Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán – tiền trở lại với VN 30?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dường như một nhịp tăng mới đã hình thành như bài viết Chứng khoán - nhịp tăng mới có sớm quay trở lại?(*) đã chỉ ra...

Bất chấp thông tin sốc về việc một số quan chức và cựu quan chức lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, hai sở giao dịch chứng khoán... bị xử lý kỷ luật, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bật lại mạnh mẽ ngay sau đó trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 và tiếp nối đà đi lên tích cực trong phiên giao dịch đầu tuần này.

Bất ngờ tăng mạnh

Những tưởng thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước sẽ tiếp tục giảm mạnh trước thông tin xấu nói trên, khi trước đó cũng đã chịu áp lực không nhỏ từ việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị bắt, nhưng các chỉ số chứng khoán lại bất ngờ tăng mạnh ngay phiên giao dịch sau đó vào cuối tuần qua, cũng là phiên mở màn của tháng 4, với chỉ số VN-Index tăng đến 24 điểm, tương đương 1,6%, trong khi chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,1%. Đứng trước mức tăng mạnh bất ngờ của thị trường trong ngày 1-4, một số nhà đầu tư thậm chí còn nghi ngại về “trò đùa ngày cá tháng Tư” của thị trường.

Với việc bứt phá mạnh mẽ như thế, chỉ số VN-Index không chỉ đã vượt qua vùng kháng cự tâm lý ở 1.500 điểm, mà còn thoát khỏi đường kháng cự là cạnh trên của mẫu hình tam giác, xác nhận cho một sóng tăng mới, theo phân tích kỹ thuật.

Chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sau giai đoạn đi ngang những tháng vừa qua đã xuất hiện tín hiệu tăng trở lại, thì chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhỏ và siêu nhỏ lại xuất hiện tín hiệu điều chỉnh.

Diễn biến tích cực tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch đầu tuần này (4-4), khi VN-Index mở cửa đầu ngày ở 1.530 điểm, tức tăng gần 14 điểm so với mức tham chiếu, đồng thời tạo một khoảng trống (gap) khá lớn so với giá đóng cửa của phiên cuối tuần trước đó.

Dù về cuối phiên mức tăng có bị thu hẹp lại về mặt điểm số, cũng như không loại trừ khả năng VN-Index có thể quay về lấp gap trong những phiên tới, nhưng rõ ràng sức bật tích cực ngay phiên đầu tuần này đang giúp nhà đầu tư tiếp tục lạc quan hơn và kỳ vọng kỷ lục cũ ở 1.536 điểm đạt được vào ngày 10-1 năm nay sẽ sớm bị phá vỡ.

Việc xử lý những hành vi thao túng thị trường chứng khoán của các lãnh đạo doanh nghiệp, hay sự điều hành yếu kém của một số quan chức thuộc các cơ quan quản lý chứng khoán, một mặt có thể tác động tiêu cực tới tâm lý một bộ phận nhà đầu tư, nhưng đối với nhiều người động thái này là cần thiết để giúp cho thị trường minh bạch hơn và phát triền bền vững hơn về dài hạn, do đó chưa hẳn đã là tin xấu đối với thị trường.

Tiền dịch chuyển

Đi cùng với xu hướng tăng đang quay trở lại, một điểm đáng lưu ý khác là dòng tiền có sự dịch chuyển về lại nhóm cổ phiếu cơ bản, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc chỉ số VN 30. Thống kê cho thấy trong phiên giao dịch ngày 1-4, trong khi chỉ số VN-Index tăng 24 điểm, chỉ số VN 30 thậm chí còn có màn trình diễn tỏa sáng hơn với mức tăng đến 34 điểm, tương ứng tăng gần 2,3%.

Thực tế 10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào mức tăng điểm của VN-Index trong ngày này cũng đều nằm trong chỉ số VN 30, gồm các mã MWG đóng góp gần 2 điểm, VPB (+1,6 điểm), MSN (+1,3 điểm), NVL (+1,2 điểm), BID (+1,1 điểm), SAB (+1 điểm), FPT (+0,9 điểm), VIC (+0,86 điểm), VCB (+0,83 điểm), CTG (+0,7 điểm).

Dựa trên các biểu đồ phân tích kỹ thuật, trong khi chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sau giai đoạn đi ngang những tháng vừa qua đã xuất hiện tín hiệu tăng trở lại, thì chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhỏ và siêu nhỏ lại xuất hiện tín hiệu điều chỉnh. Chính vì vậy, không ít nhà đầu tư tin rằng dòng tiền đang và sẽ tiếp tục dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu cơ bản vốn hóa lớn trong những phiên kế tiếp.

Cũng cần lưu ý là hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Thứ nhất là việc lãnh đạo tập đoàn FLC bị bắt dẫn đến khả năng các hành vi thao túng giá tương tự, vốn thường diễn ra ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, vốn hóa nhỏ, cũng có thể bị điều tra và xử lý, hoặc ít nhất cũng khiến các “đội lái” thao túng giá cổ phiếu ở các doanh nghiệp này e ngại và buộc phải nằm im nghe ngóng, chứ không dám làm giá lộ liễu như giai đoạn trước. Do đó, dòng tiền có thể tạm thời thoát khỏi nhóm cổ phiếu này để tìm về các cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu vốn hóa lớn.

Thứ hai là với mùa họp đại hội đồng cổ đông đang diễn ra, nhóm cổ phiếu cơ bản cũng được hỗ trợ về mặt thông tin tốt hơn, khi các doanh nghiệp cơ bản thường có kết quả thực hiện và kế hoạch lợi nhuận đặt ra ổn định hơn, cũng như chính sách chia cổ tức tốt hơn do có nguồn lợi nhuận chưa phân phối tích lũy ở mức cao nhờ hoạt động hiệu quả trong những năm qua. Ngược lại, nhóm cổ phiếu đầu cơ thường có lợi nhuận biến động thất thường, không ít trong số này vẫn chìm trong thua lỗ và nhiều năm không thể chia cổ tức cho nhà đầu tư.

Đơn cử, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, hay nhóm bán lẻ, vốn chiếm phần lớn trong chỉ số VN 30, được dự báo sẽ công bố kết quả lợi nhuận quí 1 tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như kế hoạch lợi nhuận năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vượt trội hơn so với các nhóm ngành khác. Rõ ràng với mức tăng trưởng tín dụng quí 1 lên đến 4,03%, cao hơn nhiều so với mức 1,47% của cùng kỳ năm 2021, dễ hiểu vì sao lợi nhuận của các ngân hàng tốt đến như vậy.

Như trường hợp của VPBank, mới quí 1 lợi nhuận đã ước đạt hơn 11.000 tỉ đồng, lập kỷ lục mới trong ngành ngân hàng. Còn Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay lên đến 27.000 tỉ đồng, tiếp nối Vietcombank vào nhóm có lợi nhuận tỉ đô, trong khi VietinBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỉ đồng trong năm nay.

Thứ ba là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có thể hưởng lợi từ động thái quay lại mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài, khi nhóm này thường ưa thích các doanh nghiệp thuộc VN 30, có nền tảng cơ bản tốt. Cụ thể nhóm này đã có bốn phiên mua ròng liên tiếp trên sàn HOSE từ ngày 29-3 đến 1-4, với tổng giá trị hơn 896 tỉ đồng.

Trước đó, trong ba phiên từ ngày 21 đến 23-3, nhóm này cũng đã mua ròng lên đến hơn 2.666 tỉ đồng tính riêng trên sàn HOSE.

Không ít nhà đầu tư tin rằng việc mạnh tay xử lý các hành vi thao túng thị trường chứng khoán cũng như sớm khắc phục những yếu kém trong quản lý thị trường có thể giúp mang lại niềm tin cho thị trường và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sớm quay trở lại với TTCK Việt Nam.

(*) https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-nhip-tang-moi-co-som-quay-tro-lai/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới