(KTSG) - Trong những ngày tới, thị trường chứng khoán Việt Nam mong chờ kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, nỗi sợ call margin (lệnh gọi ký quỹ) sau những phiên giảm mạnh vừa qua chắc chắn sẽ luôn lơ lửng trong tâm trí của các nhà đầu tư.
- Chứng khoán tiếp tục mất 78 điểm, hàng trăm cổ phiếu giảm sàn
- Tin nóng hôm nay: Chứng khoán tiếp tục bán tháo; Tăng bảo vệ dữ liệu khách hàng trong lĩnh vực bưu chính

Bán tháo
Bốc hơi 110 điểm chỉ trong vòng hai phiên cuối tuần trước, tương đương rớt 8,2%, chỉ số VN-Index đang khiến nhiều nhà đầu tư nhớ lại chuỗi ngày tháng 3 cách đây năm năm, khi thị trường cũng lao dốc trước nỗi lo sợ đại dịch Covid-19. Trong phiên giao dịch đầu tuần này (8-4-2025), VN-Index tiếp tục chìm sâu gần 80 điểm, bất chấp các thị trường châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đã giao dịch trong sắc xanh trở lại.
Mức giảm điểm mạnh đi cùng với thanh khoản tăng vọt cho thấy nhà đầu tư quyết thoát hàng bằng mọi giá. Ngày 2-4 có gần 1,72 tỉ cổ phiếu được trao tay tính riêng trên sàn HOSE; ngày 3-4 là hơn 1,87 tỉ cổ phiếu, cao nhất từ trước đến nay. Tính đến đầu tuần này, chỉ số VN-Index đã rớt về mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua và đà bán tháo vẫn chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan đối ứng hàng chục phần trăm lên hàng loạt quốc gia đang được xem là sự kiện thiên nga đen và gây rúng động các thị trường tài chính toàn cầu, vì trước đó không ai nghĩ đến tình huống như vậy. Với Việt Nam, mức thuế suất lên đến 46% đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư, dẫn đến hành động bán tháo bằng mọi giá trên thị trường chứng khoán ngay những phiên sau đó.
Với rủi ro thị trường đang trong giai đoạn giảm mạnh, áp lực giải chấp có thể khiến giá cổ phiếu càng thêm lao dốc, tạo vòng xoáy nợ xấu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của các công ty chứng khoán lẫn các ngân hàng đang cho các công ty chứng khoán vay.
Theo giới phân tích, mức thuế suất cao đến thế nếu được thực thi sẽ làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ, không chỉ kim ngạch thương mại giữa hai bên sẽ bị tác động nặng nề, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng xấu. Hệ quả là thị trường ngoại hối sẽ chịu áp lực lớn, mà diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng vọt trong những ngày gần đây là minh chứng rõ nhất.
Vì vậy, dễ hiểu khi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường độ bán ròng, đơn cử như phiên ngày 3-4 khối ngoại bán ròng hơn 2.700 tỉ đồng trên cả ba sàn, phiên ngày 4-4 bán ròng 1.732 tỉ đồng. Theo đó, chỉ trong vòng bốn phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4-2025, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 5.757 tỉ đồng, đánh dấu đợt bán ròng mạnh nhất từ đầu năm 2025 đến nay.
Ngược lại, khối tự doanh của các công ty chứng khoán vẫn có động thái mua ròng trong những phiên thị trường giảm mạnh vừa qua. Như phiên ngày 3-4 khối này mua ròng 1.046 tỉ đồng trên toàn thị trường, đến phiên ngày 4-4 mua ròng 1.041 tỉ đồng, nâng lũy kế mua ròng trong bốn phiên đầu tiên của tháng 4 lên hơn 2.350 tỉ đồng. Đây là điểm tích cực giữa hàng loạt tin xấu trong những ngày qua.
Dù vậy, việc hàng loạt cổ phiếu lớn liên tục giảm sàn, từ ngân hàng, chứng khoán cho đến bất động sản, đã khiến nỗi sợ hãi lan tỏa khắp thị trường. Trước triển vọng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu các sắc thuế trên được thực thi, thị trường lao động tất suy yếu, nợ xấu ngân hàng có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Và hầu như các nhóm ngành đều sẽ bị ảnh hưởng, chứ không chỉ riêng nhóm doanh nghiệp có các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Mỹ, hay các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp.
Cụ thể trong tốp 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến mức giảm điểm của VN-Index trong hai ngày 3 và 4-4, xuất hiện đến sáu cái tên ngân hàng, gồm VCB (-9,5 điểm), BID (-4,5 điểm), CTG (-4,2 điểm), TCB (-3,7 điểm), VPB (-3,2 điểm) và MBB (-2,8 điểm). Ngoài ra còn có GAS (-4,6 điểm), HPG (-4 điểm), GVR (-3,9 điểm) và FPT (-3,2 điểm). Như vậy chỉ tính riêng 10 cổ phiếu này đã kéo VN-Index giảm đến 43,6 điểm, chiếm 40% tổng mức giảm điểm của VN-Index.
Nỗi sợ call margin
Dù Việt Nam đã nhanh chóng thiết lập phái đoàn sang Mỹ để đàm phán về các chính sách thuế quan, đồng thời xin gia hạn thời điểm chính thức áp thuế, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa thể an tâm khi chứng kiến Mỹ và Trung Quốc liên tục trả đũa để răn đe nhau. Cụ thể, ngày 7-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung 50% với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9-4, nếu nước này không rút lại thuế “trả đũa” Mỹ.
Bắc Kinh đang phải chịu mức thuế 20%, cùng với thuế đối ứng 34% mới công bố, nếu tính thêm mức thuế bổ sung 50% mà ông Trump đe dọa, tổng cộng hàng Trung Quốc có thể phải chịu thuế lên tới 104%. Đáp lại, Trung Quốc kiên quyết phản đối đe dọa áp thêm thuế 50% với hàng hóa nước này và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ lợi ích. Trước đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng hóa Mỹ và có hiệu lực từ ngày 10-4, nhằm đáp trả chính sách thuế đối ứng 34% của ông Trump.
Dù vậy, việc Mỹ và Trung Quốc liên tục gia tăng hàng rào thuế để đáp trả lẫn nhau, về khía cạnh nào đó sẽ phần nào giúp giảm bớt ảnh hưởng của mức thuế suất 46% mà Mỹ áp lên Việt Nam. Vì với mức thuế suất áp lên hàng hóa từ Trung Quốc lên đến 104%, hàng hóa Việt Nam nhập vào Mỹ vẫn đảm bảo rẻ hơn hàng Trung Quốc, dù sẽ kém cạnh tranh hơn so với các nước bị áp thuế thấp hơn.
Trong những ngày tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trông chờ kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, nỗi sợ call margin sau những phiên giảm mạnh vừa qua chắc chắn sẽ luôn lơ lửng trong tâm trí của các nhà đầu tư. Với việc chỉ số VN-Index đã sớm mất mốc hỗ trợ quan trọng quanh 1.200 điểm, đồng thời kênh tăng giá thiết lập từ tháng 11-2022 đã bị gãy, không ít nhà đầu tư đã tự động đóng vị thế theo cảnh báo từ tín hiệu kỹ thuật.
Theo số liệu thống kê, dư nợ margin (vay ký quỹ) toàn thị trường vào cuối năm 2024 đạt khoảng 245.000 tỉ đồng, tăng hơn 36% so với năm 2023 và vượt qua mức đỉnh lịch sử thiết lập đầu năm 2022. Trong đó, dư nợ margin của tốp 30 công ty chứng khoán lớn nhất tương đương 4,17 % vốn hóa thị trường niêm yết (HOSE và HNX) và bằng 14,6 lần giá trị giao dịch bình quân/phiên, cả hai con số này đều ở mức cao nhất trong 10 năm qua.
Đáng lưu ý, trong thời gian qua, do các chủ doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, hay gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nên hoạt động margin hiện nay không chỉ phục vụ nhà đầu tư cá nhân giao dịch mà còn chuyển sang hình thức các chủ doanh nghiệp, hoặc người sở hữu cổ phiếu lớn cầm cố cổ phiếu ấy để lấy tiền đi sản xuất kinh doanh hoặc sử dụng cho mục đích khác. Vì vậy, lượng cổ phiếu đang cầm cố để vay margin tại các công ty chứng khoán rất lớn.
Với rủi ro thị trường đang trong giai đoạn giảm mạnh, áp lực giải chấp có thể khiến giá cổ phiếu càng thêm lao dốc, tạo vòng xoáy nợ xấu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tài chính của các công ty chứng khoán lẫn các ngân hàng đang cho các công ty chứng khoán vay. Thực tế điều này đã từng diễn ra vào giai đoạn tháng 9 đến tháng 11-2022, khi thanh khoản bị “tắc” đột ngột và lượng hàng giải chấp của một số lãnh đạo doanh nghiệp đẩy giá cổ phiếu liên tục chìm sâu.