(KTSG) - Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong đợt điều chỉnh trước nhiều sức ép trong giai đoạn vùng trũng thông tin. Dù vậy, thị trường có thể sẽ sớm tìm được điểm cân bằng khi bức tranh lợi nhuận quí 4-2024 của các doanh nghiệp niêm yết đang dần hé lộ với sự khởi sắc.
- Thị trường chứng khoán chờ đợi chính sách của chính quyền ông Donald Trump
- Chứng khoán ngắt đà giảm, VN-Index tăng hơn 5 điểm phiên đầu tuần
Phân hóa dòng tiền
Thứ Sáu tuần trước (ngày 10-1-2025), chỉ số VN-Index tiếp tục rớt mạnh 16 điểm, nâng mức giảm so với cuối năm 2024 lên 37 điểm, tương đương giảm gần 3%. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp thị trường chứng khoán (TTCK) đi xuống. Thanh khoản khá ảm đạm nhưng lại gia tăng trong các phiên sụt giảm, cho thấy lực cung vẫn đang mạnh trước kỳ nghỉ Tết dài ngày sắp đến. Xu hướng giảm diễn ra đều ở các nhóm cổ phiếu, từ nhóm blue-chip, midcap đến smallcap.
Dưới góc độ kỹ thuật, các chuyên gia phân tích cho rằng chỉ số VN-Index đã xác nhận mô hình hai đỉnh ngắn hạn, sau khi tiếp tục thất bại ở vùng 1.280 điểm. Trước tình hình này, đã có một số dự báo cho rằng VN-Index có thể rớt về tận vùng 1.200 điểm trong đợt điều chỉnh này. Báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán BSC nhận định, trong những phiên giao dịch tới, chỉ số có khả năng tiếp tục giảm xuống vùng hỗ trợ 1.210-1.220 điểm hoặc xa hơn là 1.200-1.205 điểm.
TTCK Việt Nam cũng chịu tác động tiêu cực từ diễn biến của TTCK thế giới. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã trải qua hai tuần đầu năm giảm liên tiếp, khi các số liệu việc làm vừa được công bố nóng hơn dự báo càng củng cố cho khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất chậm lại. Lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump vào ngày 20-1 tới và sau đó là cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong năm 2025 diễn ra vào ngày 29-1 cũng khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn.
Sức ép bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa chấm dứt. Sau khi bán ròng hơn 93.000 tỉ đồng trên toàn thị trường trong năm 2024, đánh dấu năm bán ròng kỷ lục từ trước đến nay, khối ngoại tiếp tục có đến bảy phiên bán ròng trong tám phiên giao dịch đầu năm nay, với tổng giá trị hơn 2.600 tỉ đồng. Nỗi lo ngại thường trực về rủi ro tỷ giá vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực lên chiến lược giao dịch của khối ngoại.
Chỉ số USD Index gần đây đã quay lại đỉnh cũ ở mốc 109 điểm và có thể còn tiếp tục đi lên khi Fed đã phát tín hiệu làm chậm lại lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025. Giới phân tích đánh giá rủi ro tỷ giá vẫn là mối lo ngại lớn trong năm 2025. Đơn cử như Công ty Chứng khoán MBS cho rằng những bất ổn liên quan đến (thể chế) “Trump 2.0” có thế dẫn đến việc gia tăng giá trị của đô la Mỹ, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá trong nước. Còn các chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng do nhiều đồng tiền châu Á có sự dịch chuyển tương đương với nhân dân tệ, nên nếu nhân dân tệ yếu đi thì các đồng tiền châu Á nhiều khả năng cũng biến động tương tự, trong đó có tiền đồng của Việt Nam.
Ngược lại, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán sau khi có hai phiên giao dịch đầu năm bán ròng mạnh tương ứng 775 tỉ đồng và 971 tỉ đồng, thì từ ngày 6-1 đến 13-1 đã có 5/6 phiên mua ròng trở lại, với tổng giá trị mua ròng gần 1.364 tỉ đồng. Có thể thấy dòng tiền đã có sự phân hóa qua các phiên giảm mạnh gần đây, trong khi khối ngoại vẫn liên tục bán ròng, nhóm tự doanh đã tận dụng cơ hội để mua vào, tạo thành lực đỡ hỗ trợ thị trường.
Lợi nhuận quí 4-2024 khởi sắc
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ sớm tìm được điểm cân bằng, với một trong những yếu tố hỗ trợ quan trọng là bức tranh lợi nhuận quí 4-2024 của các doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, lợi nhuận toàn thị trường trong quí 4-2024 có thể ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, đạt 25% so với cùng kỳ năm 2023, mức cao nhất kể từ quí 2-2022, do được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất đang trên đà phục hồi. Theo đó, lợi nhuận cả năm 2024 có thể tăng 18% so với năm 2023, đảo chiều từ mức giảm 4% của năm 2023 so với năm 2022, đánh dấu một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng bắt đầu.
Trong đó, nhóm ngân hàng - với tỷ trọng vốn hóa lớn nhất và là lực kéo quan trọng của thị trường, có thể tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, từ đó cũng giúp kìm hãm đà sụt giảm của thị trường. Báo cáo sơ bộ cho thấy lợi nhuận của các ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cuối năm.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Vietcombank trong năm 2024 đạt hơn 41.000 tỉ đồng, với các chỉ số sinh lời NIM, ROA, ROE lần lượt là 3,04%; 1,7%; 18,5%, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng tín dụng ở mức cao gần 14%, trong đó bán buôn và bán lẻ tăng tương ứng 15% và 12% so với năm 2023. Mặt bằng lãi suất đầu vào đi xuống và ổn định ở mức thấp cũng giúp ngân hàng này tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào so với năm trước.
Ba ngân hàng còn lại thuộc nhóm Big4 cũng báo lãi kỷ lục, với BIDV có LNTT riêng ngân hàng đạt 30.600 tỉ đồng, tăng 12,4% so với năm 2023; VietinBank công bố đã đạt và vượt kế hoạch LNTT đề ra ở 26.300 tỉ đồng; Agribank công bố LNTT tăng 8% so với năm 2023, ước đạt 27.567 tỉ đồng. Như vậy, tính riêng bốn ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, tổng LNTT đã lên đến gần 88.600 tỉ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Quân đội báo lãi trước thuế năm 2024 có thể đạt 27.600 tỉ đồng, tăng 12%, nhờ vào quy mô kinh doanh tăng mạnh với dư nợ tín dụng tăng 25% và huy động vốn tăng 19%. Tương tự, LPBank đạt 12.168 tỉ đồng lãi trước thuế, tăng vọt 73% so với năm 2023 và vượt 16% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Các ngân hàng như Sacombank và TPBank dự kiến cũng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, với mức tăng trưởng so với năm 2023 đều trên mốc 30%.
Còn theo dữ liệu cập nhật từ FinnTrade, tính đến đầu tuần này, trong số 20 doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quí 4-2024, bao gồm 4/27 ngân hàng và 19 doanh nghiệp phi tài chính, hầu hết đều hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Trong đó, một số doanh nghiệp tăng rất mạnh như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (DBC) lãi gần 700 tỉ đồng trong năm 2024, tăng gần 3 lần so với năm 2023; Dệt may Vinatex (VGT) lãi 592 tỉ đồng, tăng 50%; Dệt may Hòa Thọ (HTG) lãi 338 tỉ đồng, tăng 98%; Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET) lãi 218 tỉ đồng, tăng 57%...
Một thông tin khác hỗ trợ thị trường là mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó yêu cầu phấn đấu nâng hạng TTCK Việt Nam ngay trong năm 2025. Mục tiêu này được cho là khả thi, khi hầu hết nhận định của các công ty chứng khoán thời gian qua đều cho rằng TTCK Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9 năm nay.