(KTSG Online) - Đà suy thoái kinh tế và sức mua của người tiêu dùng yếu đi tại Trung Quốc khiến các kho lạnh hiện tại có thể trống khoảng 50%. Tuy nhiên, đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh lại được cho là cơ hội của nhiều startup nước này trên con đường tìm hướng phát triển mới ở trong nước và quốc tế.
- Chuỗi cung ứng bán dẫn Đài Loan dịch chuyển ra nước ngoài
- Startup giám sát chuỗi cung ứng đắt khách nhờ 'hỗn loạn' thuế quan

Theo Hãng nghiên cứu Modor Intelligence, thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Trung Quốc dự báo đạt 94,46 tỉ đô la trong năm 2025 và tăng trưởng với tốc độ kép 10,07% mỗi năm, đạt 152,62 tỉ đô la trong năm 2030.
Nhiều startup gia nhập cuộc đua
Xe nâng tự động tiến vào một cơ sở kho lạnh ở nhiệt độ -30 độ C thuộc khu cảng Diêm Điền của Thâm Quyến. Chiếc xe này bắt đầu vận chuyển những thùng tôm đông lạnh từ Ecuador lên những kệ cao khoảng 2 mét. Bên cạnh đó là nhũng thùng thịt heo đông lạnh từ Mỹ hay chân gà cấp đông từ Brazil.
Hoạt động trong những kho như thế này phức tạp hơn suy nghĩ thông thường. Chen Bowen, giám đốc kỹ thuật số của startup Yueshi Robot ở Thâm Quyến, nơi chế tạo những chiếc xe nâng tự động này nói: "Quá trình phát triển gặp rất nhiều thách thức vì môi trường bên trong kho đông lạnh rất khắc nghiệt. Sương mù dày đặc và độ ẩm cao làm ảnh hưởng đến độ chính xác của các bộ cảm biến”.
Yueshi Robot đã trang bị thêm các cảm biến lidar cho các robot sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Đức, giúp các robot này định vị, hoạt động chính xác hơn trong kho lạnh. Yueshi Robot hy vọng bốn xe nâng tự hành sẽ xử lý toàn bộ công việc của một tầng trong kho lạnh Diêm Diền, hoạt động 24 giờ một ngày, vận chuyển khoảng 4.000 tấn thực phẩm mỗi ngày.
Yueshi Robot đặt mục tiêu đến khoảng năm 2028 sẽ có tới 10.000 robot xe nâng làm việc tại các trung tâm kho lạnh trên toàn quốc.
Kho lạnh ở Diêm Điền của Yueshi Robot đang trải qua quá trình nâng cấp lớn trong vài năm qua. Đây cũng là biểu tượng cho nỗ lực hiện đại hóa chuỗi cung ứng lạnh của Trung Quốc nhằm tăng cường an ninh lương thực ở nước này.
Kho hàng ngày càng lớn hơn, nhu cầu đảm bảo an toàn và giảm chi phí lao động cũng tăng lên, thúc đẩy sự chuyển dịch sang tự động hóa. Yueshi Internet, công ty mẹ của Yueshi Robot đã cung cấp phần mềm quản lý cho hơn 2.000 kho hàng trong khu vực cảng Thâm Quyến. Trong khi đó, Yueshi Robot có kế hoạch cung cấp robot xe nâng tự động cho chính quyền địa phương, các hãng bất động sản đang chuyển sang kinh doanh chuỗi lạnh.
Kể từ khi tách ra khỏi công ty mẹ năm 2022, Yueshi Robot đã thực hiện ít nhất sáu vòng gọi vốn, bất chấp dòng vốn cho startup đang cạn dần tại Trung Quốc và nhiều nước khác. Hồi tháng trước, hãng đã nhận được vốn đầu tư từ một quỹ mạo hiểm được chính quyền thành phố Lang Phường (thuộc tỉnh Hà Bắc, giáp giới với thủ đô Bắc Kinh) hậu thuẫn.

Các startup khác cũng đang tham gia cuộc đua. Fresh Life Style Supply Chain Management, startup do tập đoàn nông nghiệp New Hope Group của Trung Quốc ươm tạo đã huy động được hàng trăm triệu nhân dân tệ trong vòng gọi vốn mới trong tháng 11-2024. Fresh Life cung cấp phần mềm giúp các công ty hậu cần quản lý xe tải lạnh.
Thành lập tại Thâm Quyến năm 2019, Multiway Robotics, phát triển nhiều loại robot cho ngành logistics như xe nâng tự động, máy kéo và xe nâng bên hông (sideloader), bao gồm cả robot dùng cho các kho lạnh. Công ty này đã thành lập các công ty con ở nhiều nước khác và cho biết đang tập trung vào các thị trường như Nhật Bản, nơi có chi phí lao động cao hơn.
Triển vọng tích cực nhưng nhà đầu tư đang thận trọng
Chuỗi cung ứng lạnh bao gồm hệ thống kho lạnh, các phương tiện vận chuyển hàng đông lạnh và các dịch vụ có liên quan. Theo Hiệp hội Kho bãi và Phân phối Trung Quốc (CAWD), các kho lạnh của nước này có tổng dung khối khoảng 250 triệu mét khối vào năm 2023, tăng 14,7% so với năm trước. CAWD ước tính, có khoảng 260 triệu tấn thực phẩm tươi hoặc đông lạnh đã được lưu trữ và vận chuyển trên khắp các hệ thống kho ở Trung Quốc trong năm 2024.
Tuy nhiên, số liệu của Liên đoàn Hậu cần và Mua sắm Trung Quốc (CFLP) cho biết, nhu cầu của chuỗi cung ứng lạnh Trung Quốc đạt 365 triệu tấn trong năm ngoái. Doanh số bán ra xe tải lạnh chạy bằng năng lượng tái tạo đạt 21.368 xe trong năm 2024, tăng hơn 350% so với năm trước đó.
Ngành đường sắt và đường không Trung Quốc cũng tích cực tham gia chuỗi cung ứng lạnh. Từ các điểm đầu mối ở các thành phố lớn, các doanh nghiệp chuỗi cung ứng lạnh đưa hàng nhập khẩu hoặc từ các vùng biển đi khắp các tỉnh thành nằm sâu trong đất liền của Trung Quốc.
Công ty hậu cần hàng hóa đặc biệt đường sắt Trung Quốc (CRSCL) cho biết khối lượng hàng hóa chuỗi cung ứng lạnh tăng hơn 30% trong năm 2024. CRSCL đã triển khai các thiết bị tiên tiến và mở các tuyến vận tải liên vận quốc tế mới cho thực phẩm tươi sống nhập khẩu, kết nối các thành phố và khu vực ở Trung Quốc với Việt Nam, Trung Á và châu Âu.
Hãng hàng không China Eastern Airlines cũng mở các chuyến thuê bao vận tải chở các sản phẩm tươi sống từ châu Âu đến các tỉnh nằm sâu trong đất liền như An Huy, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Nam…
Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhưng lại bỏ quên các kho lạnh và chuỗi cung ứng liên quan. Mạng lưới này trở nên lạc hậu và cũ kỹ do hàng ngàn công ty nhỏ quản lý và không được tiêu chuẩn hóa. Bắc Kinh đang thúc đẩy phát triển các cơ sở chuỗi cung ứng lạnh lớn hơn, được trang bị máy móc hiện đại và công nghệ mới.
Hiện đại hóa chuỗi cung ứng lạnh càng trở nên cấp thiết hơn trong dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn do yêu cầu phong tỏa. Căng thẳng địa chính trị cũng buộc Trung Quốc phải gia tăng các nỗ lực bảo đảm nguồn cung thực phẩm được ổn định.
Richard Huang, giám đốc cấp cao về hậu cần và công nghiệp tại hãng tư vấn bất động sản JLL China, đánh giá triển vọng dài hạn của chuỗi cung ứng lạnh là tích cực. Tuy nhiên, ông cho rằng, các quỹ hay doanh nghiệp vẫn thận trọng khi đầu tư lớn trong ngắn hạn do nền kinh tế đang chậm lại. Ngoài ra, còn có một lượng lớn vốn đầu tư đã đổ vào chuỗi cung ứng lạnh trước đây hiện vẫn cần thời gian để vốn được hấp thụ.
CAWD ước tính, chưa đến 50% công suất kho lạnh được sử dụng vào năm 2023 do nhu cầu giao thực phẩm tươi sống trực tuyến và ăn uống tại nhà hàng suy giảm. Báo cáo trong tháng 10-2024 của CAWD, cho biết tỷ lệ sử dụng dưới 50% sẽ đe dọa đến lợi nhuận của các đối tác bên thứ ba.
Huang cho biết, các công ty logistics đang áp dụng sản phẩm công nghệ có giá tương đối, như phần mềm quản lý kho để nâng cao hiệu quả. Quá trình tự động hóa đang diễn ra với tốc độ chậm hơn vì chi phí lao động ở đây thấp hơn so với các nước phát triển.
Theo Nikkei Asia, Global Times, Modor Intelligence