Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cung ứng cần thiết kế lại sau khi bị ‘xô lệch’ bởi Covid-19

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sự tàn phá của Covid-19 đang khiến chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với các hành lang thương mại tạm thời bị gián đoạn và năng lực sản xuất sụt giảm đáng kể. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng cho sự phục hồi chính là việc thiết kế lại chuỗi cung ứng ở tốc độ cao.

Trong một báo cáo về khối doanh nghiệp tư nhân mới đây, đơn vị nghiên cứu Deloitte có nhận định, chưa có cuộc khủng hoảng nào tác động lớn đến hoạt động hàng ngày của con người như vậy. Cũng chưa từng có cuộc khủng hoảng nào buộc các doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đẩy nhanh cuộc cách mạng chuyển đổi.

Thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đang phải vật lộn để ứng phó, phục hồi và định vị lại để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong môi trường hậu đại dịch. Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng là điều họ cần phải đẩy nhanh.

Ngành thủy sản Việt Nam đang đối diện với nguy cơ gãy đổ chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa: DNCC

Những dữ liệu từ báo cáo cho thấy có 69% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp của họ. Điều này không chỉ châm ngòi mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ.

Có 61% các doanh nghiệp mong đợi hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới. 60% doanh nghiệp được hỏi tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết kế lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.

Nói riêng về chuỗi cung ứng, báo cáo cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các mạng lưới cung ứng gắn kết hơn, không chỉ xem xét đến tính hiệu quả mà còn tính tới khả năng phục hồi và nguồn dự phòng khi có bất trắc xảy ra.

Doanh nghiệp phân tích sự phụ thuộc lẫn nhau của chuỗi cung ứng, từ đó đầu tư vào chuỗi cung ứng kỹ thuật số, giúp có thể lường trước, phán đoán và phản ứng tốt hơn với những thay đổi bất ngờ.

Deloitte nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình xây dựng khả năng phục hồi, đều tập trung vào 7 yếu tố chính, gồm chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội.

Họ đang tận dụng cuộc khủng hoảng để hiểu rõ hơn về sự phụ thuộc lẫn nhau và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như mạng lưới cung ứng kỹ thuật số để lường trước, phán đoán và phản ứng tốt hơn với những thay đổi bất ngờ.

Đại dịch có thể đẩy nhanh những nỗ lực này, nhưng sẽ mất thời gian để nhìn thấy được những lợi ích, như vụ tắc nghẽn kênh đào Suez gần đây. Vấn đề do một tàu chở hàng bị mắc cạn, khiến gần 400 tàu khác bị hoãn, gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu gần 10 tỉ đô la mỗi ngày, một lần nữa cho thấy sự phụ thuộc của nhiều doanh nghiệp vào một chuỗi cung ứng toàn cầu vận hành tốt.

Người tham gia khảo sát tin rằng những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới. Họ nhận định các rủi ro liên quan đến Covid-19 là những mối quan tâm hàng đầu trong 12 đến 36 tháng tới. Trong đó những người quan ngại nhất là những người tham gia khảo sát đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tất cả cho rằng tài trợ của chính phủ để bù đắp tác động của đại dịch đến nền kinh tế là hình thức hỗ trợ quan trọng nhất trong năm nay để tạo điều kiện tăng trưởng.

Đối với hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam các chuyên gia cho rằng việc thực hiện chuyển đổi số ở phần lớn các doanh nghiệp mới đang dừng ở mức chuyển đổi nhận thức. Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại, do thách thức về công nghệ và ngân sách. Tuy nhiên, những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thường bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của lãnh đạo.

Đại dịch không chỉ làm tăng số lượng những rủi ro các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt, mà còn làm thay đổi bản chất của những rủi ro này, khiến việc đo lường và quản trị chúng trở nên khó khăn hơn. Mặc dù việc đánh giá và định lượng tác động của chuỗi cung ứng đã bị tổn hại bởi Covid-19 tương đối đơn giản, nhưng vẫn còn đó một số rủi ro khó để đo lường. Điều này có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến thành công của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh chung về quản trị rủi ro ở Việt Nam các chuyên gia cho rằng, đa số các doanh nghiệp đang làm theo góc độ kinh nghiệm và tự phát  chưa có cơ chế, phương pháp luận để đánh giá, xử lý giám sát tất cả những rủi ro. Tuy nhiên chỉ ra việc nhiều doanh nghiệp tư nhân tin họ trở nên kiên cường hơn sau đại dịch, bất chấp những thách thức to lớn trên thị trường trong năm qua.

Mua bán doanh nghiệp sẽ bùng nổ sau Covid-19Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng tổ chức của họ có khả năng hoặc rất có khả năng sẽ bị mua lại trong 12 tháng tới, tăng đến 10% so với khảo sát năm 2019. Những doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao thường hoạt động tích cực hơn các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp. Động lực thúc đẩy chính bao gồm thâm nhập vào thị trường toàn cầu mới, mở rộng hoặc đa dạng hóa mạng lưới khách hàng và tăng thêm nguồn vốn.Mua bán và sáp nhập được xem là có sức ảnh hưởng lớn đến việc định hình bối cảnh hậu Covid-19. Trong đó, các doanh nghiệp áp dụng chiến lược kết hợp giữa phòng thủ và tấn công để bảo vệ thị trường sẵn có, đẩy nhanh quá trình phục hồi và định vị doanh nghiệp để nắm vị trí dẫn đầu thị trường.Bên cạnh tác động đến hoạt động mua bán và sáp nhập, đại dịch đang thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân hình thành các mối quan hệ và đối tác chiếnlược mới. Theo nhận định từ 61% doanh nghiệp tham gia khảo sát, và từ 78% doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao. Khi hệ sinh thái càng được mở rộng, bản thân các doanh nghiệp gia đình có thể sẽ phải đấu tranh với tình trạng mất quyền kiểm soát vốn có trong cấu trúc liên minh.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới