(KTSG) - Giữa lúc thị trường đang băng băng đi lên, tâm thế các nhà đầu tư đang hào hứng, có lẽ cũng là lúc cần đánh giá cẩn trọng hơn về xu thế của thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn.
- Chứng khoán tăng mạnh dù lợi nhuận quí 2 chưa mấy khởi sắc
- Chứng khoán Việt Nam tìm lại đà tăng trưởng
Tăng mạnh
Sau khi có phiên lao dốc mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 8-2023, với chỉ số VN-Index giảm 13 điểm so với mức mở cửa đầu ngày, cộng thêm khối lượng giao dịch tăng vọt lên hơn 1,2 tỉ cổ phiếu, kéo theo nỗi lo phân phối, những tưởng thị trường sẽ bắt đầu bước vào đợt điều chỉnh nhưng những phiên tăng mạnh vào cuối tuần trước kéo sang đầu tuần này đã khiến không ít nhà đầu tư sớm hào hứng trở lại.
Cụ thể, chỉ trong vòng hai phiên ngày 4-8 và 7-8, chỉ số VN-Index đã tăng mạnh thêm 15 điểm mỗi phiên, lên mức cao nhất trong gần 11 tháng qua. Cùng với đó là thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao, cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển mạnh mẽ trong thị trường. Nếu tính từ cuối tháng 4 đến nay, VN-Index đã tăng hơn 20%, là một trong những thị trường chứng khoán duy trì đà tăng tốt nhất trên thế giới.
Chính sách tiền tệ đảo chiều sang nới lỏng trở lại với lãi suất liên tục được kéo giảm, cùng với chính sách tài khóa được thúc đẩy mở rộng mạnh mẽ hơn đang là chất xúc tác quan trọng hỗ trợ cho xu hướng đi lên của thị trường trong thời gian qua. Gần đây, lại tiếp tục có những dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới, trong khi lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang được điều chỉnh giảm gần đây, ngay cả ở nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh vốn đã niêm yết lãi suất rất thấp.
Ở chính sách tài khóa, các dự án lớn đang được Chính phủ yêu cầu phải thúc đẩy nhanh hơn, bao gồm 25 dự án trọng điểm quốc gia với 75 dự án thành phần. Mới đây nhất, chủ đầu tư siêu dự án sân bay Long Thành công bố liên danh Vietur là nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công cho gói thầu số 5.10 - gói thầu lớn nhất của dự án với quy mô 35.233 tỉ đồng. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp kéo giá cổ phiếu nhóm ngành đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng trong những tuần gần đây.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng thu hút dòng tiền quay trở lại và chứng kiến không ít mã tăng vọt trong những ngày qua, khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra hôm 3-8. Một số dự án gần đây của các tập đoàn lớn đã bước đầu được tháo gỡ vấn đề pháp lý và được cho phép chào bán trở lại, giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn về triển vọng phục hồi của nhóm này trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, xu hướng giá dầu tăng trở lại hay nguy cơ khủng hoảng lương thực đang manh nha xuất hiện khi một số quốc gia hạn chế xuất khẩu gạo và tăng cường tích trữ trở thành động lực kéo giá cổ phiếu nhóm dầu khí và lương thực, thực phẩm đi lên mạnh mẽ trong những tuần qua. Có thể nói, trong bối cảnh thị trường chung đang hào hứng, một số nhóm ngành đang vượt trội và là tâm điểm của dòng tiền nhờ có câu chuyện riêng dẫn dắt.
Không loại trừ khả năng các nhà đầu tư tay to đang tìm cách kéo giữ chỉ số chung để thoát bớt hàng và chốt lợi nhuận.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Nếu như nhóm ngân hàng dù đối mặt với không ít khó khăn và thách thức từ cuối năm ngoái đến nay nhưng báo cáo quí 2 vừa qua vẫn cho thấy là nhóm có lợi nhuận tăng trưởng ổn định và tích cực, thì nhóm chứng khoán đang hưởng lợi lớn từ xu hướng đi lên mạnh mẽ của thị trường trong những tháng qua.
Trên thị trường quốc tế, các chỉ số chứng khoán vẫn lầm lũi đi lên bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tiếp tục tăng lãi suất gần đây. Do đó, câu chuyện thắt chặt tiền tệ không còn là mối lo ngại chính ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, thậm chí nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi xem khi nào lãi suất sẽ giảm trở lại. Như chỉ số Dow Jones đã tiếp tục tăng 4,5% trong vòng một tháng qua, trong đó riêng phiên ngày 7-8 tăng hơn 400 điểm.
Và rủi ro trước kháng cự
Dù vậy, giữa lúc thị trường đang băng băng đi lên, tâm thế các nhà đầu tư đang hào hứng, có lẽ cũng là lúc cần đánh giá cẩn trọng hơn về xu thế của thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn.
Một trong những tín hiệu đáng lo ngại là những phiên gần đây, sau khi có dấu hiệu bứt tốc trong giai đoạn đầu phiên, thị trường thường có dấu hiệu đuối sức về cuối phiên, tuy nhiên điểm số trong phiên ATC lại bất ngờ được kéo lên mạnh nhờ các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thanh khoản tăng mạnh và duy trì cao hơn ở mức bình quân 20 phiên gần nhất cũng mang đến lo ngại thị trường đang trong giai đoạn phân phối, theo đó không loại trừ khả năng các nhà đầu tư tay to đang tìm cách kéo giữ chỉ số chung để thoát bớt hàng và chốt lợi nhuận.
Những khoảng trống (gap) về điểm số của VN-Index nói chung và nhiều cổ phiếu nói riêng xuất hiện với tần suất cao hơn cũng có thể mang lại những lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đã tăng một quãng khá dài suốt những tháng qua. Khoảng trống giá lớn xuất hiện ngày 31-7 và sau đó thị trường điều chỉnh trong vòng ba ngày để lấp lại khoảng trống này. Lần gần nhất lại xuất hiện khoảng trống giá là vào ngày 7-8. Cần lưu ý khoảng trống giá suy kiệt thường xuất hiện ở cuối một xu hướng tăng hoặc giảm, báo hiệu sự kết thúc của xu hướng hiện tại và bắt đầu một xu hướng mới. Khoảng trống giá suy kiệt thường đi kèm với khối lượng giao dịch lớn.
Trong khi đó, đã xuất hiện không ít dự báo cho rằng thị trường có thể đối mặt với rủi ro nhiều hơn từ nửa cuối tháng 8, khi sắp tới là vùng trũng thông tin còn chỉ số VN-Index đang đến gần ngưỡng kháng cự mạnh. Như báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8.
Tuy nhiên, về trung hạn, công ty chứng khoán này vẫn lạc quan về xu hướng thị trường bởi ba lý do. Một là, lộ trình tăng lãi suất của Fed đã đi đến giai đoạn cuối; hai là, Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy thị trường bất động sản và ba là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa sau năm 2023.
Ngược lại, vẫn có những dự báo cho rằng VN-Index sẽ chinh phục thành công mốc 1.300 điểm ngay trong quí 3 này, khi dòng tiền từ kênh tiết kiệm tiếp tục dịch chuyển sang chứng khoán và kỳ vọng về một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của NHNN dâng cao. Mới đây nhất, các chuyên gia của ngân hàng HSBC dự báo NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong quí 3-2023, đưa lãi suất điều hành về 4%.
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, vùng kháng cự gần nhất của VN-Index nằm quanh 1.280 điểm, tương ứng với đường biên trên của kênh xu hướng tăng kéo dài từ giữa tháng 11 đến nay. Đây cũng là điểm Fibo 0.618 kéo từ đỉnh 1.530 điểm đạt được vào đầu tháng 4-2022 xuống mức đáy 874 điểm vào giữa tháng 11-2022, có thể xem là một vùng kháng cự mạnh. Dĩ nhiên không loại trừ khả năng chỉ số có thể tạo ra sự phá vỡ giả khi vượt qua vùng kháng cự này để tiến gần mốc 1.300 điểm trong thời gian tới, nhưng có thể thấy rủi ro phía trước đang lớn dần.
Khó hay dễ, chủ yếu từ nhà đầu tư mà ra. Nếu xem CK là kênh đầu tư dài hạn thì mọi việc sẽ ổn. Nếu xem CK là cơ hội lướt sóng thì mọi thứ sẽ tiếp tục bất ổn. Tuy nhiên, bất ổn là thuộc tính riêng có của CK ngày xưa và cả hôm nay. Không có bất ổn thì không phải là CK. Nhưng kỹ năng sống chung với bất ổn thì không phải là đức tính hàng đầu của nhà đầu tư CK VN.