồng đô la
Trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,7% so với một năm trước đó, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 10-11.
Dù mức tăng đó vẫn còn cao nhưng đã giảm từ 8,2% trong tháng 9 và thấp hơn so với ước tính của các nhà phân tích là 8%. Đây cũng là mức tăng CPI hàng năm thấp nhất kể từ tháng 1.
CPI cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng và được coi là một chỉ báo tốt hơn về lạm phát, đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lùi lại so với mức tăng hàng năm cao nhất trong 40 năm vào tháng 9.
Giá dịch vụ chăm sóc y tế và xe cũ giảm, giúp CPI cốt lõi hạ nhiệt. Trong khi đó, chí phí nhà ở cao hơn đóng góp hơn một nửa mức tăng của CPI tổng thể.
“Tôi nghĩ rằng các yếu tố cơ bản của báo cáo CPI thực sự tốt. Có một số bằng chứng cho thấy chúng ta đang bước xuống từ đỉnh lạm phát nhưng điểm mà chúng ta đến vẫn là một câu hỏi lớn”, Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Deutsche Bank AG, cho biết.
Trong khi CPI cốt lõi giảm tốc là một tin đáng khích lệ, lạm phát vẫn còn ở mức quá cao, khó có thể mang lại sự yên tâm cho Fed. Trong tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng các quan chức Fed cần phải nhìn thấy một mô hình nhất quán cho thấy lạm phát hàng tháng yếu hơn. Ông báo hiệu lãi suất trong chu kỳ siết chặt tiền tệ hiện tại sẽ đạt đỉnh cao hơn so với mức mà nhà hoạch định chính sách đã hình dung trước đây.
Giờ đây, thị trường dự đoán Fed sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12, thay vì 75 điểm cơ bản và các nhà đầu tư cũng kỳ vọng mức lãi suất đỉnh sẽ dưới 5% trong năm tới. Các hợp đồng tương lai về lãi suất của Fed đang định giá 85% xác suất Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 14-12.
Hôm qua, hai quan chức của Fed cho rằng có cơ sở để Fed điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất. Patrick Harker, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Philadelphia, nói rằng ông hy vọng Fed sẽ “làm chậm tốc độ tăng lãi suất”. Lorie Logan, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Dallas, cho biết báo cáo CPI mang lại sự nhẹ nhõm “nhưng vẫn còn một đường dài phía trước”.
Anna Wong, nhà kinh tế Bloomberg Economics, nói: “Báo cáo CPI lõi tháng 10 với mức tăng dịu lại cung cấp cho Fed một biện minh mạnh mẽ để làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai”.
Lạm phát cao liên tục gây sức ép lên các hộ gia đình ở Mỹ và nền kinh tế rộng lớn hơn. Giá cả cao làm bào mòn các mức tăng lương, dẫn đến nhiều người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao hoặc phải sử dụng tiền tiết kiệm và thẻ tín dụng để trang trải chi phí sinh hoạt.
Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ hôm 10-11 cho thấy lạm phát cao đã làm suy giảm sức mua của người lao động như thế nào.
Trong tháng 10, thu nhập trung bình thực tế theo giờ của người lao động giảm 2,8% so với một năm trước đó. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, tiền lương hàng năm đã giảm mỗi tháng kể từ tháng 4-2021.
Fed phát động chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 1980 nhưng thị trường lao động và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn chưa thể hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng. Tuy nhiên, thị trường nhà đất đã nhanh chóng suy yếu trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp tăng vọt.
Tăng trưởng CPI dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm tới dù một số nhà kinh tế dự báo con đường để quay trở lại mục tiêu lạm phát 2% của Fed sẽ phải trải qua suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Trong phần lớn thời gian của năm 2022, dữ liệu về CPI là tin xấu đối với thị trường. Lạm phát đã tăng dai dẳng hơn sự dự đoán của nhiều nhà kinh tế. Điều đó đã buộc Fed phải tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, khiến lợi suất trái phiếu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm và thị trường chứng khoán lao dốc.
Tin tức lạm phát tăng chậm lại đã giúp trút bỏ áp lực đối với Phố Wall. Với kỳ vọng Fed sẽ sớm kìm hãm đà tăng lãi suất, hôm 10-11, giới đầu tư đã ồ ạt mua cổ phiếu, đẩy chỉ số Dow Jones tăng 1.203 điểm, tương đương 3,7%. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 5,5% và hơn 7,3%. Điều đó đã đánh dấu mức tăng điểm lớn nhất đối với chỉ số Dow Jones và cũng là mức tăng phần trăm lớn nhất đối với S&P và Nasdaq Composite kể từ mùa xuân năm 2020.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới ngưỡng 4%, còn khoảng 3,82%. Hướng đi của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ảnh hưởng đến lãi suất cho vay thế chấp cũng như lãi suất đối với một số khoản vay tiêu dùng và kinh doanh khác.
Theo Bloomberg, CNN