Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chúng ta của hiện tại… phải khác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chúng ta của hiện tại... phải khác

Trương Trọng Hiểu (*)

(TBKTSG) - “Chúng ta của hiện tại” là tên MV mới của Sơn Tùng M-TP. Vì cái tên quá “trendy” nên người viết định mượn để đặt tựa cho bài viết của mình. Tuy nhiên, với những diễn biến mới sau vài giờ hay vài ngày công bố, MV trở thành viện dẫn chính cho bài viết này.

Nhanh “ngay và luôn”

1,5 triệu người theo dõi trực tiếp khi “Chúng ta của hiện tại” được công bố trên YouTube vào lúc 20 giờ ngày 20-12 là một con số khá ấn tượng, đưa MV này lọt vào tốp các MV trong khu vực được theo dõi trực tiếp nhiều nhất. Chưa đầy 30 phút sau, số lượt người xem đã vượt mốc 2 triệu và tiếp tục tăng mạnh.

Một lần nữa, điều này đủ để minh chứng rằng Sơn Tùng tiếp tục là một cái tên rất nóng. Nhưng quan trọng là, cũng như những gì đã diễn ra trên các kênh YouTube, những con số nhảy múa như trên đủ để phản ánh “thành quả” một cách nhanh chóng nhất có thể. Nói theo ngôn ngữ của hiện tại thì “ngay và luôn” là một đòi hỏi đã được tiêu chuẩn hóa nhằm xóa bỏ thời gian “chết” và có thể là vô số bước, quy trình lọc, công bố kết quả. Bỏ qua yếu tố cảm xúc, “nhanh” rõ ràng còn để cắt giảm chi phí.

Nhưng phải thực và chất

Khi thế giới được minh định là tương đối thì nhu cầu về sự hoàn hảo không phải dễ dàng để đáp ứng. Bất kỳ một quy trình đánh giá nào cũng sẽ để lộ gót chân Achilles. Điều quan trọng là quy trình xét duyệt đó hướng đến điều gì, và bản thân người vận hành có muốn khắc phục những điểm yếu đã lộ diện để hoàn thiện hay không. Cho nên, đã quyết định sử dụng một quy trình, thì phải chấp nhận nó, tránh tình trạng khi được thì viện dẫn còn khi mất thì bài trừ, công kích.

YouTube cũng cần được đón nhận một cách bình tâm như vậy. Nhìn vào lượt view cao ngút của một MV, người ta có thể mường tượng đến lực lượng “cày” view.

Thì đã sao, có người bỏ công cày view cũng là thành quả của người nghệ sĩ. YouTube thì cũng chẳng gì phải ngại. YouTube vẫn dựa vào đó để đẩy ranking. YouTube biết chứ, nhưng họ vẫn... để vậy, chấp nhận và thậm chí còn trả tiền cho YouTuber theo số lượng lượt view đó.

Thực ra, chẳng có gì là lạ. Anh có “cày” hay không thì anh vẫn phải bật MV hay clip và để màn hình ở chế độ “play”. Bất kể thái độ của anh là gì, màn hình “chạy” là tôi sẽ ghi nhận, vì với tôi như thế đã đạt được mục tiêu.

Nói vậy thôi, chứ YouTube nào phải dạng vừa, chịu yên trước những tay... “cày đểu”. Ai là tín đồ của “kênh truyền hình” mới này đều rõ chuyện lượt view tăng rồi lại giảm. Mấy cô cậu robot của YouTube đủ thông minh để phát hiện các view không thực và chất để loại bỏ, để tổng view cuối cùng phải... thực và chất. Thời của hiện tại, mọi thứ đâu dễ... ảo được.

Dẫu ngày trước có thế nào thì thời này đã khác nên chúng ta cần phải khác cho hiện tại. Để khác, chúng ta buộc phải lựa chọn: đứng yên hay thay đổi? Nếu đã thay đổi thì phải thay đổi theo phong cách “bốn chấm”: nhanh, thực và chất.

Chúng ta của hiện tại phải khác

Thời hiện tại của chúng ta rõ ràng đã khác. Chúng ta vì vậy phải khác, trong những sắp đặt mới, cho một cuộc sống mới.

Xã hội hẳn nhiên phải khác. Từng cá nhân cũng phải khác.

Nhưng có lẽ, nhà nước và chính quyền cần phải khác trước tiên, vì nhà nước và thể chế là lực lượng, đơn vị quản lý và dẫn dắt xã hội. Đặc biệt, để số hóa thì phải khác, không phải chỉ trong cách nghĩ, lời nói mà phải trong hành động.

Mấy chục năm tạo dựng nền pháp lý nước nhà, chúng ta không còn lạ cảnh Chính phủ và các cơ quan hành chính “nợ” văn bản hướng dẫn. Nhưng sau bao nhiêu năm đổi mới, cải cách và không ít lần tuyên bố mục tiêu 4.0 hóa nền hành chính quốc gia, “nợ xấu” này vẫn còn. Doanh nghiệp đương nhiên phải... trả giá như phản ánh của TBKTSG(1).

Hơn cả thế, Chính phủ “nợ” cả cơ quan thi hành Luật Cạnh tranh hơn một năm qua trong khi xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh tốt đã kịp phủ kín các cam kết quốc tế, từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nói đúng ra, sau phiên bản Luật Cạnh tranh 2004, Việt Nam đã có Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh gánh vác sứ mệnh này. Tuy nhiên, hai cơ quan này được miễn nhiệm và xem như đã hoàn thành trọng trách khi Luật Cạnh tranh mới được ban hành vào năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.

Theo quy định mới, một Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thống nhất sẽ được thành lập để tiếp tục sứ mệnh đó. Nhưng cho đến nay, cơ quan này vẫn chưa ra đời, đồng nghĩa không có ai gánh vác việc thực thi sắc luật. Trong tình thế đó, Bộ Công Thương tiếp tục giao Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo dõi, giám sát các động thái của nền kinh tế nhưng dù có giao gì đi nữa thì cơ quan này vẫn không thể danh chính ngôn thuận có được quyền “tài phán” cạnh tranh. Hoạt động kinh doanh có dấu hiệu phản cạnh tranh vì vậy cũng chỉ có thể nhận được... cảnh báo từ cơ quan này.

Sau gần 15 năm ban hành và thực thi, Luật Cạnh tranh Việt Nam coi như bước từ cuộc sống lên bàn giấy rồi nằm yên ở đó để chờ tiếp cơ quan thực thi mới. Thời 4.0 đâu thể chậm đến như thế!

Cùng với nhiều thành tựu khác của thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã có thể xây dựng và ban hành các bộ luật có đến vài trăm điều, dày đến vài trăm trang giấy. Nhưng để đáp ứng nhịp sống cấp bách của thời đại, Việt Nam cũng có thể ban hành các văn bản luật chỉ một vài điều.

Thể chế cần ổn định, luật pháp cần chắc chắn, khái quát để ít sửa đi sửa lại. Nhưng nếu cần, một văn bản luật còn sai sót có thể bị sửa đổi, thay thế ngay lập tức.

Dẫu ngày trước có thế nào thì thời này đã khác nên chúng ta cần phải khác cho hiện tại. Để khác, chúng ta buộc phải lựa chọn: đứng yên hay thay đổi? Nếu đã thay đổi thì phải thay đổi theo phong cách “bốn chấm”: nhanh, thực và chất.

Lựa chọn trong ngôn tình có thể là sự hy sinh, còn lựa chọn trong kinh tế học là đánh đổi. Hy sinh hay đánh đổi thì suy cho cùng cũng vì một mường tượng khác hơn về một tương lai khác hơn. Cho nên, trở ngại, khó khăn và thậm chí là cả sự trả giá nếu có thì cũng có cái giá của nó.

Làm tốt công việc của chính mình cũng là đủ

Trong MV “Chúng ta của hiện tại” Sơn Tùng thực ra đã rất khác với một Sơn Tùng trước. Cái khác lớn nhất là anh đã bỏ qua câu hát điệp khúc có thể tạo “trend” để đặt tên một ca khúc như thường thấy. Lần này, tên ca khúc anh chọn không có từ nào có trong lời bài hát. Và cái khác này đã... bị trả giá bằng những con số mà chúng ta đã thấy.

Người ta có thể cho rằng, Sơn Tùng chỉ là một ca sĩ, dù là một ca sĩ có độ nóng bậc nhất đi chăng nữa. Nhưng phải chăng chúng ta cũng đã từng quen với thông điệp: để xã hội này tốt hơn thì mỗi người, mỗi tổ chức chỉ cần làm tốt công việc của chính mình.

Sơn Tùng rõ ràng đã làm tốt vai trò người nghệ sĩ bằng những kết nối của quá khứ, hiện tại và tương lai qua một... tình khúc. Phải chăng, việc còn lại là chúng ta hãy làm tốt công việc của chính mình? Chỉ cần mỗi người làm tốt công việc của chính mình cũng là đủ để thời hiện tại của chúng ta sẽ khác!

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

(1) https://www.thesaigontimes.vn/311509/doanh-nghiep-tra-gia-vi-no-cua-nha-nuoc.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới