Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán – những ngành vẫn chật vật

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vẫn có một số nhóm ngành khá “chật vật” trong thời gian qua, khi tăng trưởng chậm hoặc thậm chí sụt giảm so với đầu năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến cơ hội cho dòng tiền có thể tìm đến các nhóm ngành này trong bối cảnh một số nhóm ngành khác đã có định giá cao sau những tháng liên tục đi lên gần đây.

Cổ phiếu ngân hàng - nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quí 1-2024, với mức tăng hơn 19%.

Những ngành dẫn đầu

Chỉ số VN-Index kết thúc tháng 3-2024 với mức tăng 2,5%, theo đó nâng mức tăng so với đầu năm nay lên 13,6%. Nếu so với mức tăng chỉ 5,7% của cùng kỳ quí 1-2023, có thể thấy VN-Index đã có màn trình diễn tích cực như thế nào trong ba tháng qua. Còn nếu tính từ mức đáy gần nhất ở 1.020 điểm vào đầu tháng 11-2023, VN-Index đã tăng gần 26% kể từ đó đến nay.

Dù có những thời điểm đối mặt với một số diễn biến/thông tin tiêu cực, từ xu hướng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng mạnh từ đầu năm và động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại, thị trường vàng tăng nóng, áp lực chốt lời gia tăng tại những vùng kháng cự…, nhưng có thể thấy trong môi trường lãi suất thấp và liên tục đi xuống, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư thu hút và đón nhận dòng vốn từ kênh tiết kiệm dần chuyển dịch sang.

Cùng với sự đi lên mạnh mẽ của thị trường chung trong những tháng qua, hầu hết nhóm ngành có xu hướng tăng trưởng tích cực. Trong đó, đầu tàu mạnh mẽ nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng hơn 19% trong quí 1, nhờ vào kết quả kinh doanh năm 2023 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách chia cổ tức hấp dẫn trong năm nay. Với môi trường lãi suất thấp, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng bớt rủi ro hơn.

cổ phiếu Nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, với mức sụt giảm hơn 6% kể từ đầu năm đến nay, có cơ hội thu hút dòng tiền trong thời gian tới, khi các chính sách miễn thị thực để thu hút khách nước ngoài sẽ được đẩy mạnh, cộng thêm mùa cao điểm du lịch sắp tới.

Nhóm chứng khoán đạt mức tăng trưởng tương tự, 19,5% trong quí 1, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán duy trì xu hướng đi lên tích cực mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Ngoài ra, có thể kể đến các nhóm cổ phiếu sản xuất nhựa - hóa chất tăng gần 35%; nhóm công nghệ và thông tin tăng hơn 21%; nhóm sản phẩm cao su tăng 20%; nhóm chế biến thủy sản tăng 19,5%; nhóm bán lẻ tăng hơn 18%; nhóm sản xuất hàng gia dụng tăng gần 17%.

Trong tình hình nền kinh tế còn không ít khó khăn, đây là những nhóm ngành duy trì được kết quả kinh doanh tích cực, khi vẫn có thể hưởng lợi trước xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế như nhóm công nghệ thông tin, sự phục hồi của hoạt động thương mại như nhóm chế biến thủy sản, hoặc được lợi từ giá sản phẩm tăng cao trên thị trường thế giới.

Ngoài những nhóm ngành kể trên, phần lớn cổ phiếu các nhóm ngành khác đạt mức tăng trưởng 7-10% trong ba tháng vừa qua, khi hưởng lợi theo xu hướng chung của thị trường với thanh khoản cũng cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước, cho thấy dòng tiền đang luân chuyển sôi động và linh hoạt hơn trên thị trường chứng khoán.

Những nhóm ngành chật vật

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, với mức sụt giảm hơn 6% kể từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thời gian qua, thu nhập người lao động bị ảnh hưởng do mất việc làm, giảm thu nhập, đã phần nào tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành này. Tuy nhiên, ngành này có cơ hội thu hút dòng tiền trong thời gian tới, khi các chính sách miễn thị thực để thu hút khách nước ngoài sẽ được đẩy mạnh, cộng thêm mùa cao điểm du lịch sắp tới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quí 1-2024 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm cổ phiếu thực phẩm - đồ uống cũng chịu ảnh hưởng bởi sức cầu tiêu dùng yếu do kinh tế khó khăn, nên cũng chỉ tăng thấp 3,5% từ đầu năm đến nay. Trong đó, một số cổ phiếu tiêu biểu như cổ phiếu SBC của Sabeco giảm 7,8%, cổ phiếu VNM của Vinamilk sau đợt tăng ngắn ngủi giữa tháng 2 thì hiện đang ghi nhận mức tăng chỉ hơn 1% so với đầu năm, cổ phiếu KDC của Kinh Đô gần như đi ngang, chỉ riêng cổ phiếu MSN của Masan là tăng xấp xỉ 10%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản dù đón nhận nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian qua, nhưng cũng chỉ tăng hơn 5%. Hạn chế của nhóm doanh nghiệp bất động sản là tiêu thụ sản phẩm vẫn rất khó khăn, rủi ro pháp lý ở các dự án hiện hữu, cũng như áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn trong năm nay tại nhiều doanh nghiệp bất động sản - mang đến thách thức tìm kiếm nguồn vốn tái tài trợ cho các trái phiếu đến hạn.

Dù vậy, gần đây nhiều ngân hàng triển khai các chương trình lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà, nếu có thể thu hút người vay cũng có thể hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản đang trên đà phục hồi, có sự cải thiện về dòng tiền. Về cơ bản, cổ phiếu bất động sản thường thu hút dòng tiền đầu cơ mạnh mẽ, do đó không loại trừ khả năng nhóm này sẽ có sóng đón đầu xu thế phục hồi của thị trường bất động sản.

Do chịu tác động tiêu cực từ ngành bất động sản, nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng cũng có diễn biến không mấy khả quan trong thời gian qua, thuộc nhóm có hiệu suất thấp trên thị trường kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, nếu thị trường bất động sản phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới, cũng như các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh tiến độ, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng cũng có cơ hội thu hút dòng tiền trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới