(KTSG) - Các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam đã tăng trưởng thần tốc trong các năm qua. Sự cạnh tranh của các chuỗi làm nóng lên mảng kinh doanh bán lẻ dược phẩm, buộc các nhà thuốc tư nhân độc lập phải co cụm lại, và đổi mới để tồn tại. Các startup công nghệ y tế và sức khỏe cũng có cơ hội tham gia thị trường nhiều tỉ đô la.
- Nhà thuốc nhỏ tìm lối đi riêng trước áp lực chuyển đổi số
- Nhà thuốc truyền thống xoay xở chuyển mình trong cuộc chơi với chuỗi lớn
Từ bốn nhà thuốc đầu tiên trên đường Hai Bà Trưng, TPHCM vào năm 2017, chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện đạt xấp xỉ gần 1.600 cửa hàng trên cả nước, đứng đầu các chuỗi nhà thuốc về quy mô. An Khang cũng tăng nhanh từ 14 nhà thuốc khi thành lập vào năm 2017 lên 527 nhà thuốc vào tháng 4 vừa rồi. Pharmacity có vẻ tụt hậu khi bước vào thị trường từ năm 2011 và hiện đang có 932 nhà thuốc, nhưng lại tham vọng đạt con số 5.000 trong năm 2025.
Long Châu tập trung vào nền tảng chăm sóc sức khỏe
Năm 2023, FPT Retail đóng cửa 30 cửa hàng FPT Shop do hiệu quả kinh doanh không như mong đợi. Năm 2024, Tổng giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên nói rằng “sẽ không mở mới mà tiếp tục thu hẹp quy mô FPT Shop”.
Để khai thác hiệu quả mặt bằng của FPT Shop, công ty còn mở bán các mặt hàng điện gia dụng như ti vi, máy lạnh, tủ lạnh, điện tử gia dụng… FPT Retail cũng đưa ra mức thù lao 0 đồng/tháng cho các vị trí cấp cao như chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát và thành viên ban kiểm soát… trong hai năm 2023-2024. Công ty sẽ không thực hiện chi trả lợi tức cổ đông trong năm 2023, chỉ đến năm 2025 dựa trên tình hình kết quả kinh doanh năm nay, FPT Retail sẽ trình kết quả trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong lúc các mảng kinh doanh khác gặp khó khăn, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail phát triển tốt với doanh thu 16.000 tỉ đồng trong năm 2023, tăng 66% so với năm trước. Trên nhathuoclongchau.com.vn, Chủ tịch HĐQT FPT Retail Nguyễn Bạch Diệp nhấn mạnh rằng sẽ dồn lực phát triển hệ sinh thái y tế của công ty.
Bà Diệp đưa ra chiến lược “Long Châu Healthcare Platform”, với “vòng đời sức khỏe”, tập trung vào sáu mảng kinh doanh: y tế dự phòng (quy mô thị trường 1-3 tỉ đô la, thông qua các trung tâm tiêm chủng), chẩn đoán (1 tỉ đô la, trung tâm xét nghiệm), điều trị (10 tỉ đô la), nhà thuốc (7 tỉ đô la), theo dõi tại nhà và bảo hiểm (khách hàng có bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh…)
Bà nói FPT Retail sẽ sử dụng dữ liệu lớn (big data) và AI để mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và giá rẻ cho khách hàng. Bà Diệp cho biết công nghệ đã giúp FPT Retail đạt biên lợi nhuận 22-25%, thay vì chỉ 10% so với các nhà thuốc nhỏ.
FPT Long Châu đã đưa hai tổng kho dược chuẩn GPP (tiêu chuẩn thực hành tốt quản lý nhà thuốc) và GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc) tại nhà kho rộng 35.000 mét vuông tại Mê Linh, Hà Nội và 45.000 mét vuông tại Hựu Thạnh, Long An. Hai kho của Long Châu được xem là kho bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam về diện tích và quy mô.
Năm nay, Long Châu lên kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc, nâng tổng số lên thành 1.900. Trung bình mỗi nhà thuốc Long Châu có vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng, sau ba tháng sẽ hòa vốn. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng thuốc Long Châu đạt 1,1-1,2 tỉ đồng mỗi tháng trong năm ngoái, cao gấp đôi các chuỗi đối thủ. Bà Diệp nhấn mạnh là sẽ tập trung vào lợi nhuận, hơn là chú trọng mở rộng chuỗi trong những năm tới.
Thị trường sôi động
Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam có thể tăng từ 7,7 tỉ đô la trong năm 2021 lên 16,1 tỉ đô la vào năm 2026, tức tăng hơn hai lần trong năm năm. Chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe của người Việt đã gia tăng mạnh sau dịch Covid-19 và khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ngày càng tăng.
Thị trường mênh mông đã thu hút các đối thủ khác gia nhập cuộc chơi. Hiện có hơn 900 nhà thuốc, chuỗi Pharmacity đặt mục tiêu đạt hơn 5.000 nhà thuốc đến cuối năm 2025, tức mở mới gần 4.100 nhà thuốc trong 20 tháng sắp tới, tức trung bình mỗi ngày mở thêm 7 nhà thuốc! Các nhà phân tích nói đây là mục tiêu dường như bất khả của Pharmacity bởi kinh doanh chuỗi nhà thuốc còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn hàng, kho thuốc đạt chuẩn…
Thế Giới Di Động đặt mục tiêu lớn cho năm 2024, với doanh thu tăng 6% và lợi nhuận sau thuế tăng 14 lần so với năm 2023. Chuỗi này cũng đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số cho năm 2024 và đạt điểm hòa vốn vào ngày 31-12-2024, sau bảy năm thành lập. Thế Giới Di Động cũng không quên mục tiêu cho An Khang là trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khỏe.
Thị trường bán lẻ dược phẩm trước đây có khoảng 62.000 nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ. Với sự bành trướng của các chuỗi, số nhà thuộc độc lập còn khoảng 45.000. Kênh ETC (đấu thầu thuốc qua bệnh viện) và bán lẻ dược phẩm với quy mô gần 2 tỉ đô la đang có sự cạnh tranh của mạng lưới chân rết các nhà thuốc độc lập.
Bảo đảm đủ thuốc theo đơn bảo hiểm y tế là cam kết hàng đầu của các chuỗi lớn và cả các nhà thuốc đơn lẻ. Dịp lễ Tết, các nhà thuốc vẫn chăm chỉ hoạt động và sẵn sàng giao thuốc bằng dịch vụ giao hàng công nghệ ngay giữa khuya, dù rằng họ chưa có ứng dụng như Long Châu hay Pharmacity.
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các chuỗi góp phần làm sôi động thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) ngành dược tại Việt Nam trong năm 2023. Tháng 8 năm ngoái, chuỗi Dongwha Pharm của Hàn Quốc đã chi 30 triệu đô la để mua lại chuỗi bán lẻ dược phẩm Trung Sơn Pharma. Với gần 150 hiệu thuốc phủ khắp TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long, Trung Sơn Pharma là một trong chuỗi lâu đời nhất với 27 năm hiện diện trên thị trường.
Startup công nghệ y tế và sức khỏe cũng vào cuộc
Các startup công nghệ sức khỏe của Việt Nam cũng bước vào cạnh tranh với các chuỗi nhà thuốc vật lý.
Thành lập tại Singapore vào năm 2018, BuyMed do ba nhà đồng sáng lập gồm Peter Nguyễn (Chủ tịch Thuocsi.vn), Hoàng Nguyễn (CEO Buymed) và Vương Vũ (COO Thuocsi.vn). Startup này vừa gọi được 51,5 triệu đô la, tập trung cung cấp các sản phẩm y tế, thuốc và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
BuyMed đã xây dựng ba nhà kho đạt chuẩn GPP và GSP tại TPHCM, Hà Nội và Bình Dương. Tổng diện tích của ba kho thuốc là 18.000 mét vuông, giúp quá trình xử lý đơn đặt hàng thuận lợi cho hơn 30.000 khách hàng trên cả nước, trong đó hơn gần 60% là đơn thuốc hàng tháng.
Để có nguồn hàng ổn định, Thuocsi.vn đã làm việc với hơn 2.000 công ty dược phẩm và các nhà bán hàng uy tín. Gần đây, Thuocsi.vn đã thiết lập mạng lưới kho trung chuyển (HUB) và giao hàng nội bộ gồm 106 địa điểm trên 7 khu vực địa lý với hơn 50 tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh chóng.
Hiện BuyMed cũng đang điều hành nền tảng B2B Thuocsi.vn, hay buymed.com.kh ở Campuchia. Đây là nền tảng nối các nhà sản xuất với hiệu thuốc và phòng khám ở xứ chùa tháp.
Chuỗi phòng khám Nhi Đồng 315 cũng nối dài sự phát triển và dịch vụ của hệ thống nhà thuốc. Chuỗi này vừa gọi được 58,7 triệu đô la nhằm mở rộng dịch vụ khám bệnh, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh đến độ tuổi thiếu niên 14 tuổi.
Trong số các startup về y học chính xác của Việt Nam đang thu hút được đầu tư mạo hiểm có Gene Solutions tại TPHCM. Thành lập năm 2017, Gene Solutions chuyên phát hiện sớm sự xuất hiện của một số loại bệnh dựa trên phân tích ADN. Startup đã giúp nhiều bậc cha mẹ phát hiện các rối loạn nhiễm sắc thể khi mang thai, ngăn ngừa các vấn đề di truyền và giúp thụ thai thông qua thụ tinh trong ống nghiệm.
Gene Solutions đã huy động được hơn 86 triệu đô la qua ba vòng gọi vốn trong ba năm qua. Startup đặt mục tiêu có giá dịch vụ phải chăng, dễ tiếp cập. Ngoài văn phòng ở TPHCM, Gene Solutions còn có văn phòng ở Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Các startup y học chính xác khác của Việt Nam còn có Gene Story được VinGroup thành lập năm 2022 với các dịch vụ xét nghiệm di truyền dành riêng cho người Việt Nam. Hay Genetica vừa cho ra mắt sản phẩm giải mã gen nhờ ứng dụng AI để phát hiện nguy cơ di truyền của một người khi bị nhiễm virus đường hô hấp.